Yêu cầu chấn chỉnh công tác tuyển sinh, đào tạo ở Học viện Khoa học Xã hội

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 43/KL-TTr kết luận về việc xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo, cấp phát văn bằng, chứng chỉ trình độ thạc sỹ, tiến sỹ của Học viện Khoa học Xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

Thanh tra Bộ Giáo dục kiến nghị Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chấn chỉnh công tác tuyển sinh, đào tạo ở Học viện Khoa học Xã hội. Ảnh: dantri.com.vn

Thanh tra Bộ Giáo dục kiến nghị Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chấn chỉnh công tác tuyển sinh, đào tạo của Học viện Khoa học Xã hội; làm rõ đặc thù trong việc sử dụng cán bộ khoa học của Viện trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh; tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có các thiếu sót, sai phạm...

Học viện Khoa học Xã hội phải rà soát, bổ sung, cập nhật các văn bản quy định về đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ của Học viện theo đúng quy định hiện hành; làm rõ đặc thù đội ngũ giảng viên trong xác định chỉ tiêu đào tạo của Học viện và việc tổ chức tuyển sinh đào tạo ngoài trụ sở chính; xác định lại chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 và chỉ tiêu hàng năm theo đúng quy định. Học viện Khoa học Xã hội chỉ được tuyển sinh, đào tạo ngoài trụ sở chính sau khi có văn bản đồng ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Học viện Khoa học Xã hội cần rà soát toàn bộ hồ sơ học viên, nghiên cứu sinh, có phương án xử lý đối với các trường hợp phân công hướng dẫn luận văn, luận án vượt quá số lượng quy định, báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra về Bộ Giáo dục trước ngày 30/9…

Theo công văn, hiện nay, Học viện Khoa học Xã hội được giao đào tạo 36 chuyên ngành trình độ thạc sỹ, 36 chuyên ngành trình độ tiến sỹ với quy mô đào tạo thời điểm tháng 12.2016 là 3.595 người.

Học viện Khoa học Xã hội là cơ sở giáo dục đại học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam với một số đặc thù về tổ chức cán bộ tham gia đào tạo. Thực hiện chức năng, nhiệm vụ Học viện Khoa học Xã hội đã xây dựng, ban hành các văn bản quy định về đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; tổ chức công tác tuyển sinh, thành lập Hội đồng tuyển sinh và các ban giúp việc để thực hiện tuyển sinh theo quy trình quy định; thực hiện công khai các thông tin về tuyển sinh,  đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ; công khai các luận văn, luận án tiến sỹ trên trang thông tin điện tử của Học viện theo quy định: tập trung giải quyết các trường hợp có đơn thư…

Kết luận thanh tra đã chỉ ra 10 điều mà Học viện Khoa học Xã hội còn thiếu sót, sai phạm trong tổ chức quản lý đào tạo trình độ thạc sỹ, tiến sỹ. Cụ thể là: Các văn bản, quy định về đào tạo của Học viện chưa cụ thể hóa đầy đủ các nội dung thuộc thẩm quyền của cơ sở đào tạo theo quy định.

Học viện chưa làm rõ đặc thù trong việc sử dụng đội ngũ cán bộ nghiên cứu của các đơn vị thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam để xác định chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm theo quy định tại Thông tư số 32/2015/TT-BGDĐT.

Năm 2017, Học viện đã tự xác định chỉ tiêu vượt năng lực đối với trình  độ tiến sỹ khối ngành I và VII. Nếu chỉ tính đội  ngũ giảng viên hữu cơ của Học viện theo quy đinh tại Thông tư 32/2015/TT-BGDĐT, năm 2017 Học viện không còn năng lực tuyển sinh trình độ tiến sỹ, thạc sỹ khối ngành I; năng lực tuyển sinh khối ngành III là 33 chỉ tiêu và khối ngành VII là 53 chỉ tiêu.

Học viện thông báo tuyển sinh trình độ thạc sỹ chưa đầy đủ thông tin theo quy định tại Quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ ban hành kèm theo Thông tư số 15/2004/TT- BGDĐT; thông báo tuyển sinh trình độ tiến sỹ không có chỉ tiêu tuyển sinh từng chuyên ngành.

Việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo trình độ thạc sỹ ngoài trụ sở chính của Học viện, vi phạm quy định lại Khoản 3 điều 4, Khoản 2 Điều 23 Quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT.

Chương trình đào tạo trình độ tiến sỹ không đảm bảo khối lượng kiến thức tối thiểu theo quy định của Thông tư số 07/2015TT-BGDĐT; chưa kịp thời rà soát, bổ sung chỉnh sửa và ban hành chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra các ngành, chuyên ngành trình độ thạc sỹ, tiến sỹ theo quy định tại Thông tư số 07/ 2015/TT-BGDĐT.

Học viện phân công người hướng dẫn luận văn thạc sỹ vượt quá số lượng quy định tại điểm b Khoản I Điều 27 Quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014TT-BGDĐT; phân công thành viên hội đồng đánh giá luận văn thạc sỹ vi phạm quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 28 Quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ ban hành kèm theo Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT. Việc quản lý hồ sơ đào tạo còn nhiều sai sót. Học viện chưa lưu giữ đầy đủ hồ sơ của các nhà khoa học ở ngoài cơ sở đào tạo tham gia hướng dẫn, hội đồng đánh giá luận văn, luận án…

Việc phân công người hướng dẫn nghiên cứu sinh không cùng ngành, chuyên ngành với nghiên cứu sinh, số lượng nghiên cứu sinh đang  hướng dẫn tại một thời điểm vượt quá số lượng quy định tại điều 25 Quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ

Học viện đã cho phép các thí sinh có văn bằng ngành khác với  chuyên ngành dự tuyển trình độ thạc sỹ không đúng với quy định của Quy chế đào tạo trình độ thạc sỹ; xét tuyển nghiên cứu sinh không đúng Quy định của Quy chế đào tạo trình độ tiến sỹ…

PV (TTXVN)
Thạc sỹ, tiến sỹ chưa có môi trường làm việc phù hợp
Thạc sỹ, tiến sỹ chưa có môi trường làm việc phù hợp

Nhiều tiến sĩ cho biết họ đều mong muốn trở về Việt Nam làm việc để được gần gũi gia đình và xây dựng đất nước. Nhưng môi trường làm việc ở khu vực nhà nước khiến họ không phát huy được năng lực và buộc phải bỏ ra khu vực ngoài làm việc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN