Mở rộng phương thức xét tuyển
Năm nay, nhiều trường công bố đề án tuyển sinh có thêm phương thức phỏng vấn trực tiếp. Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tổ chức 5 đợt phỏng vấn để tuyển sinh.
Ngoài phỏng vấn trực tiếp để xét tuyển, phương thức xét tuyển bằng cộng điểm ưu tiên, tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (ngành học có môn tiếng Anh) hoặc tuyển học sinh giỏi các trường THPT cũng được nhiều cán bộ tuyển sinh đánh giá sẽ giúp các trường nâng cao chất lượng nguồn tuyển. Mặt khác, việc mở rộng đối tượng xét tuyển cũng giúp nhà trường tăng chất lượng đầu vào.
Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), nhà trường tuyển khoảng 150 chỉ tiêu theo hình thức phỏng vấn trực tiếp. Trường xét tuyển bằng phỏng vấn với những ngành đào tạo bằng tiếng Anh, để tìm ứng viên có thể học tập tốt ở nước ngoài, nâng cao tính hợp tác quốc tế của nhà trường.
Năm nay, trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội xét tuyển với phương thức kết hợp (40 - 50% chỉ tiêu, xét từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu) mở rộng xét tuyển với 5 nhóm: Thí sinh có Chứng chỉ quốc tế SAT từ 1.200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên và tốt nghiệp THPT trong nước hoặc nước ngoài bao gồm các chương trình quốc tế trong nước.
Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) mở rộng thêm đối tượng tuyển thẳng thí sinh giỏi của các trường THPT (mỗi trường một thí sinh). Trường ĐH Việt Đức năm nay cũng thêm đối tượng thí sinh đạt giải khuyến khích trở lên ở kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, ĐH Quốc tế Hồng Bàng cũng mở rộng đối tượng xét tuyển với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế. Thí sinh được cộng thêm điểm thành phần vào kết quả xét tuyển hoặc xét tuyển thẳng).
Theo PGS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Ngoại thương, về chủ trương nhà trường vẫn giữ 5 phương thức tuyển sinh như năm 2020. Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh hoặc thành phố và hệ chuyên của trường THPT chuyên; Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi THPT; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT và xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định riêng của trường.
Quan trọng vẫn là năng lực phù hợp
Hiện nay có một số ngành học gắn với sự bùng nổ cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 như: AI (trí tuệ nhân tạo), dữ liệu lớn (Big data)… Theo ông Đỗ Ngọc Anh, Ban Tư vấn tuyển sinh (Trường Đại học Mở Hà Nội), thí sinh cần hiểu rằng đây là cơ hội, cũng là thách thức bởi không phải thí sinh nào cũng phù hợp và có thể theo học. Thí sinh nên lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân và gia đình.
Quan trọng nhất là phải phù hợp với lực học của thí sinh. Với lực học trung bình, trung bình khá dù có trúng tuyển cũng khó có thể theo học những ngành kỹ thuật công nghệ cao liên quan đến trí tuệ nhân tạo hay dữ liệu lớn.
Theo TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng ĐH Việt Đức, trước khi đặt bút nguyện vọng, thí sinh cần trả lời các câu hỏi như: Nếu học ngành này, yêu cầu đầu vào, đầu ra là gì? Năng lực của người học sau khi tốt nghiệp ra sao. Nơi đến làm việc là những đâu… Đây là những thông tin đã được nhà trường công khai. Nếu chương trình đào tạo nào không có thông tin công khai có thể coi là không đạt chuẩn và không nên lựa chọn.
Theo một số chuyên gia tuyển sinh thì nhìn vào phương thức tuyển sinh năm 2021 và đối tượng được các trường nhắm đến khi mở rộng phương thức xét tuyển cho thấy thí sinh phải bảo đảm ngưỡng điểm học tập cao nhất định. Nên việc cân nhắc kỹ các yếu tố liên quan là rấ cần thiết với mỗi thí sinh, đặc biệt trong xu thế hội nhập với nền tảng lấy nguồn nhân lực chất lượng cao làm bệ phóng phát triển kinh tế.