07:05 28/07/2011

Giữ gìn điệu hát Then cổ

Không muốn những làn điệu hát Then mượt mà, da diết của dân tộc mình cứ mỗi ngày bị mai một đi, những người dân thôn 2 Thái Bình, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, đã tự nguyện đứng ra thành lập ra đội văn nghệ U60, U70.

Không muốn những làn điệu hát Then mượt mà, da diết của dân tộc mình cứ mỗi ngày bị mai một đi, những người dân thôn 2 Thái Bình, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, đã tự nguyện đứng ra thành lập ra đội văn nghệ U60, U70. Hơn 10 năm qua, đội văn nghệ này đã không chỉ làm tốt việc bảo tồn mà còn góp phần quảng bá những câu hát Then đến với nhiều người dân trong và ngoài tỉnh.

Những người giữ "lửa"

Cách thành phố Tuyên Quang khoảng 30 km, thôn 2 Thái Bình được coi là một trong những làng mang đậm nét bản sắc dân tộc nhất tỉnh Tuyên Quang. Khi mới bước chân đến làng, chúng tôi đã chứng kiến những thành viên đội văn nghệ U60, U70 - những người được xem là "báu vật sống" của thôn, đang say mê bên cây đàn tính, chùm chuông lắc với các điệu hát Then cổ truyền thống của dân tộc mình.

Các thành viên trong đội hát Then đang luyện tập.


Bà Chu Thị Tuyết, Đội trưởng đội văn nghệ U60, U70 thôn 2 Thái Bình cho biết: Đội văn nghệ có gần 20 thành viên, các cụ tuổi đều trên dưới 70. Hàng ngày bận rộn với việc nhà, việc đồng ruộng, nhưng tối đến mọi người lại tập trung tại nhà văn hóa thôn để luyện tập những điệu hát mới, tạo nên không khí vui vẻ, phấn khởi.

Bà Triệu Thị Phượng, một trong những người đầu tiên sáng lập nên đội văn nghệ hát Then thôn 2 Thái Bình cho biết: “Tôi tham gia câu lạc bộ hát Then đã được 12 năm, mặc dù tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng tôi vẫn thường xuyên tới sinh hoạt tại câu lạc bộ, vì tôi rất yêu điệu hát Then truyền thống của dân tộc mình. Và tôi cũng muốn truyền dạy cho con cháu mình những điệu hát Then cổ để con cháu biết đến điệu hát độc đáo của dân tộc mình”.

Từ chỗ đội văn nghệ chỉ có toàn người dân tộc Tày, đến nay đã thu hút rất đông mọi người tham gia, trong đó có cả những người dân tộc Kinh.
Bà Nguyễn Thị Lại, dân tộc Kinh tâm sự: "Tôi rất thích các điệu Then cổ, từ nhỏ tôi đã được biết và nghe các bài hát có giai điệu rất hay, một ý nghĩ nung nấu trong đầu tôi là làm sao học cho bằng được điệu hát này, lúc đầu học hát rất khó vì tôi không biết tiếng Tày, nhưng tôi vẫn quyết tâm theo học. Đến nay, tôi đã hát được nhiều bài và nhiều điệu Then cổ".

Hát bằng cả sự đam mê

Mặc dù các thành viên trong đội đều là những người cao tuổi, nhưng với tất cả sự đam mê và yêu thích hát Then, họ đã hát bằng trái tim, cả tấm lòng, đắm mình vào điệu hát như quên đi hết sự nhọc nhằn mệt mỏi của cuộc sống thường ngày.

Bà Nguyễn Thị Lan, 72 tuổi, một trong những thành viên trong đội văn nghệ cho biết: Làn điệu hát Then ở mỗi vùng có những nét độc đáo riêng, hát Then Tuyên Quang khác với Then Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang... Then Tuyên Quang dồn dập như thúc quân ra trận. Vì điệu hát Then ở mỗi nơi có khác nhau nên cây đàn tính cũng phải được làm cho có tiếng đàn phù hợp với điệu hát.

Chị Chu Thi Tuyên, một người dân thường xuyên xem đội tập và biểu diễn, cho biết: "Tôi là người dân tộc Kinh, trước đây khi mới về làm dâu, tôi không biết nói tiếng Tày và cũng chưa biết tới các điệu hát Then, nhưng mẹ chồng tôi là một thành viên trong đội, đã vận động tôi và nhiều người trong họ hàng tham gia hát. Dần dần đến nay, tôi đã biết hát, cứ hôm nào biết đội tập là hôm đó tôi tranh thủ làm mọi việc nhà xong sớm để đến tối đi xem”.
Ông Hứa Hải Yên, Trưởng thôn 2 Thái Bình và cũng là thành viên đội văn nghệ kể, có lần, cả đội tới thăm chị Phượng - một thành viên của đội bị ốm, nhưng thấy đội đến chơi, chị liền ngồi dậy và cùng đội tập những bài hát mới.

Đội văn nghệ được thành lập đến nay đã hơn 10 năm và hoạt động thường xuyên định kỳ tuần ba buổi tập tại nhà văn hóa thôn. Đội đã nhiều lần đi diễn và giao lưu với các bản do xã và huyện tổ chức và cũng đã mang về nhiều giải thưởng. Đội cũng đã mở được 3 lớp dạy miễn phí, mỗi lớp hơn chục học viên, đến nay các học viên đều đã biết đánh đàn và hát, trở thành những hạt nhân cho phong trào văn nghệ của xã. Bà Tuyết nói: “Tôi có nguyện vọng mở được nhiều lớp dạy đàn, dạy hát hơn nữa cho tất cả bà con trong và ngoài thôn được học, biết để giữ gìn "báu vật" của dân tộc mình. Tôi cũng mong sao, mọi tổ chức, đoàn thể từ thôn bản cho tới các cấp quan tâm hơn nữa để chúng tôi có điều kiện truyền dạy những tinh hoa văn hóa cho con cháu đời sau.

Bài và ảnh: Thu Hằng