11:22 28/11/2011

Giới chủ ngân hàng – “Ông chủ” thực sự của EU

Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu", Liên minh châu Âu (EU) chỉ là một kế hoạch khác của Mỹ nhằm tập trung sự giàu có vào tay một số cá nhân mà hy sinh lợi ích của các công dân châu Âu, những người giống như các công dân Mỹ, đang trở thành những "nô lệ" của thế kỷ 21.

Theo mạng tin "Nghiên cứu toàn cầu", Liên minh châu Âu (EU) chỉ là một kế hoạch khác của Mỹ nhằm tập trung sự giàu có vào tay một số cá nhân mà hy sinh lợi ích của các công dân châu Âu, những người giống như các công dân Mỹ, đang trở thành những "nô lệ" của thế kỷ 21.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).  Ảnh: gozonews.com

Ngày 25/11, hai ngày sau khi chính phủ Đức không thể bán được 35% số trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm của họ, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã tuyên bố rằng, Đức có thể rút các yêu cầu rằng các ngân hàng tư nhân, đang sở hữu khoản nợ công của Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha phải chấp nhận phần nào chi phí của việc cứu trợ các nước này bằng việc xóa bỏ phần nào những khoản nợ đó. Các ngân hàng tư nhân muốn tránh bất kỳ khoản thua thiệt nào bằng cách hoặc buộc các chính phủ Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha phải áp đặt các biện pháp cực kỳ khắc khổ đối với các công dân của họ, hoặc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải in thêm tiền euro để mua số nợ công mà các ngân hàng tư nhân đang giữ. Việc in thêm tiền euro đi ngược lại hiến chương của ECB và khiến người Đức rất sợ sẽ bị siêu lạm phát.

Rõ ràng là chính phủ Đức đã hiểu được thông điệp của phiên đấu giá trái phiếu thất bại. Bằng chứng của việc phiên đấu giá thất bại của Đức là do dàn dựng đã được chứng minh khi Italia đấu giá thành công số trái phiếu của họ 2 ngày sau đó. Italia, nền kinh tế đang có nguy cơ vỡ nợ lớn nhất châu Âu, vẫn có thể bán được trái phiếu của họ, trong khi Đức, không cần cứu trợ và đang phải chịu phần khá lớn trong các khoản cứu trợ cho Italia, Hy Lạp và Tây Ban Nha, lại không thể bán được trái phiếu của mình.

Bộ Tài chính Mỹ, ECB, EU và các ngân hàng tư nhân đang sở hữu khoản nợ của các chính phủ châu Âu đang gặp khó khăn có thể là chủ mưu của phiên đấu giá trái phiếu thất bại của chính phủ Đức. Lý do là Goldman Sachs và các ngân hàng Mỹ đang bảo hiểm số nợ công trị giá khoảng 1.000 tỷ USD của các quốc gia châu Âu bằng việc bán các hợp đồng bảo hiểm hoặc trao đổi với số phí khổng lồ, nhưng chưa được thanh toán. Nếu có quốc gia châu Âu nào bị vỡ nợ, các thể chế tài chính Mỹ đã phát hành bảo hiểm cho số nợ này sẽ bị mất số tiền khổng lồ mà họ chưa nhận được. Vì thế mà sự vỡ nợ tại châu Âu có thể châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ, đòi hỏi phải có các biện pháp cứu trợ mới, hoặc Cục dự trữ liên bang (FED) Mỹ phải in thêm tiền. Chắc chắn là Tổng thống Mỹ Barack Obama không muốn bước vào năm bầu cử bằng một cuộc khủng hoảng tài chính. Vì thế, rõ ràng là Bộ Tài chính Mỹ muốn Đức không được hưởng gói cứu trợ châu Âu.

Các ngân hàng tư nhân của Pháp, Đức và Hà Lan dường như đang nắm phần lớn số nợ công, không muốn có bất kỳ khoản thua lỗ nào. Nói cách khác, đối với các ngân hàng đã đầu tư lớn để mua các khoản nợ công, họ có lý do để khiến chính phủ Đức đứng ngoài những tuyên bố lợi nhuận của họ. ECB thì không muốn trở thành một thực thể yếu kém hơn FED hoặc Ngân hàng Trung ương Anh.

ECB muốn quyền lực để có thể tự đưa ra quyết định "nới lỏng định lượng" (in thêm tiền). ECB đang thất vọng trước những hạn chế đối với quyền lực của họ, do những điều kiện mà Đức yêu cầu khi từ bỏ đồng Mác Đức và việc Ngân hàng Trung ương Đức đang kiểm soát nguồn cung tiền tệ của nước này. Đức, thành viên quyền lực nhất của EU, đang trên đường thâu tóm quyền lực mà các nhà lãnh đạo EU mong muốn sử dụng. Do vậy, phiên đấu giá trái phiếu thất bại là một sự kiện được dàn dựng nhằm trừng phạt Đức và cảnh báo chính phủ Đức không được cản trở "sự thống nhất" hoặc sẽ bị mất chủ quyền quốc gia.

Vậy ai sẽ cai trị châu Âu mới? Rõ ràng là các ngân hàng tư nhân châu Âu và Goldman Sachs. Chủ tịch mới của ECB là ông Mario Draghi, Cựu phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Goldman Sachs International. Ông Draghi cũng là cựu Giám đốc điều hành người Italia của Ngân hàng Thế giới (WB), Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italia. Rõ ràng là ông Draghi sẽ bảo vệ quyền lực của các chủ ngân hàng.

Thủ tướng mới của Italia Mario Monti đã từng là một thành viên của Ban cố vấn quốc tế của Goldman Sachs. Tân Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos là cựu Thống đốc Ngân hàng Hy Lạp, Phó Chủ tịch ECB. Cả hai người đều là thành viên cao cấp của Ủy ban Ba bên châu Âu, một tổ chức của Mỹ đang thúc đẩy sự bá chủ của Mỹ với thế giới. Rõ ràng là Ủy ban châu Âu (EC) có ý định tìm một giải pháp của các chủ ngân hàng cho cuộc khủng hoảng nợ công.

Jacques Delors, một nhà sáng lập EU, năm 1988 đã hứa hẹn rằng EC sẽ yêu cầu các chính phủ phải đưa ra một dự luật ủng hộ lao động. Thay vào đó, EC hiện do các chủ ngân hàng kiểm soát đang yêu cầu người lao động châu Âu phải cứu trợ các ngân hàng tư nhân bằng việc chấp nhận lương thấp hơn, ít các dịch vụ xã hội hơn và về hưu muộn hơn.

Thanh Hoa (P/v TTXVN tại Canađa)