Tỷ lệ thí sinh dự thi đại học giảm

Tỷ lệ thí thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT ở cụm thi do các trường đại học chủ trì (vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển ĐH) tiếp tục giảm, đặc biệt ở những vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Thực trạng này đặt ra vấn đề, liệu nhân lực trình độ cử nhân về phục vụ địa phương trong những năm tới có bị ảnh hưởng?

Sở Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) Hòa Bình vừa thống kê tình hình đăng kí dự thi THPT quốc gia của tỉnh. Theo đó, có trên 5.600 thí sinh đăng ký thi chỉ để lấy kết quả công nhận xét tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ gần 70%), tăng hơn 10% so với năm ngoái.

Còn tại tỉnh Hà Giang, năm nay có tới 73% các học sinh đăng ký dự thi để được xét tốt nghiệp. Tại Lào Cai, tỷ lệ này cũng chiếm gần 54%.

Các sở cần có những dự báo chi tiết về tình hình nhân lực địa phương, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: TTXVN

Hà Nội cũng có lượng học sinh chỉ đăng kí thi tốt nghiệp cao so với năm ngoái. Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng, Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, qua thăm dò nguyện vọng của học sinh lớp 12 tại nhiều trường, đặc biệt là thuộc vùng sâu vùng xa, rất nhiều học sinh chỉ đăng ký dự thi với mục đích xét tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, trước thực tế này, nhiều lãnh đạo Sở GD - ĐT không tỏ ra bất ngờ, bởi học sinh ở những vùng núi, vùng sâu, vùng xa nhu cầu học đại học là không nhiều.

Theo ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Kon Tum, qua hai năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, việc thí sinh ở những vùng sâu, vùng xa đăng ký dự thi đại học giảm ngoài lý do kinh tế khó khăn còn vì vấn đề hướng nghiệp trong trường học đã được thực hiện tốt hơn. Công tác tuyên truyền cho học sinh hiểu về đăng ký dự thi dựa trên năng lực, sở trường đã được các trường THPT quan tâm hơn. Vì vậy, hiện tượng này không nên quá lo lắng.

“Nếu lo nhân lực trình độ cao trở về địa phương làm việc cũng giảm theo cũng đúng, nhưng chưa đủ cơ sở. Bởi trong quá trình tư vấn hướng nghiệp, Sở GD - ĐT cũng cung cấp những số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình việc làm cho sinh viên trong những năm tới của tỉnh nhà. Tốt nghiệp đại học xong về địa phương có việc làm hay không mới là điều quan trọng. Đại học hiện nay mở ra rất nhiều, nhưng để trở về có việc làm ở những tỉnh nghèo như Kon Tum lại là điều rất khó khăn. Còn cán bộ, nhân viên cho địa phương thì đến nay đã ổn định. Những học sinh được đi học cử tuyển, rồi về phục vụ địa phương có nguồn tương đối nhiều. Do đó, nhân lực của địa phương nào cử đi đều có chỗ khi họ trở về”, ông Nguyễn Hóa phân tích.

Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh Lào Cai cho rằng: Là một tỉnh miền núi biên giới có nhiều người dân tộc thiểu số, nên tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp đã cao hơn so với năm ngoái là điều đáng mừng. Công tác hướng nghiệp của các nhà trường bước đầu thực hiện tốt và hiệu quả. Năm ngoái, khi kỳ thi THPT quốc gia với hai phương thức thi chỉ để xét tốt nghiệp hoặc vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, Lào Cai đã đưa ra những tư vấn chuyên sâu trong trường học. Những thông tin, số liệu được Sở cập nhật và có những tư vấn kịp thời cho thí sinh và nhà trường.

Học xong đại học, trở về địa phương có xin được việc không là câu hỏi không nhỏ đối với nhiều thầy cô giáo và học sinh vùng cao. Theo lãnh đạo các sở, thì hoạt động tư vấn hướng nghiệp cần nhấn mạnh đến tình hình địa phương, nhân lực của các ngành khác nhau để học sinh nắm rõ. Để có thông tin này, ngành giáo dục rất cần sự phối hợp của các sở, ban, ngành địa phương nhằm cung cấp những thông tin chính xác về nhu cầu sử dụng lao động. Từ đó, dựa trên năng lực, học sinh đưa ra quyết định phù hợp với bản thân.

Lê Vân
Hơn 75% thí sinh đến làm thủ tục dự thi đại học đợt 2
Hơn 75% thí sinh đến làm thủ tục dự thi đại học đợt 2

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo thi đại học trung ương, số thí sinh đến làm thủ tục dự thi là 575.188 em, đạt 75,51%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN