12:10 08/12/2010

Gỡ rối cho kinh doanh vận tải

Kinh doanh vận tải đường bộ bằng ôtô là lĩnh vực có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu vận tải của nền kinh tế.

Kinh doanh vận tải đường bộ bằng ôtô là lĩnh vực có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, những năm gần đây có sự phát triển mạnh mẽ, cơ bản đáp ứng được yêu cầu vận tải của nền kinh tế. Song đây cũng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện kinh doanh phải đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), đảm bảo trật tự xã hội.

Vận tải phải bảo đảm chất lượng, trật tự ATGT

Vận tải đường bộ hiện đảm nhiệm tới trên 80% nhu cầu đi lại của người dân và tới 80% sản lượng vận tải hàng hóa của nền kinh tế đất nước. Kinh doanh vận tải đường bộ hiện là lĩnh vực kinh doanh có sự tham gia rộng rãi nhất của người dân thuộc mọi thành phần kinh tế.

Các bến xe hiện nay trong tình trạng quá tải, an ninh trật tự và vệ sinh kém là nguyên nhân khiến các xe chạy lòng vòng đón khách ngoài đường-Ảnh CTV

Cả nước hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp (DN), HTX vận tải và trên 100.000 hộ kinh doanh vận tải, với khoảng 110.000 xe/2,2 triệu ghế xe khách, 500.000 xe/2,3 triệu tấn xe tải, 1.700 tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh, 49/63 tỉnh thành có vận tải bằng xe buýt, 60/63 tỉnh, thành có kinh doanh vận tải taxi... Bất cứ quy định pháp lý nào về vận tải đường bộ được ban hành cũng trực tiếp tác động đến hàng vạn người và gián tiếp tác động đến toàn xã hội.

Ngày 16/11, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị quyết số 45/NQ-CP về việc đơn giản hóa 394 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ GTVT. Theo Tổ Cải cách TTHC của Bộ GTVT: Với 16 thủ tục được bãi bỏ, 6 thủ tục được thay thế, 361 thủ tục được bổ sung, sửa đổi, đơn giản hóa, Bộ GTVT giảm được 31% các quy định hiện hành về TTHC, đã giúp tiết kiệm cho xã hội khoảng 5.000 tỷ đồng.

Quy định xe vận tải khách tuyến cố định hành trình từ 500km trở lên và xe chở container phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, từ 1/7/2011 tới đây bắt đầu có hiệu lực.

Như vậy toàn quốc nếu có khoảng 30.000 xe khách và hơn 20.000 xe chở container phải lắp loại thiết bị này, giá mỗi thiết bị trung bình 5 - 6 triệu đồng, số đối tượng bị tác động và số tiền xã hội bỏ ra không phải nhỏ. Song hiện nay, thống kê cả nước có khoảng 22% số vụ TNGT là do xe khách và xe vận tải hạng nặng gây ra: Do phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá tải trọng, lái xe quá mệt mỏi do làm việc quá thời gian quy định của luật... Nếu quy định này đi vào cuộc sống phát huy được tác dụng, có thể giúp giảm khoảng 1/10 số vụ TNGT nghiêm trọng mỗi năm, thì đây là khoản đầu tư hiệu quả cần thu xếp để thực hiện.

Nhiều vấn đề cần tháo gỡ

Yêu cầu đặt ra cho phía các cơ quan quản lý nhà nước là xây dựng được các quy định pháp lý chuyên ngành có tính khả thi cao, vừa tạo thông thoáng cho vận tải đường bộ phát triển, đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế, vừa dựng lên được các hàng rào đảm bảo việc kinh doanh vận tải không gây mất trật tự ATGT.

Thực hiện công tác quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ GTVT thời gian qua đã rất nỗ lực tập trung cho công tác xây dựng và hướng dẫn thực thi Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Cùng với Luật Giao thông đường bộ, các nghị định của Thủ tướng Chính phủ và các thông tư của Bộ trưởng Bộ GTVT hướng dẫn thi hành luật được ban hành đến nay tương đối kịp thời, đầy đủ và bắt đầu đồng loạt có hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, cũng còn một số nội dung quy định của các văn bản quy phạm pháp luật này gặp vướng mắc khi triển khai vào đời sống. Tại Hội nghị đối thoại giữa Bộ GTVT và DN vận tải tổ chức ngày 26/11 vừa qua, một số nội dung quy định đã được các DN và cơ quan quản lý nhà nước trao đổi cởi mở, thẳng thắn.

Thông tư 14/2010/TT-BGTVT quy định: “Chỉ được đón khách tại bến xe nơi đi và trả khách tại bến xe nơi đến, không được đón trả khách dọc đường”. Thông tư này quy định như vậy được cho là giải pháp nhằm chống lại tình trạng nhiều xe khách dừng đỗ, đón trả khách tùy tiện dọc đường, phóng nhanh vượt ẩu tranh giành khách gây mất ATGT. Trong khi hầu hết các bến xe trên toàn quốc, vấn đề nan giải mà các cơ quan quản lý đang vấp là thiếu quỹ đất, khó khăn trong huy động vốn của các thành phần kinh tế - xã hội hóa đầu tư bến xe, nên hầu hết các bến xe hiện quá tải, diện tích chật hẹp, tình hình an ninh trật tự, vệ sinh kém, chậm được cải thiện, hành khách không thích vào bến, bến chỉ cung cấp được trung bình chưa tới 30% lượng hành khách/số ghế xe xuất bến.

Quy định xe kinh doanh vận tải phải có bến bãi đỗ xe đảm bảo ATGT, đảm bảo vệ sinh môi trường và phòng chống cháy nổ là rất cần thiết. Nhưng thực tế ở những thành phố lớn hiện nay quy hoạch không thể đảm bảo được diện tích đỗ xe theo yêu cầu của luật vì thế yêu cầu này rất khó cho DN.

Hà Nội và TP.HCM là 2 địa phương hiện không đáp ứng được nhu cầu về điểm đỗ cho xe taxi nhưng Nghị định 34/2010/NĐ-CP lại có mức xử phạt rất cao đối với hành vi dừng - đỗ không đúng nơi quy định. Đại diện của Hiệp hội Vận tải taxi Hà Nội rất bức xúc: “Nhiều xe taxi không có điểm đỗ cứ phải chạy lòng vòng. Nếu dừng - đỗ là bị phạt với mức cao từ 1,5 - 2 triệu đồng, treo bằng 30 ngày”.

Quy định về xe chạy liên tỉnh tuyến cố định phải xuất phát từ bến xe loại 4 trở lên, theo cơ quan quản lý là để tăng cường ATGT. Song có ý kiến cho rằng: Quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là phát triển mạnh các thành phần kinh tế, các vùng kinh tế trên cả nước, xóa đói giảm nghèo cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bến xe loại 4 trở lên, đầu tư tối thiểu cũng trên 100 tỷ đồng, nếu chỉ 10 xe xuất bến/ngày, DN bao giờ hoàn vốn? Hay bắt dân tất cả các xã lên huyện đi tại bến xe của huyện như hơn chục năm trước?

Liên quan đến quy định tải trọng cầu đường Thông tư số 07/2010/BGTVT qui định giới hạn tải trọng tối đa 40 tấn, được Bộ GTVT quy định như vậy là để bảo vệ cầu đường và rất nhiều nước trên thế giới quy định tải trọng xe từ 40 tấn trở xuống. Song thực tiễn cho thấy quy định như vậy là không thực tế. Ông Lương Hoàng Trung - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng: “Quy định giới hạn tổng trọng tải của xe 40 tấn là không phù hợp. Hiện, có khoảng 80% xe chuyên dụng chở container hàng ngày vẫn buộc phải phạm luật về tải trọng và chấp nhận xử phạt nặng”. Ông Nguyễn Đình Chung - Giám đốc Công ty Vận tải đa phương thức Duyên Hải (Hải Phòng) cho rằng: “Hàng hóa nhập về cảng đều có tải trọng cả đầu kéo và hàng hóa trên 40 tấn trong khi lại chỉ cho lưu hành tối đa là 40 tấn, đề nghị bãi bỏ qui định xử phạt theo tải trọng trục”...

Phương Anh