10:08 08/10/2014

Giúp con em Việt kiều tại Bỉ gìn giữ cội nguồn

Cứ chiều chủ nhật hàng tuần, chị Diệp lại dắt cậu con trai 6 tuổi tới lớp học tiếng Việt Hùng Vương ở trung tâm thủ đô Brussels, Bỉ. Tại đây, bé Đan Hoàng được làm quen với tiếng Việt để có thể nói chuyện dễ dàng với mẹ đẻ của mình.

Từ 4 năm nay, Liên minh Bỉ-Việt (BVA) đã tổ chức lớp dạy tiếng Việt cho con em kiều bào cũng như những người Bỉ yêu Việt Nam. Hoạt động này nhằm giúp duy trì ngôn ngữ cho các em người Việt và là cầu nối giúp các em hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.


Cứ chiều chủ nhật hàng tuần, chị Diệp lại dắt cậu con trai 6 tuổi tới lớp học tiếng Việt Hùng Vương ở trung tâm thủ đô Brussels, Bỉ. Tại đây, bé Đan Hoàng (tên con trai chị Diệp) được làm quen với tiếng Việt để có thể nói chuyện dễ dàng với mẹ đẻ của mình.


Lấy chống người Bỉ và sống ở Brussels từ 14 năm nay nhưng ngôn ngữ giao tiếp chính trong gia đình chị Diệp là tiếng Hà Lan. Nỗi niềm đau đáu lưu truyền tiếng mẹ đẻ và giữ gìn nguồn cội cho các con khiến chị có những trận tranh luận kịch liệt với mẹ chồng, người không muốn các cháu nói tiếng Việt ở nhà vì sợ loạn ngữ. Lý do khiến chị thuyết phục được mẹ chồng là các con mang trong mình một nửa dòng máu Việt Nam nên chúng phải biết tiếng Việt và chúng vẫn có những mối liên hệ với anh em họ hàng tại Việt Nam. Vì thế mà chị đặt tên Việt Nam cho các con mình bên cạnh tên Hà Lan.


Các học viên lớp tiếng Việt người lớn do BVA tổ chức.


Từ khi BVA mở lớp dạy tiếng Việt, chị Diệp đều đăng ký cho các con của mình theo học. Nhờ sự giúp đỡ của mẹ, nên dù mới học tiếng Việt nhưng Đan Hoàng đã thuộc khá nhiều bài hát thiếu nhi của Việt Nam. Em đặc biệt thích hát bài "Cả nhà thương nhau".


Lớp tiếng Việt Hùng Vương do Liên minh Bỉ-Việt tổ chức không chỉ thu hút con em các gia đình Việt kiều tại Brussels, mà có khá nhiều bạn "Tây" cũng đăng ký theo học ở đây. Đó là trường hợp của anh Angelo Caccavale. Sống tại Bỉ nhưng công việc đã đưa anh đến đất nước hình chữ S. Phong cảnh, con người nơi đây đã khiến anh yêu mến mảnh đất này. "Tôi thường xuyên đến Việt Nam. Ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất này, tôi đã bị nơi đây mê hoặc. Tôi quyết định sẽ phải học tiếng Việt để có thể giao tiếp với các người bạn của mình, đồng thời hiểu thêm về văn hóa của Việt Nam",
Angelo Caccavale nói.


Còn với bà Rosemarie Vanderparre, dù đã trên 60 tuổi nhưng vẫn đều đặn đi học tiếng Việt. "Tôi học tiếng Việt vì tôi yêu mến người dân và văn hóa Việt Nam. Các con tôi sống ở Việt Nam nên tôi muốn nói chuyện với chúng bằng tiếng Việt". Bà Rosemarie Vanderparre cho biết bà rất ấn tượng với Việt Nam. Mỗi lần bà trở lại đất nước này, bà lại thấy nhiều thay đổi. "Việt Nam phát triển rất nhanh, rất tích cực, trái ngược với châu Âu đang bị suy thoái. Ẩm thực Việt Nam thì thật tuyệt vời", bà Rosemarie Vanderparre tâm sự.


Thiếu giáo trình dành cho trẻ em


Các lớp dạy tiếng Việt thuộc Trung tâm văn hóa Hùng Vương chính thức được BVA tổ chức từ hồi năm 2011. Mỗi khóa học kéo dài 9 tháng với 2 trình độ sơ cấp và trung cấp. Theo ông Huỳnh Công Mỹ, Chủ tịch BVA, học viên là các em có cha hoặc mẹ là người Việt Nam, các em người Việt Nam có bố mẹ nuôi là người Bỉ và các bạn bè Bỉ yêu mến Việt Nam muốn biết ngôn ngữ Việt. Học viên được chia làm hai lớp, người lớn và trẻ em, học mỗi tuần một buổi vào chiều thứ 7. Cho đến nay, qua 4 năm tổ chức, Liên minh Bỉ Việt đã tổ chức được 9 lớp tiếng Việt với khoảng 100 học viên.


Đội ngũ giáo viên giảng dạy là các bạn lưu học sinh đang học tập tại Bỉ. Bạn Phạm Khánh Thủy hiện là sinh viên trường Đại học Tự do Bruxelles (ULB), giáo viên lớp trẻ em cho biết các em nhỏ đều có cha là người Bỉ, mẹ người Việt. Các em đều nói tiếng Pháp và rất thích học tiếng Việt. Tuy nhiên, khó khăn đối với giáo viên là không có giáo trình dạy tiếng Việt cho trẻ em người nước ngoài. Do vậy, Thủy phải soạn giáo trình dựa trên cuốn sách Tiếng Việt lớp Một, lớp Hai của Bộ Giáo dục kết hợp với sách Dạy tiếng Việt cho người nước ngoài nói chung.


Để khuyến khích việc học tiếng Việt, BVA hỗ trợ rất nhiều cho học viên. Các gia đình có nhiều thành viên đi học đều được giảm học phí. Trong suốt khóa học, BVA cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa hướng về cội nguồn cho học sinh như Tết Trung thu, các cuộc thi ẩm thực Việt… "Dù kinh phí hạn hẹp nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm duy trì các lớp học tiếng Việt để làm sao cho con em Việt kiều thế hệ thứ 2, thứ 3 vẫn hiểu và nói được tiếng Việt và không quên nguồn cội của mình", ông Huỳnh Công My khẳng định.



Bài và ảnh: Hương Giang (Phóng viên TTXVN tại Bỉ)