Đến thăm làng U Diếp (xã Kông Htok, huyện Chư Sê, Gia Lai), gia đình ông Đinh Dốch được nhiều người nhắc đến với nhiều tâm huyết, miệt mài giữ hồn chiêng cho buôn làng.
Trước tác động của kinh tế thị trường, nhiều nét văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng như tỉnh Gia Lai đang có nguy cơ mai một. Những bộ chiêng dần vắng bóng bởi thiếu người giữ lửa. Đến thăm làng U Diếp (xã Kông Htok, huyện Chư Sê, Gia Lai), gia đình ông Đinh Dốch được nhiều người nhắc đến với nhiều tâm huyết, miệt mài giữ hồn chiêng cho buôn làng.
Gia đình ba đời giữ lửa cho cồng chiêng
Chúng tôi về làng U Diếp, xã Kông Htok khi cái nắng chiều đã nhạt. Ngôi nhà mái ngói đỏ nổi nhất làng là của ông Đinh Dốch - người được mọi người biết đến bởi tài chỉnh chiêng và giữ hồn chiêng.
Bước qua tuổi lục tuần, đôi mắt và đôi chân ông Dốch vẫn lanh lợi lắm. Ông có nét hiền hòa của người Bahnar và sự nhanh nhẹn, hoạt bát của người Jrai. 66 tuổi đời, ông đã có 43 năm rong ruổi khắp các làng xã lân cận để chỉnh chiêng. Cũng vì vậy, ông nổi danh khắp vùng nhờ nghề chỉnh chiêng gia truyền. Cụ Kpui Sich - cha của ông Dốch là một nghệ nhân có tiếng về nghề chỉnh chiêng của làng U Diếp. Từ những lần đi phụ việc cùng cha, thanh âm trầm hùng của cồng chiêng đã ngấm vào từng hơi thở của ông và đưa ông đến với nghề.
Ông chia sẻ: "Trước đây, cha tôi nổi tiếng lắm, được mời đi chỉnh chiêng khắp nơi. Tôi thường theo phụ việc vặt trong các chuyến đi ấy, dần dần âm chiêng thấm vào người lúc nào không hay. Bộ chiêng nào hỏng tiếng, lạc nhịp, chỉ cần cha tôi dùng búa gõ nhẹ vài cái đã đưa về đúng điệu".
Thế nhưng phải đến năm 1978, sau khi cha ông mất rồi, ông Dốch mới bắt đầu lần mò tập chỉnh chiêng. Người trong làng nghe thấy tiếng chiêng vọng lại từ nhà ông Dốch, liền nhận ra đó chính là "truyền nhân" của người nghệ nhân kỳ cựu, liền tìm đến mời ông đi chỉnh chiêng. Dù có năng khiếu trời phú song ông Dốch vẫn phải tập luyện, rèn giũa rất nhiều mới có thể thành thạo như bây giờ. Ông kể lại, bộ chiêng đầu tiên, phải 3 ngày "mất ăn mất ngủ", ông mới có thể chỉnh xong bởi chưa quen với việc kiểm soát lực tay, phân biệt độ dày, mỏng của chiêng. Dần dần, thời gian chỉnh một bộ chiêng được rút ngắn, độ thành thạo, am hiểu của ông đối với từng loại chiêng cũng dần tăng lên.
Cũng như cha mình, anh Siu Hiếc (38 tuổi) - con trai đầu của ông Dốch, sớm bộc lộ khả năng thẩm âm cồng chiêng rất tốt. Những ngày cùng cha rong ruổi khắp các làng gần xa để chỉnh chiêng, anh Hiếc đã mày mò học theo. Thấy con trai có năng khiếu và muốn theo nghề, ông Dốch vui mừng khôn tả, tận tình chỉ dạy. Đến nay, anh Hiếc đã có hơn 7 năm chỉnh chiêng cùng cha. Những lúc ông Dốch có nhiều việc, anh Hiếc lại đến phụ giúp. "Cha dạy mình biết đánh cồng chiêng, phân biệt từng loại chiêng và cách chỉnh âm cho chúng. Mình tự hào lắm, vì nghề này đâu phải ai cũng làm được"- anh Hiếc bày tỏ.
Gìn giữ "hồn chiêng cho làng"
Chính nhờ những gia đình như ông Đinh Dốch, thanh âm trầm hùng của cồng chiêng tại huyện Chư Sê vẫn đều nhịp. Không giống như việc đánh một bài chiêng, việc chỉnh chiêng không phải cứ học là làm được. Công việc ấy chỉ những người thật sự có năng khiếu, có khả năng thẩm âm, cảm thụ cao độ của âm thanh tốt mới có thể đảm nhận. Cũng bởi vậy mà trong hàng ngàn người biết đánh cồng chiêng cũng chỉ có khoảng vài chục người biết chỉnh chiêng.
Gia đình ông Dốch là một trường hợp hiếm thấy khi lần lượt cả 3 người đàn ông thuộc ba thế hệ đều biết và yêu thích công việc chỉnh chiêng. Ông Dốch chia sẻ: "Ngày xưa đi chỉnh một bộ chiêng thường được trả 1 - 2 gùi lúa tùy vào số lượng chiêng, bây giờ được trả khoảng 100.000 - 200.000 đồng. Có đi xa mấy, tôi cũng chỉ lấy tiền công như vậy thôi, giúp bà con có chiêng để sử dụng là vui rồi".
Với thâm niên 7 năm trong nghề chỉnh chiêng, anh Hiếc con ông cũng được nhiều người biết đến. Qua mỗi lần chỉnh chiêng, anh lại tự mình tích lũy thêm kinh nghiệm cho công việc được cha truyền lại. Anh Hiếc tâm sự: "Khi mới học, mình chỉ dám nhận chỉnh cho những bộ chiêng đúc dày dặn do chưa rành phân bổ lực tay, nếu chỉnh chiêng mỏng, nhẹ, lỡ tay một chút là làm hỏng chiêng ngay. Phải mất 3 tháng ròng, mình mới biết chỉnh sơ sơ. Sau này, cha dạy cho cách kiểm tra độ dày mỏng của chiêng để chỉnh sao cho đúng. Cách nhận diện chiêng như thế nào là lạc điệu, cần nâng âm lên cao hay hạ xuống thấp".
Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung cao độ và đậm tính nghệ thuật ấy lại đang đứng trước nguy cơ mai một. Người biết chỉnh chiêng vốn đã ít ỏi nay lại càng khó tìm bởi nhiều nguyên do. Ông Dốch tâm sự: "Bây giờ đồng bào không còn giữ nhiều chiêng nữa. Mỗi làng cũng chỉ còn nhiều lắm là 3-4 gia đình còn lưu giữ chiêng trong nhà, phần lớn không sử dụng, để lâu cũng bị hư hỏng nhiều. Còn chiêng chung của làng bây giờ thường là chiêng treo, dùng để biểu diễn những bài hát hiện đại nhiều hơn".
Suốt 43 năm theo nghề, ông Dốch chỉ tìm được một học trò duy nhất cũng là con trai của mình. Mặc dù rất muốn truyền dạy thêm cho nhiều người nhưng lớp trẻ trong làng hiện nay không mấy hứng thú với việc ngày ngày cặm cụi lắng nghe, sờ nắn rồi gõ gõ vào mặt chiêng. Âm thanh trầm hùng của cồng chiêng vốn là niềm tự hào của thế hệ ông bà giờ như có chút xa lạ với người trẻ. "Ai muốn học tôi cũng sẽ dạy ngay để họ còn thay mình gìn giữ nghề truyền thống. Tôi cũng sợ rằng sau này, các bộ chiêng sẽ không còn ai giữ đúng nhịp, rồi chúng cũng sẽ dần bị bỏ quên"- ông Dốch bộc bạch.
Để những người như ông Dốch tiếp tục cống hiến tài năng của mình, ngành Văn hóa huyện Chư Sê rất quan tâm, tạo điều kiện. Ông Phạm Viết Nghị, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Chư Sê cho biết: Ông Dốch là nghệ nhân chỉnh chiêng hiếm hoi của xã Kông Htok nói riêng và huyện Chư Sê nói chung. Không chỉ có tài năng, ông Dốch rất yêu thích công việc này, nhiệt tình nhận lời giúp chỉnh chiêng cho khắp các làng trong và ngoài xã. Vừa qua, Phòng đã lấy thông tin, lập hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho ông Dốch. Hy vọng rằng đây sẽ là nguồn động viên để ông Dốch tiếp tục cống hiến. Chúng tôi cũng mong rằng anh Hiếc - con trai ông sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của gia đình góp phần gìn giữ "lửa chiêng" cho buôn làng đến mai sau.