06:07 13/06/2015

Gỡ vướng pháp lý để xử lý nợ xấu

Xử lý nợ xấu đang được Ngân hàng Nhà nước gấp rút triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp.

Xử lý nợ xấu đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gấp rút triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp. Theo các chuyên gia kinh tế, mấu chốt của việc xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn là do vướng mắc trong quá trình giải quyết tài sản thế chấp để thu hồi nợ.

Khoảng 70% rào cản xử lý nợ xấu là do vướng mắc pháp lý. Ảnh minh họa: Khách hàng giao dịch tại VPBank chi nhánh Thụy Khuê (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Chưa đạt như mong muốn

TS. Trần Thị Hồng Hạnh, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết: Đến cuối năm 2014, hệ thống các TCTD đã xử lý được tổng số 311 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Con số này tương đương 67% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã được kiềm chế và tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD đến cuối năm 2014 chiếm khoảng 3,25% tổng dư nợ và nợ xấu theo số liệu giám sát của NHNN tương đương hơn 5% tổng dư nợ tín dụng.

Dưới góc độ đơn vị “chủ công” xử lý nợ xấu,  TS. Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) nhận định, nếu đánh giá thận trọng về số liệu nợ xấu bao gồm cả những khoản nợ đã thực hiện cơ cấu lại nợ nhưng có khả năng sẽ chuyển thành nợ xấu trong năm nay, tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong năm 2015 sẽ lên 332 nghìn tỷ đồng.

“Chỉ khi nào VAMC có đầy đủ quyền để tự xử lý tài sản bảo đảm mà không lệ thuộc vào sự hợp tác của con nợ và ngân hàng là chủ nợ đầu tiên thì lúc đó mới có thể kỳ vọng VAMC xử lý nợ xấu đã mua một cách hiệu quả”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói.

Với khối lượng nợ xấu tiềm ẩn này, việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD thông qua việc bán nợ cho VAMC là công cụ chính để hỗ trợ TCTD trong việc giảm dần nợ xấu. Ông Hùng cho hay: Lũy kế từ tháng 10/2013 đến 31/12/2014, VAMC đã mua 133,555 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc với giá mua 108,652 nghìn tỷ đồng của 39 TCTD. Kết quả mua nợ xấu của các TCTD bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC đã góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ nợ xấu của các TCTD tính đến cuối năm 2014.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: NHNN đã và đang có nhiều nỗ lực và giải pháp phù hợp trong việc xử lý nợ xấu tại Việt Nam. VAMC đã mua được khoảng 150.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu thay vì bằng tiền mặt nhưng VAMC mới chỉ thu hồi được khoảng hơn 8.000 tỷ đồng, tức khoảng hơn 5% tổng dư nợ nợ xấu đã mua. Con số này chứng tỏ VAMC còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến các quy định pháp lý, thủ tục… đối với việc xử lý số tài sản mua từ các ngân hàng thương mại (NHTM). “Chúng ta chưa có thị trường mua bán nợ do đó kết quả xử lý nợ phụ thuộc nhiều vào kết quả xử lý thu hồi, phát mại tài sản và bán nợ xấu”, ông Hiếu nhận xét.

Trao thêm quyền mua bán nợ

NHNN đặt quyết tâm trong năm 2015 là phấn đấu giảm tỷ lệ nợ xấu từ mức hơn 5% trong năm 2014 xuống mức dưới 3% vào cuối năm 2015. Tuy nhiên đây là thách thức không nhỏ bởi có nhiều ý kiến lo ngại: Nợ xấu có chiều hướng tăng trở lại?

TS Phạm Ngọc Long, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho biết: Tính đến hết tháng 1/2015, nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đã bật tăng trở lại khá mạnh từ mức 3,25% tháng liền trước lên mức 3,49%. Chính vì vậy, các chuyên gia kinh tế, ngân hàng đang đưa ra một số giải pháp từ chính sách và pháp lý để góp phần giảm trừ, đẩy lùi nợ xấu, đặc biệt là việc xử lý tài sản đảm bảo.

Theo VNBA, hệ thống pháp luật cần quy định rõ thêm các biện pháp hoặc chế tài xử lý các đối tượng bất hợp tác trong việc chây ỳ, trì hoãn không chuyển giao tài sản đảm bảo cho TCTD để xử lý thu hồi nợ. Bên cạnh đó, việc thực hiện thủ tục giải chấp, mua bán, chuyển quyền sử dụng/quyền sở hữu tài sản bảo đảm là bất động sản, các tài sản phải đăng ký quyền sở hữu cần tạo điều kiện hơn cho các TCTD.

Ví dụ hiện nay, một số địa phương đang yêu cầu TCTD phải chuyển mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất sản xuất kinh doanh khi TCTD nhận chính tài sản bảo đảm thay thế cho nghĩa vụ trả nợ hoặc bán cho đơn vị kinh doanh, gây tốn kém, kéo dài và đặc biệt là giảm giá trị rất lớn của tài sản thế chấp.

Ông Long đề xuất: Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng phát triển thị trường nhà ở; sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Dân sự theo hướng bảo vệ quyền của chủ nợ, tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng cho việc mua bán, phát mãi tài sản đảm bảo. Bên cạnh đó, cần tiếp tục bổ sung tiềm lực tài chính cho VAMC không đơn thuần chỉ là tăng đủ mức vốn điều lệ mà còn là thẩm quyền các hạn mức rủi ro định giá nợ, mua bán, xử lý nợ; trao quyền chủ động nhiều hơn cho VAMC và các TCTD trong việc thu giữ, kê biên, phát mãi tài sản đảm bảo.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội:

Quy định mới về phá sản sắp có hiệu lực

Chúng ta phải hết sức bình tĩnh để chờ sự tác động của các quyết định của Chính phủ và NHNN. Đặc biệt từ 1/7/2015, Luật Phá sản được thông qua, có nhiều điểm mới như cho tuyên bố phá sản trước rồi thanh lý tài sản sau, quy trình này sẽ đảm bảo bảo quyền lợi cho tổ chức tín dụng và hợp đồng kinh tế giữa hai bên.

Việc nợ xấu gia tăng trở lại trong những tháng đầu năm 2015, nó phản ánh đúng quá trình nước ta đang tái cơ cấu mạnh mẽ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Chúng ta phải bình tĩnh, không nên lo lắng và buồn phiền vì chỉ số ấy. Trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, việc bộc lộ thêm nợ xấu mà trước đây vì lợi nhuận họ đã che giấu nó đi, bây giờ bộc lộ ra là điều tốt.

Tiến sĩ Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia:

Quá trình tố tụng mất nhiều thời gian

Chúng ta phải thừa nhận rằng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều vấn đề cần phải bổ sung, chỉnh sửa để giúp xử lý nợ xấu. Ví như hiện nay để xử lý các khoản nợ, ngân hàng thương mại và người vay tiền phải trải qua quá trình tố tụng mất rất nhiều thời gian. Chúng ta có thể chỉnh sửa, bổ sung để các tài sản đảm bảo được định giá bởi một trung tâm uy tín và phát mãi nhanh chóng, thông qua một Nghị quyết của Chính phủ để làm quá trình xử lý nợ xấu nhanh hơn. Làm được điều này thì nợ xấu giảm đi, đồng thời các tổ chức tín dụng cũng củng cố được năng lực tài chính.



Minh Phương - Việt Hoàng