01:09 29/01/2011

Giật mình Ai Cập…

Giật mình bởi đất nước chừng một triệu km vuông, 80 triệu dân ấy, từ lâu vẫn được coi không chỉ là xương sống, là anh cả trong 22 quốc gia Arập, mà còn là chỗ không thể không tới mỗi khi ta có dịp đến vùng Trung Đông - Bắc Phi, bởi nơi ấy có sông Nin, có Kim Tự tháp...

Giật mình bởi đất nước chừng một triệu km vuông, 80 triệu dân ấy, từ lâu vẫn được coi không chỉ là xương sống, là anh cả trong 22 quốc gia Arập, mà còn là chỗ không thể không tới mỗi khi ta có dịp đến vùng Trung Đông - Bắc Phi, bởi nơi ấy có sông Nin, có Kim Tự tháp...


Có hàng nghìn tượng đài, miếu mạo với vẻ đẹp cổ kính, huyền bí, thế mà mấy hôm nay chỗ nào cũng vắng hoe do khách thập phương ngại đến, sợ bị vạ lây, còn người bản xứ vốn dĩ hiền lành, lam lũ, chất phác, chẳng quan tâm tới thời cuộc, nhưng bây giờ cứ túm năm, tụm ba, lập đảng này, phái kia, tập làm... chính trị bắt đầu bằng những cuộc biểu tình trên khắp cả nước với hy vọng... đổi đời.

Những người biểu tình đụng độ với cảnh sát chống bạo động tại Cairô ngày 28/1.


Giật mình bởi người Ai Cập vốn dĩ hiền lành, nhu mì là vậy, người sống ở nông thôn, kể cả thanh thiếu niên, luôn ngại ngẫm, sợ sệt mỗi khi bước qua cổng làng. Và nữa, với tôi, người đã được đi đây đó đôi nơi, nhận thấy cảnh sát Ai Cập là những người dễ mến nhất bởi họ hiền khô, luôn ôn tồn, chỉ bảo không chỉ người nước ngoài như chúng tôi, mà cả dân bản xứ nữa, mỗi khi vi phạm một luật lệ nào đó.


Thế mà 4 hôm rồi, già trẻ gái trai ở tít các vùng quê xa xôi, bất chấp cái rét thấu xương, chỉ với tấm áo mỏng, bụng không đủ no, ào ào kéo nhau ra thành phố, tham gia các cuộc biểu tình bất tận chống chính quyền, để rồi phải đối mặt với những viên cảnh sát, vừa là đồng hương, vừa mới còn hiền khô hôm nào, nhưng nay, súng ống, dùi cui, vòi rồng lăm lăm trong tay, “tẩn” không nương tay bà con mình, làm cho máu đã đổ tràn lan rồi!

Giật mình bởi đại lộ Kasr El-Nil chạy dọc theo dòng sông Nin thơ mộng, huyền thoại ở trung tâm thủ đô Cairô, nơi có trụ sở Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin, là những chỗ người viết bài này thường lui tới công tác cách đây chưa lâu, và cách đấy một dãy phố là Quảng trường Tahrir (Giải phóng) lớn nhất cả nước, chỗ đặt Viện bảo tàng xác ướp có một không hai trên thế giới,… ấy vậy mà mấy hôm nay không chỉ máu đã đổ ở đấy, mà những cánh cổng bảo vệ của các cơ quan nọ xưa nay tôi vẫn tưởng chỉ có xe tăng mới ẩn đổ được, thế nhưng cách đây hai hôm, hàng chục nghìn người biểu tình đã xô đổ nó để tràn vào khuôn viên của những nơi vừa uy nghiêm, vừa là “kho” bí mật quốc gia này. Thế mới biết sức lực và ý chí con người là mạnh hơn cả!

Giật mình bởi suốt cả chục năm trời công tác ở đấy, chỗ nào tôi cũng thấy những bức hình Tổng thống Hosni Mubarak, có bức lớn tới mức trùm kín đầu hồi cả một cao ốc, với những băng biển, khẩu hiệu hết lời ca ngợi ông và chính quyền do ông đứng đầu ba thập kỷ qua. Thế nhưng mấy hôm nay, đùng một cái, người ta rần rần kéo nhau đi biểu tình trên khắp cả nước, đòi lật đổ ông và chính quyền nọ. Nếu nói đúng ra, thì chẳng đến mức đùng một cái đâu, mà từ lâu, đây đó dưới những bức hình kia, và những khẩu hiệu nọ, tôi đã được nghe những tiếng nói trái chiều, được đọc những khẩu hiệu “chui”, vừa hài hước, vừa châm chọc chính quyền ấy. Thế đấy, giật mình mà chẳng giật mình!

Giật mình vì kể từ năm 1979, sau khi Ai Cập ký Hiệp định Camp David với Ixraen, Mỹ công khai nhận đất nước của các Kim Tự tháp là đồng minh số một, số hai của mình, không tiếc tiền của đổ vào đây, nói rằng giữ cho Cairô vững là mục tiêu hàng đầu của Oasinhtơn, ngõ hầu cho tái thiết hòa bình ở Trung Đông.


Thế mà hôm 25/1 vừa rồi, mới chợt nghe tin hàng chục nghìn người tràn vào Cairô và các thành phố lớn trong cả nước đòi thay đổi chế độ, những người có trách nhiệm nhất, từng coi Ai Cập là “người của mình” ở bên kia Đại Tây Dương, đã nói ngay rằng họ ủng hộ “những đòi hỏi chính đáng của người biểu tình”, rằng đã đến lúc Cairô “phải thay đổi”. Thật khó lắm thay để hiểu được lòng người, nhất là ở thời buổi đầy nhiễu nhương, lẫn lộn trắng - đen, phải - trái này, và có lẽ cũng vì thế mà cổ nhân đã mách bảo hậu thế: “Tri nhân, tri diện, bất tri tâm!”( Đại ý dù biết người, biết diện mạo đấy, nhưng không thể biết nổi cái tâm con người đâu!).

Ai cũng biết thế giới Arập luôn đầy dãy những huyền bí, bất ngờ, và quả thật Ai Cập đang làm cả thế giới phải giật mình vì những bất ngờ trên chính trường vốn đã ổn định ba thập kỷ qua.


Cho dù còn có thêm những bất ngờ gì chăng nữa, vẫn mong sao đất nước này sớm được bình yên, người dân được ấm no, hạnh phúc, và người nước ngoài mỗi khi đến đây lại uống một ngụm nước sông Nin, vì nghe nói, làm như thế sẽ có dịp được quay trở lại, chứ không phải vừa đến nơi đã hốt hoảng chạy về vì loạn lạc, rồi cạch không đến đây nữa...

Phạm Phú Phúc