Có lẽ người Australia, từ trẻ đến già, đều coi đọc là sự sống. Khẩu hiệu trong các trường học ở Australia: “Người ham đọc sẽ học giỏi hơn”. Khẩu hiệu ngoài đời: “Bố mẹ đọc sách cho con nghe, con học giỏi hơn”.
Ảnh minh họa. Nguồn: Guardian. |
Trong các trường học, người ta khuyến khích đọc sách bằng mọi cách. Đọc được 5 quyển sách sẽ nhận được một giấy khen của thầy, cô giáo chủ nhiệm. Nhận được 5 giấy khen của thầy, cô sẽ được một giấy khen cấp trường. Có được 5 giấy khen cấp trường sẽ được một phần thưởng, là sách, và được trường vinh danh.
Bài tập về nhà của học sinh tiểu học ở Australia chủ yếu là đọc. Mỗi ngày đọc một quyển sách dày mỏng tùy thích và đến lớp kể lại. Chính vì vậy, các thư viện công cộng hay thư viện trường ở Australia thường rất phong phú nguồn tài liệu và thu hút rất đông người đọc.
Có thể nói văn hóa đọc ngày nay phong phú như chính cuộc sống và cũng phần nào phản ánh cuộc sống. Khi nhu cầu của cuộc sống liên tục thay đổi, những người yêu sách tìm đến giá trị tinh thần này để được một phút nghỉ ngơi, thoát khỏi những ràng buộc về không gian, thời gian, những điều kiện cụ thể để bước vào một thế giới khác. Thế nên mới có văn để tải đạo, cũng có văn để đọc chơi. Tại Australia, người ta yêu cả hai thứ đó.
Có những hội chợ sách được tổ chức trong các trường đại học ở Australia thu hút hàng nghìn khách tham quan. Đầu sách rất đa dạng, từ khoa học, lịch sử, địa lý, văn hóa, tôn giáo tới âm nhạc, hội họa, sở thích, phục vụ nhu cầu của độc giả mọi lứa tuổi.
Nhiều cuốn sách không còn tái xuất bản, trở thành tài liệu cổ cũng góp mặt trong các hội chợ sách. Giá mỗi đầu sách không đắt, nhưng bao giờ số tiền thu được từ hội chợ cũng lên tới hàng chục nghìn, thậm chí cả triệu AUD. Số tiền này thường được dành để xây dựng trường hoặc làm từ thiện.
Ở chợ đồ cũ người ta cũng bán sách. Người bán ngồi đọc sách, không cần chào mời. Người mua chưa mua mà ngồi đọc sách cả buổi, cũng chẳng sao. Thành thử có nhiều người cứ chờ ngày chợ đồ cũ mở cửa là đến đọc sách và trò chuyện, với họ, vậy là cũng được một ngày ý nghĩa.
Người Australia bảo đọc là học cách sống. Ngành giáo dục Australia khuyến khích nhà nhà đọc sách, người người đọc sách vì đây là cách giáo dục dễ dàng nhất, kinh tế nhất, lại tinh tế và vô cùng hiệu quả.
Với trẻ em, Australia khuyến khích đọc sách in chứ không phải sách điện tử, máy tính bảng, vi tính hay TV vì trẻ em cần có sự giao tiếp trong khi đọc hơn là ngồi trầm ngâm đọc hay xem một mình.
Đọc, xét cho cùng là một công việc gian nan để mỗi người có thể trang bị cho mình một tri thức nền cần thiết. Tại Australia, văn hóa đọc được hình thành ngay từ nhà trường, gia đình, vì chỉ khi người đọc xem việc đọc như một niềm say mê tự thân thì mới ham đọc và hiểu hết những giá trị tri thức nằm trong sách vở, như tiểu thuyết gia lừng danh của Pháp Gustave Flaubert từng nói: Đọc: Đọc để mà sống.
Đỗ Vân (Pv TTXVN tại Australia)