Ám ảnh trái bóng V.League!

Chậm hai tháng rưỡi so với những mùa giải trước, chiều nay, trên khắp sân cỏ cả nước, trái bóng V.League 2013 sẽ chính thức lăn. Phải mất nửa năm chuẩn bị (một kỷ lục đối với bóng đá Việt Nam), dù có đôi chút hy vọng, nhưng chắc chẳng ai có thể đảm bảo rằng, V.League 2013 sẽ không còn tiêu cực. Liên minh, móc ngoặc, cá độ, nhường điểm, mua chuộc trọng tài, quyền lực đen... vẫn là nỗi ám ảnh ở mùa giải mới.

 

“Đầu có xuôi, đuôi mới lọt”. Ấy vậy mà, trận Siêu Cúp khai màn cho mùa giải mới đã manh nha tiêu cực. Ngoài nghi án bán độ - căn bệnh lưu cữu của bóng đá Việt Nam trỗi dậy (mà căn nguyên của nó là từ sức hút của kim tiền), thì việc Chủ tịch Tập đoàn Hà Nội T&T Đỗ Quang Hiển tuyên bố thưởng cho CLB SHB Đà Nẵng 1 tỷ đồng (sau khi giành cúp) khiến dư luận đặt dấu hỏi? Chắc hẳn, thầy trò HLV Lê Huỳnh Đức khấp khởi mừng thầm. Còn các quan chức của VPF thì chẳng thể vui, bởi việc làm của ông Hiển là vi phạm quy chế được VPF ban hành, trong đó có điều khoản quy định mức thưởng cho một trận đấu không quá 500 triệu đồng.


Sự việc trên đã đẩy VPF vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, trở thành một phép thử về năng lực điều hành của VPF trước mùa giải mới. Bởi lẽ không xử thì bị cho là bất lực, mà xử thì chẳng khác “dập lửa lại đổ thêm dầu”, khi mà bóng đá Việt Nam đang trong bối cảnh khủng hoảng trầm trọng, khi mà các câu lạc bộ đang có chiều hướng bỏ bóng đá, thích thì đá, chẳng thích thì rút lui. Mặt trái của việc vung tiền thưởng thì ai cũng thấy. “Văn hóa” tiền thưởng nó giống như con dao hai lưỡi. Các ông bầu đội bóng có thể đạt được mục đích là giành thắng lợi ở những trận cầu họ muốn. Còn cầu thủ thì nhìn tiền thưởng để đá, họ sẵn sàng “đá giả” nếu như mức thưởng không như mong đợi. Lâu nay, các nhà quản lý bóng đá rất muốn kiểm soát việc thưởng tiền trong các trận đấu, nhưng để làm được việc này lại không đơn giản. Ngay cả khi đưa vào quy chế, các ông bầu vẫn tìm mọi cách để lách luật.


Chuyện bầu Hiển tuyên bố thưởng tiền cho SHB Đà Nẵng chưa dừng lại ở đó. Bởi lẽ nó còn liên quan đến chuyện “gà cùng một mẹ”, “một ông bầu nhiều đội bóng” mà trong quy chế của VPF đã cấm kỵ. Xâu chuỗi lại vấn đề, chắc hẳn nhiều người sẽ hình dung ra mối quan hệ giữa SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T ở mùa giải 2013. Ai cũng biết, ông Hiển đã tuyên bố thoái vốn khỏi SHB Đà Nẵng, nên việc ông Hiển tuyên bố thưởng tiền cho đội bóng sông Hàn đã khiến nhiều người nghi ngại. Liệu ông chủ của Hà Nội T&T có tiếp tục thao túng SHB Đà Nẵng? Nếu sự thật đúng như vậy thì chắc chắn V.League sẽ lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn, đồng thời khó tránh khỏi những trận đấu móc ngoặc, dàn xếp tỷ số, nhường điểm... Hệ quả là người hâm mộ tiếp tục phải đối mặt với những trận cầu kém chất lượng; nghiêm trọng hơn là nó đẩy bóng đá nước nhà đến bờ vực phá sản.


Thật khó cho VPF trong việc thể hiện thái độ đối với sự việc nói trên. Đúng là vừa khởi đầu mùa bóng mới, bóng đá Việt Nam đã gặp xui. Nên nhớ, đấy chỉ là một trận đấu, trong khi một mùa giải còn có biết bao vấn đề cần nhà tổ chức ra tay. Các cụ xưa có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nếu từ những mùa giải trước, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và VPF thể hiện sự kiên quyết với những biểu hiện tiêu cực, thì chắc mùa bóng này nó sẽ không còn đất để tồn tại. Trớ trêu, chính sự thỏa hiệp của VFF và VPF đã đẩy sự việc trở nên bất định, cũng là nguy cơ tiềm tàng đe dọa tới sự thành công của mùa giải mới.


Lại thêm thách thức đáng kể nữa đối với VFF và cả VPF, khi mà bộ máy điều hành giải chưa đủ năng lực và cả sự dũng cảm để đương đầu với tiêu cực xung quanh trái bóng tròn.


Yến Nhi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN