Nhằm tăng cường quảng bá du lịch đất nước Sri Lanka tới du khách Việt Nam và thúc đẩy du lịch giữa hai nước, Đại sứ quán Sri Lanka tại Hà Nội đã thông tin tới báo chí và các doanh nghiệp du lịch Việt Nam vào chiều 4/4.
Theo Giáo sư A. Saj U. Mendis, Đại sứ chỉ định của Sri Lanka tại Việt Nam, hiện nay, tình hình chính trị, kinh tế của đất nước này đã ổn định. Mọi hoạt động phát triển kinh tế, thương mại, du lịch đã được thúc đẩy trở lại. Sri Lanka đã sẵn sàng các dịch vụ, hỗ trợ du khách quốc tế có thể nhập cảnh dễ dàng và có những trải nghiệm thú vị để khám phá đất nước này. Hiện Sri Lanka có 5 đường bay quốc tế, 9 đường bay nội địa.
Trước dịch COVID-19, vào năm 2019 lượng khách trao đổi hai chiều giữa Sri Lanka và Việt Nam là 18.000 lượt khách, trong đó có khoảng 15.000 lượt du khách Sri Lanka đến Việt Nam và 3.000 lượt khách Việt Nam đến Sri Lanka. Đây là con số khá khiêm tốn so với kỳ vọng.
Về phía Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Thị Phương Nhung cho biết: “Từ năm 2004 Chính phủ 2 nước Việt Nam và Sri Lanka đã ký hiệp định hợp tác phát triển du lịch. Việc Sri Lanka đã ổn định tình hình chính trị, kinh tế là cơ hội tốt để du khách Việt Nam có thể thực hiện các chuyến du lịch đến đất nước này. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng mong muốn, du khách từ Sri Lanka sẽ đến du lịch Việt Nam nhiều hơn nữa trong thời gian tới. Hiện nay, cơ quan quản lý du lịch của Việt Nam đã đề xuất lên Chính phủ chính sách thị thực (visa), có thể kéo dài thời gian lưu trú cho du khách từ 15 lên 45 ngày”.
Theo một số đơn vị du lịch Việt Nam, hiện nay, khó khăn nhất của du lịch Sri Lanka là chưa có đường bay thẳng. Du khách đang phải bay 2 chặng, quá cảnh tại Singapore, vì thế, giá vé máy bay và giá tour đi Sri Lanka hơi cao. Tuy nhiên, với một nền văn hóa độc đáo và nhiều di sản thế giới kỳ vĩ, Sri Lanka là một vùng đất có thể mang đến sự khác biệt cho du khách khi trải nghiệm.
Với diện tích chỉ bằng khoảng 1/5 lãnh thổ Việt Nam nhưng Sri Lanka có đến 8 Di sản thế giới được UNESCO công nhận. Nơi đây từng là trung tâm văn hóa và tôn giáo thời cổ, đặc biệt là Phật giáo. Mặc dù có diện tích nhỏ nhưng Sri Lanka có đến 6 khu dự trữ và vườn quốc gia bảo tồn động vật hoang dã. Vì thế, với nhiều du khách, Sri Lanka là vùng đất "thiên đường" với cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, nhiều nét văn hóa đậm sắc bản địa.