08:09 13/08/2017

Giữ chân trái thành công cho cụ bà bị suy tim nặng biến chứng thuyên tắc động mạch chân

Các bác sĩ bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận phẫu thuật cấp cứu điều trị tắc mạch chân cấp tính cho cụ bà gần 80 tuổi bị rối loạn nhịp tim, suy tim nặng và nhồi máu cơ tim.

Theo đó, cụ bà N.T.T.H. (sinh năm 1938, ngụ tỉnh Long An), nhập viện tại khoa Nội tim mạch vào 7/8 và được các bác sĩ chẩn đoán bị phù phổi cấp do nhồi máu cơ tim cấp và suy tim nặng. Bà H. đã được các bác sĩ điều trị hồi sức tích cực như chống loạn nhịp, chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu, chống suy tim.


Tuy nhiên vào tối 10/8, bà H. xuất hiện những cơn đau đột ngột và dữ dội, toàn bộ chân trái bắt đầu chuyển sang màu tím và lạnh kèm theo mất mạch. Các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực nhanh chóng được mời hội chẩn cùng các bác sĩ chuyên khoa Nội tim mạch. Sau khi thăm khám kết hợp với các kết quả cận lâm sàng, các bác sĩ thống nhất chẩn đoán bệnh nhân bị tắc mạch chân trái cấp tính giờ thứ 6 (nguyên nhân do thuyên tắc xuất phát từ tim).

Cụ bà đã giữ được chân trái nhờ lấy kịp thời lấy được những cục máu đông ra khỏi chân.Ảnh: BV

Ê kip các bác sĩ khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực nhanh chóng tiến hành phẫu thuật lấy cục máu thuyên tắc động mạch chân trái bằng sonde Fogarty. Ngay sau phẫu thuật, tình trạng tưới máu chân trái của bệnh nhân đã được phục hồi hoàn toàn. Chân trái của bà H. đã hoàn toàn hết đau, hết tím, chân đã ấm lại, mạch ở chân trái đã bắt rõ.


Các bác sĩ cho biết, qua theo dõi hậu phẫu không có các biến chứng nguy hiểm của tắc mạch cấp đó là chèn ép khoang, hay suy thận cấp. Bệnh nhân sau mổ được duy trì liên tục chống đông Heparine tĩnh mạch. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã ổn định sau hai ngày hậu phẫu, tưới máu chân trái tốt.


Các bác sĩ chuyên khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực khuyến cáo, những bệnh nhân có rối loạn nhịp tim (rung nhĩ), bệnh lý hẹp van hai lá, bệnh nhân mang van tim nhân tạo, bệnh nhân sau nhồi máu cơ tim… nếu có xuất hiện các triệu chứng như đau đột ngột ở tay, chân, bụng... thì nên cảnh giác với biến chứng tắc mạch (tay, chân, mạch tạng… ). Người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến các bệnh viện lớn có đầy đủ trang thiết bị hiện đại và chuyên khoa Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực nhằm tránh nguy cơ cắt cụt tay, chân, hoại tử ruột do đến muộn. Thông thường thời gian vàng là 6 giờ, sau thời gian này tỷ lệ cắt cụt chi rất cao.


Đan Phương/Báo Tin Tức