Xung quanh chuyện thực tập tại Xinhgapo của sinh viên Ngoại thương

Thời gian qua, Báo Tin tức đã tiếp nhận thông tin một nhóm sinh viên đang tham gia chương trình “Thực tập và làm việc tại Xinhgapo” thất vọng về điều kiện làm việc cũng như sinh hoạt tại nước sở tại. Tuy nhiên, đại diện của trường ĐH Ngoại thương cho rằng, những khó khăn mà sinh viên phản ánh thực chất chỉ là cú sốc tâm lý khi sinh viên tiếp cận với môi trường quốc tế.

Thất vọng về môi trường làm việc

Trong những lá thư chia sẻ về khoảng thời gian 2 tháng sau khi “thực tập và làm việc”, nhóm sinh viên này cho biết, họ sang thực tập ở Xinhgapo một năm theo chương trình của trường ĐH Ngoại thương phối hợp cùng Công ty môi giới Interisland. Trong số 48 sinh viên tham gia chương trình này có 37 sinh viên làm customer service (nhân viên phục vụ khách hàng) cho SATS (công ty cung cấp dịch vụ mặt đất cho sân bay quốc tế Changi ở Xinhgapo). Những sinh viên còn lại làm việc ở Wingtai (chuỗi bán lẻ cho các thương hiệu thời trang).

Nhóm sinh viên làm việc tại SATS cho biết, điều kiện làm việc cũng như sinh hoạt của họ rất đáng thất vọng. Họ bị xếp đi làm ca từ 1 giờ sáng đến 9 giờ sáng, phải làm liên tục 12 giờ không được nghỉ và bị đối xử phân biệt với người bản xứ.


Đoàn sinh viên ĐH Ngoại thương tại Sân bay Nội Bài trước khi lên đường sang Xinhgapo.


Trong thư, nhóm sinh viên bày tỏ: "Interisland đã không cung cấp cho chúng em đồ dùng sinh hoạt như cam kết. Chảo để hai hôm không dùng đến đã han gỉ, nồi cơm điện dùng ba hôm đã hỏng. Hiện giờ bọn em phải tự mua nồi, bát đũa, bếp để nấu…“. Không chỉ bức xúc về công việc, sinh viên cũng đề cập tới chuyện bị muộn tiền trợ cấp 70 SGD/tháng ngoài số tiền lương 450 SGD được nhận mỗi tháng.

Sinh viên cần hiểu rõ về áp lực công việc

Sáng 24/4, trao đổi với phóng viên Báo Tin tức, bà Đào Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, ĐH Ngoại thương cho biết, ngày 6/2, trường đưa đoàn sinh viên gồm 48 em sang Xinhgapo thực tập. Trước khi đưa đoàn sinh viên này sang Xinhgapo thực tập, thầy hiệu trưởng cùng một số cán bộ phòng đào tạo đã có chuyến tiền trạm. Thậm chí, trường cũng cử một đoàn cán bộ sang ở một tuần cùng học sinh để giải quyết những vấn đề liên quan.

“Chương trình thực tập và làm việc tại Xinhgapo là một chương trình hoàn toàn tự nguyện. Trường đã mời công ty môi giới tuyển dụng Interisland phối hợp tổ chức hội thảo thông tin. Phía môi giới cũng đã phỏng vấn sơ tuyển để kiểm tra trình độ sinh viên. Interisland sẽ giới thiệu lao động cho Công ty SATS và Wingtai ở Xinhgapo. Cả ba công ty đều là đối tác lần đầu hợp tác của ĐH Ngoại thương. Sinh viên được thông tin trước về công việc cũng như chế độ, tiền lương. Sau khi phỏng vấn và xác nhận sẽ tham gia, sinh viên được yêu cầu nộp khoản lệ phí, khoảng hơn 1 triệu đồng. Phía trường cũng gửi hợp đồng bản mềm cho sinh viên đọc trước khi ký. Thực tập sinh cũng phải viết bản cam kết có chữ ký của phụ huynh và đơn xin tham gia”, bà Đào Thị Thu Hà cho biết.

Trước những lá thư của sinh viên kể về môi trường làm việc, bà Đào Thị Thu Hà khẳng định: Công ty và trường đã giải thích với sinh viên, công việc customer service phải hỗ trợ khách hàng check – in (làm thủ tục nhập cảnh), hỗ trợ dịch vụ đặc biệt cho khách hàng, cung cấp thông tin và giúp khách hoàn thuế. Khi sang Xinhgapo, các bạn sinh viên Việt Nam sẽ làm ở dịch vụ hỗ trợ đặc biệt cho khách hàng. Lúc phỏng vấn sinh viên được hỏi có sẵn sàng đẩy xe đẩy để giúp đỡ hành khách đặc biệt không? Tất cả các bạn đều trả lời có và sẵn sàng. “Vấn đề ở đây là giao tiếp tiếng Anh, có bạn nghe rõ, có bạn nghe không rõ lắm gây ra tình trạng các em không hiểu rõ về công việc", bà Hà cho biết.

Trước khi bắt đầu công việc, 48 sinh viên này đã được đào tạo 2 tuần để hiểu về quy trình vận hành của sân bay, mã của các quốc gia, lái xe chuyên dụng, sơ cứu và cấp cứu. Sau khi nhận được phản ánh của sinh viên, Công ty SATS đã có buổi họp với sinh viên và đã bỏ ca làm việc từ 1 giờ sáng đến 9 giờ sáng bắt đầu từ ngày 22/4. Với những ca làm việc dài 12 tiếng cũng được rút ngắn thời gian và thời gian nghỉ cũng được bố trí hợp lý hơn. Công việc của các em ít nhiều liên quan tới ngành học. “Không có chuyện bóc lột như phản ánh của sinh viên. Mọi yếu tố về điều kiện lương, giờ làm việc, công việc cụ thể đã được thỏa thuận trước đó. Có chăng các em còn sốc trước môi trường làm việc quốc tế đòi hỏi sự nghiêm ngặt. Các em phải xác định rõ đây là công việc thực sự để thử thách chính mình. Nhưng các em đã không chuẩn bị tốt về tâm lý và kỹ năng để thích ứng với cường độ làm việc trong môi trường quốc tế”, bà Hà chia sẻ.

Nhận được thư phản hồi bức xúc của sinh viên, ĐH Ngoại thương đã yêu cầu trưởng nhóm gửi báo cáo, trong đó ghi rõ: "Số nhận thức chưa đúng chỉ rơi vào 4 - 5 em. Các bạn còn lại gửi thư về vẫn có quan điểm tích cực và chia sẻ học được nhiều điều từ chương trình này”. Để giải quyết tình trạng này, đầu tháng 5, trường ĐH Ngoại thương sẽ cử một đoàn công tác sang để làm rõ sự việc và trấn an tâm lý sinh viên.

Theo một số cán bộ đào tạo, khi tiếp cận với môi trường quốc tế, sinh viên cần phải xác định rõ về tính kỷ luật nghiêm ngặt của họ. Nhất là làm việc ở sân bay, nơi có nhiều khách hàng đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Phải xác định đây là “kỳ thực tập và làm việc” chứ không phải là kỳ thăm thú nước ngoài.

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN