06:08 07/06/2012

Giao tranh trên đỉnh Takur Gar: Kỳ 1: Cú hạ cánh nhọc nhằn trong đêm

Đầu năm 2002, trên đỉnh núi Takur Gar ở đông nam Ápganixtan đã diễn ra cuộc đối đầu giữa lực lượng tác chiến đặc biệt của Hải quân Mỹ (SEAL) và các phần tử khủng bố Al Qaeda.

Đầu năm 2002, trên đỉnh núi Takur Gar ở đông nam Ápganixtan đã diễn ra cuộc đối đầu giữa lực lượng tác chiến đặc biệt của Hải quân Mỹ (SEAL) và các phần tử khủng bố Al Qaeda. Quy mô tuy nhỏ nhưng trận đánh vào “cứ điểm” Al Qaeda này của SEAL được đánh giá là một trong những trận đánh ác liệt nhất trong lịch sử chống khủng bố của Mỹ…

 

Cú hạ cánh trong đêm của chiếc trực thăng Mỹ trên đỉnh Takur Gar không hề yên ả. Đón nó là hàng loạt tiếng nổ inh tai nhức óc từ hỏa lực của Al Qaeda. Chưa hết, một người lính đặc nhiệm không may rớt từ chiếc trực thăng xuống và rơi vào tay của những kẻ khủng bố khát máu. Mạng sống của anh giờ chỉ còn tính từng giờ…

 

Qua tin tức tình báo, Mỹ phát hiện một số lượng lớn các tay súng Al Qaeda đóng ở thung lũng Shah-e-Kot, đông nam Gardez, Ápganixtan. Tháng 2/2002, Sở chỉ huy các lực lượng trên bộ của quân đội Mỹ ở Ápganixtan, đặt dưới quyền của Thiếu tướng Hagenback, lên kế hoạch tiến hành một chiến dịch quân sự - mang mật danh Anaconda - để diệt trừ tận gốc mối đe dọa này. Các lực lượng của Mỹ và Ápganixtan ở Gardez dự định sẽ tấn công để giải phóng một vùng được cho là tập trung nhiều phần tử khủng bố Al Qaeda ở phía tây thung lũng Shah-e-Kot. Các nhà hoạch định chiến dịch Anaconda tin tưởng rằng, cuộc hành binh lần này sẽ khiến bọn khủng bố phải tháo chạy về phía đông, nơi mà những người lính Mỹ thuộc Sư đoàn Sơn cước số 10 và Sư đoàn không vận số 101 đang đón lõng để đưa chúng vào “lưới”.


 

Đỉnh Takur Gar.

 

Ngoài các lực lượng chiến đấu thông thường, tham gia chiến dịch còn có thêm các đội trinh sát nhỏ. Các đội này được tập hợp từ lực lượng đặc biệt của các quân chủng bao gồm lực lượng tác chiến đặc biệt của Hải quân, lực lượng đặc biệt của Lục quân và lực lượng tác chiến đặc biệt của Không quân. Theo kế hoạch, các đội trinh sát này sẽ được đưa đến chiếm lĩnh các vị trí chiến lược, nơi mà họ sẽ thiết lập các đài quan sát để cung cấp thông tin về sự di chuyển của những kẻ khủng bố và hướng dẫn máy bay ném bom. Theo kinh nghiệm rút ra từ các chiến dịch trước đó, điều này sẽ giúp cho các cuộc không kích hiệu quả hơn. Thượng sĩ Neil Roberts thuộc một trong những đội trinh sát này.


Tuy nhiên, trong chiến đấu, tiến trình của chiến dịch nhiều khi không diễn ra theo đúng kế hoạch. Trong chiến dịch Anaconda, thay vì bỏ chạy, những chiến binh Al Qaeda được huấn luyện kỹ lưỡng và có kỷ luật đã ngoan cố bám trụ và chiến đấu với các tay súng của Mỹ. Quân khủng bố đã chặn đứng các lực lượng người Ápganixtan và buộc họ phải rút về Gardez.


Khi đó, do điều kiện thời tiết xấu và sự kháng cự mãnh liệt không ngờ của đối phương, chỉ một phần lực lượng quân Mỹ vào được các vị trí chiến đấu như kế hoạch. Lực lượng đặc biệt tại các đài quan sát sử dụng các loại hỏa lực bắn thẳng và phối hợp với sự yểm trợ của không quân để ném bom các vị trí của các chiến binh Al Qaeda. Điều này hỗ trợ một phần cho các lực lượng trên bộ của Mỹ, nhất là tại mục tiêu Ginger, phía đông của Marzak. Thiếu tướng Hagenbeck đưa quân đến mé bắc của thung lũng Shah-e-Kot và tấn công Al Qaeda từ hướng này. Khi diễn biến trận đánh thay đổi, Sở chỉ huy lực lượng Mỹ trên bộ nhận thấy sự cần thiết phải đưa các trinh sát đến mé nam thung lũng. Họ cần phải thiết lập thêm các trạm quan sát gần mục tiêu Ginger để theo dõi và hướng dẫn máy bay ném bom vào những vị trí tập trung đông quân khủng bố.


 

Trực thăng MH-47E Chinook hạ cánh xuống đỉnh núi.

 

Đối với các nhà hoạch định chiến dịch, đỉnh núi phủ đầy băng tuyết cao 3.048 mét có tên là Takur Gar là một vị trí lý tưởng để thiết lập một trạm quan sát. Nó án ngữ hướng tiếp cận từ phía nam đến thung lũng và bao quát toàn bộ Marzak, ở cách đó 2 km về hướng tây. Tuy nhiên, lúc đó Mỹ không hề biết rằng Al Qaeda cũng nhận ra lợi thế của đỉnh núi này và đã đưa một lực lượng với đầy đủ trang bị, bao gồm cả súng máy hạng nặng, chiếm giữ các vị trí lý tưởng để có thể bắn hạ các máy bay của liên quân bay ở thung lũng phía dưới.


Ngày 2/3/2002, các đơn vị lính Mỹ bắt đầu lên kế hoạch đưa lực lượng vào hai trạm quan sát vào đêm hôm sau. Hai chiếc trực thăng MH-47E Chinook của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn tác chiến đặc biệt đường không số 160 sẽ đảm nhận trách nhiệm đưa hai đội trinh sát vào hai vị trí được phân công; một đội sẽ được đưa vào vị trí ở phía bắc và một đội, bao gồm lực lượng đặc nhiệm của Hải quân và một nhân viên điều hành tác chiến của không quân, sẽ được triển khai trên đỉnh Takur Gar. Đêm hôm sau, hai chiếc trực thăng xuất phát từ căn cứ ở phía bắc của khu vực tác chiến nhằm hướng đỉnh núi Takur Gar mà bay.


Khi chiếc trực thăng Chinook tiếp cận được địa điểm để hạ cánh thì khu vực đó lúc này đã phủ đầy tuyết. Thượng sĩ John Chapman và đội đặc nhiệm của Hải quân Mỹ (SEAL), mà anh đang đi cùng, cảm nhận được cái lạnh của luồng không khí thổi vào qua cửa phía sau máy bay. Khi chiếc trực thăng chưa kịp đáp xuống đỉnh núi thì những khẩu súng máy từ mặt đất của Al Qaeda đã thi nhau nhả đạn, làm rung chuyển thân máy bay. Tiếp theo là một tiếng nổ lớn và máy bay bị chao đảo mạnh khi nó hứng trọn một quả rốcket.


Các phi công của Trung đoàn tác chiến đặc biệt đường không số 160 vội vàng điều khiển máy bay thoát ra khỏi địa điểm hạ cánh nguy hiểm và cố gắng giành lại quyền điều khiển máy bay. Quan sát địa hình qua một loại kính nhìn đêm, họ cố tìm kiếm một nơi nào đó để hạ cánh bởi khi đó chiếc máy bay trực thăng đã bị hư hỏng nặng. Trong lúc hoảng loạn đó, một trong số các thành viên của đội đặc nhiệm - Thượng sĩ Neil Roberts - đã ngã ra khỏi máy bay và rơi xuống khu vực thuộc quyền kiểm soát của các chiến binh Al Qaeda.


Khánh Chi (tổng hợp)

 

Kỳ cuối: Đánh bật Al Qaeda