10:21 30/10/2014

Giữ hồn phố cổ Hà Nội trong quá trình đô thị hóa

Cùng với sự phát triển của đất nước, khu phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của nhiều thời kỳ, cũng là nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền trên đất nước. Cũng vì vậy, khu phố cổ Hà Nội có nguồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú đa dạng.

Khu phố cổ Hà Nội được biết đến là một di sản đô thị cổ, gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội với các hoạt động tiểu thủ công nghiệp, buôn bán giao thương sôi động, tạo nên các phường hội, phường nghề mang những nét riêng biệt của cư dân thành thị, kinh đô. 


Chính nét độc đáo này mà Khu phố cổ Hà Nội được Bộ VH-TT xếp hạng là "Di tích lịch sử" năm 2004. Để bảo tồn các giá trị di sản văn hóa khu phố cổ, Hà Nội thành lập Ban quản lý Dự án cải tạo thí điểm khu Phố cổ, khu Phố cũ Hà Nội vào năm 1995. Và để quản lý tổng thể khu phố cổ, năm 1998, Hà Nội đã đổi tên thành Ban quản lý phố cổ Hà Nội.


*Bảo tồn kiến trúc khu phố cổ


Khu phố cổ Hà Nội rộng khoảng 81 ha, nằm trên 10 phường gồm: Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Mã, Cửa Đông, Lý Thái Tổ, Đồng Xuân, Hàng Gai, Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).


Biểu diễn ca trù tại một điểm di tích trong phố cổ


Cùng với sự phát triển của đất nước qua mỗi giai đoạn lịch sử, khu phố cổ Hà Nội mang dấu ấn văn hóa của nhiều thời kỳ, cũng là nơi hội tụ của cư dân khắp mọi miền trên đất nước. Cũng vì vậy, khu phố cổ Hà Nội có nguồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú đa dạng.


Du khách đến Hà Nội vẫn cảm nhận rõ không gian đô thị của một khu phố cổ là với các tuyến phố nghề mang tên “Hàng”, hệ thống chợ, các công trình di tích kiến trúc, tôn giáo, tín ngưỡng, các nhà ở có giá trị kiến trúc, phương thức tổ chức không gian sống, sinh hoạt theo dãy nhà ống phù hợp với việc vừa là nơi sản xuất và là nơi kinh doanh, sinh sống của các hộ dân.


Để bảo tồn kiến trúc khu phố cổ Hà Nội, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, nghiên cứu về các giá trị lịch sử, các giá trị di sản khu phố cổ, đề xuất các biện pháp bảo tồn và phát triển. Đơn vị tiến hành bảo tồn, tôn tạo di sản vật thể như ngôi nhà cổ như 87 Mã Mây và một số điểm di tích như 38 Hàng Đào, 28 Hàng Buồm, 42 Hàng Bạc...


Bên cạnh việc tu bổ những công trình đơn lẻ, quận Hoàn Kiếm cũng đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị trong khu phố cổ như: Cải tạo hệ thống chiếu sáng đô thị; đầu tư lát hè đá và hạ ngầm thoát nước mặt phố trên 72 tuyến phố trong khu phố cổ; xây dựng tuyến phố đi bộ kết hợp với thương mại Hàng Đào – Hàng Giấy, chợ đêm Đồng Xuân; tiến hành chỉnh trang kiến trúc mặt đứng một đoạn tuyến phố Tạ Hiện, cải tạo mặt đứng phố Đông nam dược Lãn Ông; tích cực triển khai giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân để trùng tu, tôn tạo các công trình di tích trong khu phố cổ.


Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng lãnh đạo quận Hoàn Kiếm thừa nhận việc bảo tồn trong khu phố cổ Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong lĩnh vực quản lý, quy hoạch - kiến trúc. Nguyên nhân chủ yếu do mật độ dân cư đông, nhà ở xuống cấp. Theo thống kê, toàn khu vực có 570 hộ với 2.152 nhân khẩu sống xen lẫn trong các đình, đền chùa, cơ quan, trường học 1.623 hộ sống trong các nhà xuống cấp nguy hiểm, nhà đông hộ cần được di dời 200 ngôi nhà có giá trị đặc biệt cần được bảo tồn.


“Quá trình đô thị hóa, nhu cầu đời sống hiện đại gia tăng, sự phát triển du lịch mạnh mẽ cũng đã đã tác động trực tiếp đến cảnh quan và văn hóa tín ngưỡng địa phương. Đặc biệt bảo tồn các di sản kiến trúc trong quá trình đô thị hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ lại càng làm cho vấn đề trở thành một bài toán không dễ có lời giải. Khu phố cổ Hà Nội có đặc trưng là nơi tập trung dân cư, với trên 10 vạn người đang sinh sống. Điều kiện sống tối thiểu trong khu phố cổ có mật độ 823 người/ha. Với mật độ dân số đông như vậy, việc giãn dân để giảm sức ép cho phố cổ Hà Nội đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia là cần thiết”, ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội chia sẻ.


Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý khu phố cổ Hà Nội, Hiện Ban quản lý phố cổ đang tuyên truyền việc triển khai Đề án giãn dân phố cổ đã được UBND Thành phố phê duyệt; vận động nhân dân tuân thủ “Quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc khu phố cổ Hà Nội” được ban hành cuối năm 2013; tích cực triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân để trùng tu, tôn tạo các di tích.


*Khơi dậy giá trị văn hóa truyền thống


Cùng với bảo tồn di sản vật thể, Ban quản lý phố cổ cũng đã tổ chức nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong khu phố cổ như: Khôi phục các lễ hội truyền thống, phát huy một số nét văn hóa ứng xử của người dân trong khu phố cổ...


Biểu diễn ca nhạc truyền thống phố đi bộ khu phố cổ Hà Nội


“Điểm đặc biệt của di tích Khu phố cổ là người dân sinh sống, do đó, muốn bảo tồn thì trước hiện cải thiện môi trường đô thị, nâng cao đời sống nhân dân trong khu phố cổ Hà Nội. Ở các ngôi nhà cổ, chính người dân mới là chủ thể hiểu biết rõ nhất về những gì họ cần làm và khả năng của họ trong việc bảo tồn, giữ gìn "tài sản của mình" một cách tốt nhất. Nếu coi người dân là chủ thể tích cực của việc giữ gìn di sản kiến trúc ở đô thị thì cần quan tâm tới quyền lợi của họ. Và sự chung tay của cộng đồng là lời cam kết có sức mạnh nhất để bảo tồn phát triển di sản văn hóa nói chung, di sản kiến trúc - đô thị nói riêng”, ông Đào Ngọc Nghiêm nhận xét.


“Những hoạt biểu diễn ca trù hàng tuần của CLB ca trù Thăng Long tại 87 Mã Mây đang chứng minh thu hút đông khách nước ngoài. Sau múa rối nước, những hoạt động văn hóa trong khu phố cổ cũng là cách quảng bá văn hóa Thăng Long – Hà Nội và kết nối tour làng nghề - phố nghề một cách hiệu quả hơn”, ông Nguyễn Công Hoan, trưởng Ban thị trường, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhận xét.


Trong dịp kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, Ban quản lý phố cổ Hà Nội tổ chức một chuỗi hoạt động văn hóa nhằm khơi dậy giá trị văn hóa Việt trong khu phố cổ Hà Nội như: Triển lãm giới thiệu 60 tác phẩm nhiếp ảnh của các kiến trúc sư và một số nhiếp ảnh gia về các di tích, di sản của Hà Nội; giới thiệu tư liệu hình ảnh về Hà Nội năm 1954 và nói chuyện về lịch sử Hà Nội năm 1954, trưng bày và giới thiệu dòng tranh dân gian Đông Hồ và viết Thư pháp; tổ chức giới thiệu không gian một gia đình trung lưu Hà Nội trước 1954; tổ chức chương trình âm nhạc "Chầu Văn - Dòng chảy âm nhạc tín ngưỡng Việt" và chương trình âm nhạc truyền thống Bảo tồn nét tinh hoa của nghệ thuật ca trù tại đình Kim Ngân 42 Hàng Bạc, Trung tâm thông tin phố cổ 28 Hàng Buồm, ngôi nhà di sản 87 Mã Mây.


“Vào những ngày lễ, tết, Ban quản lý phố cổ tổ chức những hoạt động văn hóa diễn ra tại các điểm di sản tại khu phố cổ Hà Nội nhằm giới thiệu nét văn hóa truyền thống Việt đến với công chúng nhân dịp Hà Nội. Đồng thời qua đó cũng quảng bá giá trị khu phố cổ Hà Nội, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu di tích quốc gia phố cổ Hà Nội”, bà Trần Thu Lan, Phó Ban quản lý Phố cổ Hà Nội cho biết.


Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trong không gian khu phố cổ của Ban quản lý phố cổ Hà Nội đang góp phần gìn giữ hồn phố cổ, tinh hoa Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến. Công việc gìn giữ giá trị văn hóa này sẽ thực sự hiệu quả khi có sự tham gia của cộng đồng cũng như cơ chế phù hợp huy động xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy di giá trị di tích lịch sử Khu phố cổ của cơ quan quản lý nhà nước.


Bài và ảnh: Xuân Minh