Về làng có duy nhất một học sinh thi tốt nghiệp THPT 2012

Cả làng chài thôn Cao Bình, xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) mấy chục năm lênh đênh sông nước, tưởng chỉ có chuyện bắt được con cá sủ “vàng” đổi đời quê nghèo mới khiến xôn xao đầu làng cuối ngõ, nay họ lại mừng vui vì sau bao nhiêu năm nay mới có duy nhất một học sinh học đến cấp THPT và thi tốt nghiệp. Câu chuyện về cậu học trò nghèo theo đuổi giấc mơ đại học đang là sự quan tâm của nhiều người dân vùng này.



“Ngư ông” đi học


Về làng chài Cao Bình heo hút nằm tựa mình bên con sông Cốc, nhắc đến tấm gương điển hình học tập, ai cũng trả lời vanh vách về “ngư ông” vượt khó, con trai ông Nguyễn Văn Lực và bà Nguyễn Thị Quế. “Ngư ông” được nhắc đến chính là Nguyễn Văn Thiêng (SN 1989), học sinh lớp 12A11, trường THPT Nguyễn Du (huyện Kiến Xương).


Trong căn nhà trọ chật hẹp tại thôn Giang Nam (thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương), chúng tôi gặp Thiêng khi em đang miệt mài bên trang sách, ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thiêng là con trai thứ tư trong gia đình nghèo có 5 anh chị em. Tuổi thơ của em gắn liền với những chuyến lênh đênh trên biển dài ngày. Chiếc thuyền mỏng chật chội vừa là công cụ mưu sinh cũng vừa là mái ấm của cả gia đình.

"Ngư ông" đầu tiên của làng chài Cao Bình thi tốt nghiệp. Ảnh: Vietnamnet


Năm 1999, gia đình ông Lực mua được mảnh đất ở thôn Cao Bình (xã Hồng Tiến), lúc đó mới tính đến chuyện cho Thiêng đi học. Học muộn so với tuổi 4 năm, nhưng được đến trường với Thiêng cũng là một điều may mắn hơn so với nhiều đứa trẻ khác trong vạn chài. Bà Nguyễn Thị Quế (mẹ em Nguyễn Văn Thiêng) chia sẻ: “Kinh tế gia đình khó khăn, bố cháu cũng không muốn cho cháu học tiếp vì ở đây học cao nhất cũng chỉ đến lớp 9 thôi, đã thành nếp rồi. Bố mẹ làm nghề biển thì con cũng theo nghề đó luôn, việc học bị sao nhãng.” Nhưng trong suy nghĩ của cậu học trò nhỏ, câu hỏi “nghỉ học rồi lại đi biển, cuộc sống lâu dài sẽ ra sao?” cứ trăn trở và thôi thúc em. Vậy là, em lại tiếp tục theo đuổi ước mơ đại học, trở thành một kỹ sư giao thông giỏi. Năm 2010, Thiêng bạo dạn thử sức mình thi cấp 3 tại trường chuẩn quốc gia THPT Nguyễn Du. Nghị lực của “ngư ông” sau 10 năm đèn sách đã được đền đáp xứng đáng. Em đỗ cao với điểm số 37.

Dù đang bận rộn với kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng cô Vũ Thị La, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A11 (trường THPT Nguyễn Du) vẫn bớt chút thời gian kể về cậu học sinh “cưng”. Cô cho biết Thiêng là học trò ngoan hiền, nhiệt tình năng nổ trong mọi hoạt động của trường, lớp. “Cứng” tuổi hơn các bạn cùng trang lứa nên Thiêng cũng có những suy nghĩ người lớn, “đâu ra đấy” hơn. Suốt năm học lớp 10, hàng ngày em đạp xe 13 cây số tới lớp. Một phép tính nhẩm: 35 tuần học/năm x 5 buổi/tuần x 13 km mới thấy được sự nỗ lực, khát vọng của cậu học trò làng chài. Khó khăn là vậy song suốt 3 năm học cấp 3, em đều là học sinh tiên tiến của trường, được thầy cô và bạn bè thương mến.


Thôn Cao Bình là một trong những thôn khó khăn nhất xã Hồng Tiến (huyện Kiến Xương) và là vùng đất vốn được mệnh danh là làng “thất học”, làng “điểm chỉ”. Bởi lẽ toàn thôn có tới 60% người dân mù chữ, mọi giấy tờ quan trọng cần phải xác nhận chữ ký, không có cách nào khác địa phương đều phải dùng biện pháp cho dân “điểm chỉ”. Đã nhiều lần chính quyền xã tổ chức dạy chữ cho bà con nhưng cũng chỉ được vài chục người biết viết, biết đọc. Đời ngư phủ ngưng mái chèo thì kho lương cũng cạn, các gia đình lại bồng bế nhau ra khơi. Con cái cũng theo cha mẹ dập dềnh sóng nước khi mới tập nói, vì vậy tình trạng mù chữ và tái mù chữ là vấn đề phổ biến, cái vòng luẩn quẩn làm đau đầu lãnh đạo xã Hồng Tiến mấy chục năm nay.


Loay hoay “níu dân” lên bờ


Theo ông Đỗ Đức Cảnh (Chủ tịch UBND xã Hồng Tiến) làng chài Cao Bình có 150 hộ với hơn 630 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu là nghề đi biển. Cả xã có 30 cháu học mầm non, 40 cháu học tiểu học, 20 cháu học THCS và duy nhất có Nguyễn Văn Thiêng học đến THPT. Hiện vẫn còn khoảng 20 cháu đang ở độ tuổi mầm non nhưng chưa được đến trường. “Từ khi có làng chài, duy nhất năm nay mới có người học đến cấp III. Đây được coi là chuyện “hiếm” và “lạ” ở vùng quê biển nghèo này” – ông Cảnh cho hay.


Lý giải về tình trạng tỷ lệ mù chữ cao tại địa phương, ông Hoàng Hải (trưởng thôn Cao Bình) cho biết, những năm gần đây nguồn lợi thủy sản dần cạn kiệt trong khi đó phương tiện đánh bắt của ngư dân ở đây thô sơ, lạc hậu, chỉ có một vài tàu mã lực 24 CV, còn chủ yếu là loại 18 - 20 CV nên chỉ có thể đánh bắt được gần bờ, cộng thêm giá dầu tăng cao, kinh tế của các hộ dân càng trở nên khó khăn. Cái nghèo đeo đẳng, bám riết bó buộc cả cái khôn, con chữ. Người dân chỉ biết đi biển, đánh cá, việc con cái học hành không thực sự là vấn đề họ quan tâm. Chính quyền xã cũng đã động viên các gia đình đưa con em đến trường nhưng cùng lắm các cháu cũng chỉ theo học đến hết cấp II.


Nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, tránh tình trạng mù chữ, năm 2008, phòng Tài nguyên môi trường huyện Kiến Xương đã xây dựng dự án hỗ trợ nhà ở cho người dân làng chài Cao Bình. Đến nay đã hoàn thành hồ sơ cấp đất cho 63 hộ gia đình, hỗ trợ mỗi gia đình 10 triệu đồng để xây nhà định cư trong khu vực có tổng diện tích 3 ha gồm các hạng mục công trình: đường giao thông, nhà văn hóa, trường mầm non. Hiện tại đã có 23 gia đình đang tiến hành xây dựng nhà.


Tuy nhiên, theo ông Cảnh, chính quyền xã đang “loay hoay” tìm cách làm sao để người dân có cuộc sống ổn định, lâu dài trên đất liền, tránh tình trạng xây nhà chỉ để... “gió lùa”. Bởi lẽ nếu không có nghề lâu dài để “níu” dân trên đất liền thì sớm muộn họ cũng sẽ lại lênh đênh  mặt nước. Và tình trạng mù chữ ở trẻ nhỏ lại vẫn tiếp diễn. Trước đây các nhà sư hảo tâm đã mang nghề cắt may về dạy cho phụ nữ thôn Cao Bình nhưng kết quả là không thành công. Do vậy, dạy nghề gì cho người dân làng chài để ổn định cuộc sống lâu dài đang là nỗi băn khoăn của chính quyền xã Hồng Tiến.


Chia tay xóm trọ của cậu học sinh Nguyễn Văn Thiêng, chúng tôi thực sự cảm phục ý chí dám vượt qua khó khăn, rào cản và “tiền lệ” bỏ học giữa chừng của làng quê nghèo của em. Chúng tôi chúc giấc mơ trở thành kỹ sư của em sẽ trở thành hiện thực. Song câu hỏi đặt ra là nếu tình trạng đi biển bỏ học kéo dài như hiện nay, không biết bao nhiêu năm nữa, làng chài Cao Bình mới lại có học sinh học hết THPT và bậc cao hơn nữa?.


Thu Hoài

 

Gần 1 triệu thí sinh hoàn tất thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT
Gần 1 triệu thí sinh hoàn tất thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT

Ngày 1/6, Gần 1 triệu thí sinh trong cả nước đã tới làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Ngày làm thủ tục thi diễn ra suôn sẻ, thuận lợi, không có gì bất thường, tình trạng mất điện, tắc nghẽn giao thông lớn không xảy ra ở những khu vực có đông dân cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN