06:08 14/06/2012

“Gỡ nút” cho khoa học và công nghệ phát triển

Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, nguồn lực cho phát triển KH&CN vẫn còn hạn chế, chủ yếu vẫn là nguồn ngân sách nhà nước.

Phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, nguồn lực cho phát triển KH&CN vẫn còn hạn chế, chủ yếu vẫn là nguồn ngân sách nhà nước. Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Minh (ảnh), Thứ trưởng Bộ Tài chính về các giải pháp “gỡ nút” cho vấn đề này.

 

Từ năm 2011 đến 2020, ngân sách nhà nước dành cho phát triển KH&CN ở mức trên 2% GDP. Tuy nhiên, nguồn lực này vẫn còn hạn chế so với yêu cầu. Vậy theo bà, chúng ta cần thu hút đầu tư từ xã hội vào phát triển KH&CN như thế nào?


Có thể nói việc Nhà nước dành nhiều nguồn lực cho phát triển KH&CN là mong mỏi của chúng ta. Tuy nhiên, nếu tiền dành cho làm khoa học chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước (NSNN) thì sẽ chưa đủ động lực tích cực. Các doanh nghiệp cũng phải huy động các nguồn lực khác để đầu tư vào KH&CN và sử dụng nguồn lực đó có hiệu quả nhất. Thực tế, NSNN chỉ tập trung cho nghiên cứu khoa học cơ bản, còn những nghiên cứu ứng dụng cần phải có nguồn tài chính khác hỗ trợ. Tuy nhiên, cũng phải nhận thấy rằng đầu tư cho phát triển KH&CN là rất quan trọng, nhưng mấu chốt vấn đề là cần phải tạo ra động lực và sử dụng đồng tiền có hiệu quả nhất.


Vậy theo bà cần có cơ chế như thế nào để các đề tài ứng dụng KH&CN được ứng dụng trong cuộc sống?


 

Các nhà khoa học Viện Dầu khí (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) đánh giá thành phần dầu và nước trong lõi.

 

Về vấn đề này, chúng tôi cũng đang định hướng đến việc đổi mới làm sao để các nhà khoa học có đóng góp, cống hiến được hưởng đãi ngộ xứng đáng về lương, thu nhập và các điều kiện đi kèm như môi trường nghiên cứu, kể cả ưu đãi chính sách về nhà ở. Quan điểm của chúng tôi là làm sao tiền đầu tư cho phát triển KH&CN đến được với các nhà nghiên cứu khoa học tâm huyết, có năng lực, trình độ trong các ngành, lĩnh vực...


Thực chất, tài chính là khâu đi sau cùng nhưng để hoạt động KH có hiệu quả và cơ chế tài chính tốt thì phải có hàng loạt các tiêu chí, quy trình để tuyển chọn được các đề tài KH thực sự chất lượng. Theo đó sẽ hướng tới việc thực hiện cơ chế khoán, tuyển chọn được các đề tài KH có chất lượng với một hội đồng, nhà nghiên cứu khoa học tốt... Chúng tôi sẽ đáp ứng kinh phí đó để có sản phẩm KH tốt. Đây là định hướng của Bộ Tài chính.


Thực tế, nhiều công trình KH cấp nhà nước đã được cấp kinh phí đầu tư song vẫn chưa thể giải ngân được. Ngoài ra, việc ấn định tỷ lệ 2% tổng chi NSNN hàng năm có thể dẫn đến một số trường hợp dự án KH&CN không được thực hiện căn cứ theo hiệu quả hoạt động, nhu cầu thực tế và khả năng thực hiện. Ý kiến của bà về vấn đề này thế nào?


Thực tế, điểm vướng mắc trong việc giải ngân cho các đề tài KH&CN chính là hiện nay chưa có một bộ tiêu chí thực hiện. Nói là đề tài trọng điểm cấp nhà nước, nhưng không có tiêu chí để đánh giá so sánh với đề tài cấp bộ, cấp cơ sở... Theo Quyết định 1244/QĐ - TTg về việc phê duyệt phương hướng và mục tiêu nhiệm vụ KH&CN của Chính phủ giai đoạn 2011 - 2015, chúng ta phải đổi mới toàn diện về tổ chức bộ máy hoạt động cơ chế tài chính để đáp ứng hoạt động phát triển KH&CN.


Tôi tin rằng trong thời gian tới, Bộ KH&CN và các bộ, ngành sẽ tích cực xây dựng hệ thống chính sách, bộ tiêu chí... để triển khai theo định hướng mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong Quyết định 1244.


Việc ấn định phân bổ tỷ lệ 2% tổng chi NSNN hàng năm cho phát triển KH&CN có điểm tích cực là tạo được nguồn lực cho lĩnh vực phát triển này. Tuy nhiên, đã dẫn đến tình trạng bố trí chi NSNN hàng năm cho KH&CN trong một số trường hợp không thực sự căn cứ theo hiệu quả hoạt động, năng lực, nhu cầu thực tế và khả năng thực hiện... mà thường tìm mọi cách để phân bổ hết kinh phí, dự toán cho một số nhiệm vụ KH&CN chưa đủ cơ sở, nên đã dẫn đến kinh phí chờ nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cũng có dự án KH&CN phải trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ để bổ sung kinh phí nhiều lần trong năm.


Điều đáng nói, việc ấn định tỷ lệ 2% tổng chi NSNN hàng năm cho đầu tư KH&CN không tạo động lực thúc đẩy các tổ chức KH, CN, các nhà KH khai thác các nguồn lực ngoài NSNN, vẫn còn có tư tưởng trông chờ vào NSNN.


Xin cảm ơn bà!

 

Quang Toàn