02:19 01/02/2015

Giúp doanh nghiệp hội nhập vững vào ASEAN

Đến nay, Việt Nam đã cũng với các nước ASEAN hoàn tất việc xây dựng lộ trình thuế cho đến năm 2018, bước đầu xây dựng hệ thống kết nối ASEAN.

Cuối năm nay, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN. Khi đó, những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế của Việt Nam sẽ như thế nào; những ngành hàng chính như nông sản sẽ phát triển ra sao để không mất thị phần trên chính sân nhà, đồng thời nắm bắt được những cơ hội hội nhập.

Để làm rõ những vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời trong Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan ngôn luận khác.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN


Bảo vệ thị trường bán lẻ, bán buôn

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, các nước ASEAN thống nhất thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN vào trước ngày 31/12/2015, trong đó có cộng đồng kinh tế ASEAN, dựa trên 3 trụ cột chính: Trụ cột hợp tác về chính trị - đối ngoại, hợp tác về kinh tế và hợp tác về xã hội.

Bộ Công thương được giao là đơn vị đầu mối, phối hợp với các cấp, các ngành, triển khai thực hiện trụ cột hợp tác về kinh tế với nội dung chính: Đến 31/12/2015 phải hoàn tất về cơ bản những cam kết nhỏ trong lĩnh vực thương mại kinh tế và đầu tư; đưa ASEAN gồm 10 nước thành viên trở thành 1 thị trường thống nhất về hàng hóa, đầu tư và có tính đến việc lao động của nước này có cơ hội làm việc ở nước khác.

Đến nay, Việt Nam đã cũng với các nước ASEAN hoàn tất việc xây dựng lộ trình thuế cho đến năm 2018, bước đầu xây dựng hệ thống kết nối ASEAN, hệ thống cơ chế hải quan một cửa và đang chuẩn bị các nguồn lực để thực thi những trách nhiệm, nghĩa vụ khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập.

Nhận định về các nguy cơ đối với hàng Việt khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được thành lập và hàng ngàn mặt hàng được giảm thuế, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, thị trường bán buôn, bán lẻ là băn khoăn đối với người dân và các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thị trường này không chỉ nhạy cảm đối với Việt Nam, mà cả với một số nước khác.

Vì thế trong đàm phán, thị trường bán buôn, bán lẻ là một trong những nội dung sẽ mở cửa có lộ trình. Đối với từng loại hàng hóa, cũng có các mức độ mở cửa khác nhau. “Đây chính là một trong những biện pháp để khuyến khích đầu tư trong nước, bảo hộ có điều kiện đầu tư ở trong nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ vươn lên củng cố và phát triển thị trường của mình”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết thêm, thời gian qua Việt Nam đã có những nhắc nhở, trao đổi với các doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ nước ngoài tuân thủ theo lộ trình và thực hiện nghiêm túc các cam kết. Nếu có nhu cầu nhượng bán lại, dù là một phần hay toàn bộ đầu tư tại Việt Nam, thì nên ưu tiên cho các doanh nghiệp Việt Nam. Chỉ khi nào các doanh nghiệp Việt Nam không có điều kiện mua lại cổ phần đó, thì mới mời các doanh nghiệp nước ngoài vào.

Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm đến 97% tổng lượng hàng hóa bán buôn, bán lẻ trên thị trường. Đến ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN thành lập, thuế suất dần trở về 0% và một số biện pháp Việt Nam hạn chế trước đây đối với hàng hóa có thể được nới rộng hơn, thì các doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục khẳng định vị thế bằng sức mạnh của mình để đứng vững được ở trong thị trường trong nước. Đây cũng chính là cơ hội để đưa hàng Việt Nam sang các nước ASEAN, chứ không hẳn chỉ có của các nước ASEAN vào Việt Nam.

Có lộ trình cụ thể


Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, thời gian qua, Việt Nam đã ký kết 8 hiệp định thương mại tự do (TMTD) với các nước ASEAN, và tham gia cùng các nước ASEAN ký kết với Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Newdilan. Việt Nam cũng đã ký 2 hiệp định TMTD song phương với Nhật Bản và Chile.

Hiện Việt Nam đang tiếp tục đàm phán để ký kết 7 hiệp định TMTD với các đối tác khác, trong đó có các đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), với Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan, khối liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Khối thương mại tự do châu Âu, các nước đối tác của ASEAN + 6.

Bộ trưởng cũng cho biết, những nội dung cơ bản của các hiệp định đang đàm phán hoặc đã ký kết, đều có lộ trình và Việt Nam đề nghị với các đối tác chấp nhận lộ trình đó, nhất là với 1 số loại hàng hóa nhạy cảm, vì khả năng sản xuất trong nước còn hạn chế, hoặc khả năng cạnh tranh chưa cao; để khi mở cửa thị trường thì sản phẩm của Việt Nam có thể đứng vững và cạnh tranh được với những sản phẩm của nước ngoài. Đồng thời, khi đàm phán, những mặt hàng nhạy cảm, hoặc liên quan đến nông nghiệp luôn luôn được Việt Nam bảo hộ một cách hợp lý.

“Khi Chính phủ quyết định đàm phán ký kết hiệp định TMTD với một nước, là đã tính đến những lợi thế mà chúng ta được hưởng và cũng tính đến lộ trình để bảo vệ sản xuất trong nước. Đó là những nguyên tắc cơ bản trong đàm phán. Như vậy, việc lo lắng về sự cạnh tranh gay gắt, thậm chí đe dọa lớn đến sản xuất trong nước hoàn toàn không có cơ sở”, Bộ trưởng khẳng định.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đối với 4 mặt hàng nông sản như: Muối ăn, đường ăn, trứng gia cầm và nguyên liệu thuốc lá, Việt Nam đã làm tốt việc điều hành nhập khẩu, không làm ảnh hưởng tới sản xuất trong nước, đồng thời giữ được cam kết đã ký với WTO. Những nguyên tắc cơ bản này cũng sẽ được áp dụng trong các ký kết với các đối tác khác trong các hiệp định TMTD của Việt Nam tới đây.


Trọng Thủy