Tự chủ đại học không có nghĩa Nhà nước ngừng đầu tư

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội thảo “Tự chủ đại học - Cơ hội và thách thức”, do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam phối hợp với Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức tại Hà Nội, ngày 30/9.

Không chỉ là tự chủ về tài chính

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ý nghĩa và sự cần thiết của tự chủ đại học. Phó Thủ tướng cho biết, trong đổi mới giáo dục đại học, xu thế chung là trao quyền tự chủ cho các trường đại học để sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực, phản ứng tốt trước các tác động của thị trường luôn thay đổi và những yêu cầu mới của xã hội.

“Chúng ta cần nhận thức đúng bản chất của tự chủ đại học. Thậm chí, còn có ý kiến còn thiên về góc độ tài chính hoặc cho rằng, trường nào được trao cơ chế tự chủ đại học thì sẽ không được Nhà nước hỗ trợ đầu tư. Điều này là không đúng”, Phó Thủ tướng phân tích.

ĐH Kinh tế Quốc dân là một trong những trường thí điểm tự chủ. Ảnh: HV

Phó Thủ tướng dẫn chứng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đang chuẩn bị được cho vay vốn 50 triệu USD để đầu tư phát triển. ĐH Bách Khoa đang trình tự chủ đại học cũng được vay khoản vốn tương tự; ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội vẫn được tiếp tục hỗ trợ một phần kinh phí.

“Các trường hãy bỏ trong đầu nỗi sợ nếu tiến hành tự chủ thì không còn vốn ngân sách nữa. Tôi khẳng định, tự chủ đại học không có nghĩa là nhà nước không đầu tư mà chỉ là thay đổi cách đầu tư để đạt hiệu quả cao hơn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Khẳng định sự cần thiết phải thực hiện tự chủ đại học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt lưu ý: Trường đại học là môi trường cần sự khai phóng, sáng tạo, có mặt bằng trình độ, hiểu biết cao. Tự chủ đại học thường được thể hiện ở 3 khía cạnh chính bao gồm: Tự chủ về chuyên môn; bộ máy tổ chức nhân sự; thu chi tài chính. Tại Việt Nam đã áp dụng thí điểm và trao quyền tự chủ đại học cho 14 trường đại học, cao đẳng và học viện.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Tự chủ đại học không có nghĩa chỉ là tự chủ về tài chính. Quyền tự chủ của trường đại học càng lớn thì đi kèm trách nhiệm xã hội càng cao. Trách nhiệm không chỉ trong chất lượng đào tạo mà còn với cả sinh viên, người sử dụng lao động, với công chúng, với Nhà nước. Quyền tự chủ của nhà trường sẽ được trao cho một “Hội đồng trường” chứ không chỉ là của riêng một cá nhân nào khác.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, cần phải từng bước tiến tới xóa bỏ cơ chế “Bộ chủ quản” để đảm bảo cho Hội đồng trường hoạt động hiệu quả. Khi trao cơ chế tự chủ cho trường đại học hoàn toàn không đồng nhất với cơ chế phân quyền trách nhiệm giám sát trường đại học từ trung ương cho các tỉnh, thành phố và địa phương.

Cần phát huy năng lực tối đa hội đồng trường

Tại hội thảo, đa số ý kiến cho rằng, để trao quyền tự chủ cho các trường đại học cần có sự thống nhất quan điểm: Trao quyền tự chủ cho các trường không đồng nghĩa với việc các trường đều được hưởng mức tự chủ như nhau. Những trường được tự chủ tối đa là trường nghiên cứu còn các trường theo định hướng nghề nghiệp - ứng dụng vẫn cần có sự giám sát của nhà nước, đặc biệt là về mặt học thuật. Trong đó, vị trí của Hội đồng trường đóng vai trò rất quan trọng.

Theo PGS.TS Trần Quốc Toản, Hội đồng lý luận Trung ương, vấn đề quan trọng đặt ra là cần phải phân định và chế định phù hợp vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm giữa hội đồng trường và Hiệu trưởng - Ban giám hiệu trong những điều kiện cụ thể, trình độ phát triển cụ thể, loại trường cụ thể; tránh để xảy ra những mâu thuẫn và “xung đột” giữa Hội đồng trường và Ban Giám hiệu. Một trong những giải pháp mà các nước thực hiện là trao cho Hội đồng trường quyền tuyển chọn hay bãi miễn hiệu trưởng của trường. Nhưng ở Việt Nam, hiện Hội đồng trường không có quyền hạn gì trong việc bổ nhiệm hay miễn nhiệm Hiệu trưởng đại học.

Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga cho biết, trong quá trình xây dựng Luật giáo dục đại học, Bộ luôn xem tự chủ là thuộc tính của các trường đại học. Nghị quyết 77 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014- 2017 đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc, khuyến khích các trường thực hiện quyền tự chủ.

“Nếu Hội đồng trường không làm đúng vai trò chức năng thì không thể thực hiện tự chủ đúng nghĩa, không phát huy được sức mạnh tập thể và dân chủ. Sắp tới, sau khi ban hành điều lệ trường ĐH sẽ quy định rõ hơn về chức năng, quyền hạn của Hội đồng trường”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết.

Lê Vân
Công bố quyết định thanh tra tại Đại học Quốc gia Hà Nội
Công bố quyết định thanh tra tại Đại học Quốc gia Hà Nội

Ngày 29/9, Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố quyết định thanh tra trách nhiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội trong việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm về bộ máy, quản lý tài chính và thực hiện các dự án giai đoạn 2013-2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN