Tri ân và lan toả những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô

Chiều 15/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường năm 2022". Những câu chuyện xúc động về tình thầy trò một lần nữa được lan toả, tôn vinh, tri ân tới hàng triệu giáo viên.

Nỗ lực của trò là động lực của giáo viên  

Cô Trương Thị Thủy, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình) -  một trong hàng nghìn giáo viên tham gia cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu năm 2022”, với tác phẩm “Phía sau cửa lớp” đã chạm đến tình cảm thiêng liêng của tình thầy trò. Tác phẩm của cô Thuỷ đã giành giải Nhì của cuộc thi. 

Chú thích ảnh
Cô Thuỷ và học trò Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Thái Bình). Ảnh: NVCC.

Cô Trương Thị Thuỷ cho biết: “Khi đọc thông tin về cuộc thi này, tôi nhớ ngay đến hình ảnh em Nguyễn Quang Minh - học sinh khuyết tật do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam từ đời ông bà. Ông của Minh bị nhiễm chất động màu da cam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ. Minh ở với bà nội, mẹ bỏ đi, bố vào miền Nam kiếm sống. Minh mang trong mình nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần, nhưng em rất ham học. Thấu hiểu hoàn cảnh của em, tôi đã cùng với các bạn trong lớp giúp Minh học tập".  

Cô Thuỷ nhớ lại: “Minh chỉ tính được các phép tính cộng trừ đơn giản, phép cộng đầu tiên Minh làm được hai cô trò loay hoay bao nhiêu ngày. Khi Minh tự tính được, tôi cảm thấy được bao nhiêu cố gắng của hai cô trò đã được đền đáp". Phép cộng, trừ đã là thử thách, nhưng phép chia còn khó khăn hơn. Những lúc như vậy, cô Thuỷ luôn động viên để Minh làm được và có thể nhớ được kiến thức. Từ những nét chữ chưa trọn vẹn, những phép tính chưa đúng, nhưng ngày lại ngày, cô Thuỷ cùng với Minh vượt qua những khó khăn ấy để có được kết quả.

Cô Thuỷ cho biết: “Cảm giác chạm lấy bàn tay bé nhỏ của Minh, nắm thật chặt lấy bàn tay ấy, bước những bước đi đầu tiên trên con đường học tập của Minh là niềm hạnh phúc của người giáo viên như tôi”.  

Cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” được tổ chức từ năm 2011. Năm 2022, có hơn 60.000 tác phẩm gửi dự thi. Trong số này, Ban giám khảo đã chọn ra 14 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Ngoài ra, 2 đơn vị có số lượng bài dự thi lớn, đạt chất lượng tốt được trao giải Tập thể và 2 giải thưởng phụ được trao cho tác giả nhỏ tuổi dự thi.

Tự hào khi mẹ là giáo viên  

Hình ảnh về người mẹ làm giáo viên trong tác phẩm "Những chuyến đi của mẹ" của em Nguyễn Thị Hồng Dương, học sinh lớp 11 Hoá, Trường THPT chuyên Sơn La (tỉnh Sơn La) thật sự khiến người đọc xúc động. Tác phẩm đã giành giải khuyến khích của cuộc thi. 

Hồng Dương kể: “Trường mẹ chỉ cách thành phố Sơn La 17 km, nhưng địa bàn tuyển sinh lại là 12 xã vùng sâu, vùng xa của huyện Mai Sơn. Có những bản cách trường khoảng 80 km, nhưng chưa bản nào, xã nào, mà mẹ em chưa đặt chân đến. Qua những chuyến đi của mẹ, em càng hiểu thêm về những khó khăn của nghề giáo mỗi khi đến từng gia đình để vận động học sinh tới trường hay đi vận động các nhà trường, đoàn thể hỗ trợ, tổ chức gây quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn”.    

Chú thích ảnh
Trao giải thưởng phụ dành cho tác giả nhỏ tuổi có tác phẩm đoạt giải. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN.

Cũng để học trò không quên chữ, mẹ của Hồng Dương và các đồng nghiệp phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ, đến tận nhà để gửi đề cương, hướng dẫn, giúp các bạn học sinh ôn bài khi đường truyền không thể đáp ứng được việc học trực tuyến.  

Hồng Dương bộc bạch, lúc còn nhỏ em hay giận dỗi vì những dịp quan trọng như khai giảng, biểu diễn của trường đề thiếu vắng mẹ. Nhưng dần chứng kiến những việc làm của mẹ, những giờ dạy của mẹ với học sinh vùng khó, Hồng Dương tự hào khi có mẹ làm giáo viên. Hồng Dương biết đến cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường năm 2022" do Đoàn trường phát động và tham gia với tác phẩm “Những chuyến đi của mẹ”.  

“Không phải là học sinh giỏi văn, cũng là lần đầu tiên tham gia, nên em chỉ muốn bày tỏ sự biết ơn và tình yêu của mình với mẹ. Em nghĩ đây là một cuộc thi rất ý nghĩa, vì đã góp phần phát hiện, ghi nhận, tôn vinh và nhân rộng các tấm gương thầy giáo, cô giáo thầm lặng, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người”, Hồng Dương chia sẻ.  

Và cũng từ bao giờ, Hồng Dương nuôi ước mơ thi vào trường đại học sư phạm và trở thành giáo viên như mẹ.

Có thể thấy, hình ảnh thầy cô giáo được nhìn từ các góc độ khác nhau, nhưng đều thể hiện những hình ảnh đẹp, độc đáo về nghề giáo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, mỗi tác phẩm dù được giải hay không được giải đều là sự tri ân và những kỷ niệm đáng trân trọng về thầy cô và mái trường của mình. Đó cũng là những sẻ chia để các thầy cô giáo vững tâm với sự nghiệp “trồng người”. 

Ban tổ chức đã trao 1 giải nhất cho tác giả Nguyễn Thị Liên (Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Quảng Trị), với tác phẩm: Ngày … tháng… năm của thầy và tôi; 2 giải nhì cho các tác giả: Trương Thị Thủy (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong - TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), với tác phẩm “Phía sau cửa lớp" và Võ Thị Dương (Giáo viên Trường THCS Lộc Nga - TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), với tác phẩm “Cậu học trò và tôi"; 3 giải ba cho các tác giả: Đinh Thị Hảo (Giáo viên Trường THCS Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), với tác phẩm “Em…”, Hà Thị Hoa (Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Thạnh Phú - huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An), với tác phẩm “Cô mãi luôn bên em!”, Nguyễn Văn Tý (Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Hướng Việt - huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), với tác phẩm “Dưới chân đèo Sa Mù". 

8 giải khuyến khích cho các tác giả: Trần Thị Bạch Yến (Giáo viên Trường Tiểu học xã Nhân Thịnh - huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) với tác phẩm “Cô tôi", Doãn Ngọc Anh (Đội Cảnh sát Giao thông số 2 - CATP Hà Nội), với tác phẩm “Những người thầy trong cuộc đời tôi", Lê Thị Vân (Đài PTTH Thanh Hóa - Đại lộ Hùng Vương, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), với tác phẩm “Trái tim người thầy", Nguyễn Thị Quỳnh Hưng (Giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Mường Hoong - huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum), với tác phẩm "Mường Hoong, những ngày mưa", Nguyễn Thị Hồng Dương (Học sinh lớp 11 Hoá, Trường THPT Chuyên Sơn La - TP Sơn La, tỉnh Sơn La), với tác phẩm “Những chuyến đi của mẹ", Nguyễn Thị Hải (Giáo viên Trường Tiểu học Hướng Phùng - huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), với tác phẩm “Viết về em - cô học trò mang họ Hồ, Phạm Thị Hoa (Giáo viên Trường THCS Trường Chinh - thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), với tác phẩm “Tình bạn đẹp", Nguyễn Thị Trang (Sinh viên K25, Khoa Luật kinh tế, Học viện Ngân hàng - quận Đống Đa, Hà Nội), với tác phẩm “Người mẹ đỡ đầu của em". 

Lê Vân/Báo Tin tức
Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Đại học Kinh tế Quốc dân
Chủ tịch nước dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Đại học Kinh tế Quốc dân

Chiều 14/11, phát biểu trong Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị trường cần có những giải pháp đột phá, nỗ lực vượt bậc để đổi mới phương thức dạy và học, xứng đáng là trường trọng điểm quốc gia về kinh tế, quản trị kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN