01:19 30/01/2015

Gỡ khó khi đưa linh vật ngoại lai khỏi di tích

Đã có những phản hồi tích cực được gửi tới ngành chủ quản trong đó vấn đề giải quyết những linh vật di dời, đưa đi đâu, được phản hồi nhiều nhất.

Sau hơn 5 tháng thực hiện chủ trương không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại di tích, đã có những phản hồi tích cực được gửi tới ngành chủ quản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong đó vấn đề giải quyết những linh vật di dời, đưa đi đâu, được phản hồi nhiều nhất.

Phải thấy rằng, việc triển khai thực hiện công văn 2662/VHTTDL - MTNATL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại di tích, bước đầu đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội.

Di dời linh vật ngoại lai tại các di tích ở tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: dantri.com.vn


Tuy nhiên, khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc. Nổi bật là vấn đề nhận diện, sự lúng túng không biết phải di dời hiện vật lạ đi đâu. Ý kiến của phần lớn lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các địa phương đều thể hiện rõ điều này.

Theo đề xuất của PGS.TS Trần Lâm Biền: “Với những con sư tử đá này thì chỉ cần... cho một búa là xong, không phải lằng nhằng. Cứ nửa vời thì chính chúng ta lại tiếp tục gánh hậu quả”.

Phát biểu của TS Biền có người đồng tình, có người không. Bởi lẽ, có những hiện vật dù “lạ”, nhưng đã hiện diện tại các di tích ngót nghét cả chục năm rồi, ít nhiều cũng đã nhuốm màu sắc tâm linh.

Vận động, thuyết phục di chuyển đã khó, lại đem búa mà đập thì rõ ràng không ổn, bởi phần lớn mẫu linh vật lạ du nhập ồ ạt vào các di tích lịch sử, đình chùa, miếu mạo theo kiểu đồ cung tiến. Vì thế, cần bình tĩnh tìm cách gỡ là nhận được sự đồng tình nhiều hơn cả.

Câu hỏi đưa linh vật, hiện vật không phù hợp đi đâu đang làm đau đầu các nhà quản lý văn hóa ở Thủ đô. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến chia sẻ: Tưởng dễ nhưng hóa ra là quá khó.

Hà Nội là địa phương sở hữu nhiều sư tử đá ngoại lai bậc nhất cả nước. Với 538 sư tử đá tại các di tích trên địa bàn Thủ đô, đến nay Hà Nội mới chỉ di dời được 146 sư tử. Số còn lại không biết di dời đi đâu. Nơi thì cho vào kho, nơi thì đem chôn. Có nơi đất chật, không có kho, người quản lý di tích phải lấy bạt phủ tạm.

Còn Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam Lê Xuân Huy cho biết, tỉnh này đã rà soát 163 di tích trên địa bàn và phát hiện hơn 50 di tích có hiện vật lạ. Việc di dời đã được triển khai, nhưng chỉ ở mức đưa sư tử đá ra ngoài khuôn viên di tích.

“Chúng tôi mong có cơ chế, chế tài thực hiện cụ thể hơn để địa phương thực hiện” - ông Huy kiến nghị. Đây chỉ là khó khăn ở những điểm di tích, còn tại các làng nghề sản xuất sư tử đá, như Làng đá Non Nước (Đà Nẵng), thì có tới hơn 4.000 cặp tượng sư tử đá tồn đọng không bán được.

Vấn đề là giải quyết thế nào với hơn 4.000 cặp sư tử đá này. Các nghệ nhân làng đá Non Nước cũng đề xuất sửa 4.500 cặp sư tử đá thành các linh vật Việt, cặp nào không sửa được thì đúc lại.

Tuy nhiên, về lâu dài, để làng nghề có thể tiếp tục sản xuất, để hơn 1000 nghệ nhân ở đây không phải thất nghiệp, chính quyền địa phương cho rằng, cơ quan quản lý văn hóa cần sớm thống nhất về mẫu linh vật Việt, để các nghệ nhân dựa vào đó làm cơ sở chế tác.

Một vấn đề khác cũng đáng lưu tâm, sau triển lãm “Giới thiệu các mẫu linh vật của Việt Nam” được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tại một số địa phương, người dân hiểu rõ được giá trị của linh vật thuần Việt. Tuy nhiên, rất nhiều ý kiến cho rằng, các linh vật Việt còn hơi nhỏ, thiếu uy nghi.

Theo nhiều nghệ nhân đá ở Non Nước cho biết, họ muốn trên cơ sở các đường nét, hình khối truyền thống để chế tác những bức tượng kích cỡ lớn hơn. Do vậy, cơ quan văn hóa cần mở cuộc sáng tác, mỗi cơ sở sản xuất sẽ tham dự một mẫu tượng được chế tác dự trên các yếu tố, đường nét, hoa văn truyền thống.

Trên cơ sở đó, các nhà tổ chức sẽ chọn mẫu đạt tiêu chuẩn trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mẫu đoạt giải thưởng sẽ được chọn làm mẫu chung để sản xuất.

Có thể nói, lộ trình để đưa hết linh vật ngoại lai ra khỏi di tích, khỏi đời sống người dân còn dài dài. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên, trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã chủ động, tích cực hưởng ứng công văn 2662 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tuy nhiên, công tác triển khai cần linh hoạt hơn. Quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, sự thống nhất trong nhận thức về nét đẹp của linh vật Việt, về cái đúng, cái chưa đúng của linh vật ngoại lai và từ đó, các bộ, ngành, các cơ quan, công sở cũng cần vào cuộc, chứ không chỉ là ở các điểm di tích.


Yến Nhi