Tìm liệu pháp “chữa bệnh” tiền trường

Năm học 2011 – 2012, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) đã ban hành văn bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong trường học, nhưng, “căn bệnh tiền trường” vẫn ngày càng nhức nhối.


Miễn cưỡng với các khoản “tự nguyện”

Danh sách các khoản tiền phải nộp được chuyển đến tay phụ huynh học sinh sau buổi họp đầu năm ở nhiều trường phổ thông tại Hà Nội được đánh máy sạch sẽ. Các bậc cha mẹ chỉ còn một “nhiệm vụ” là “tự nguyện” ký vào. Một số phụ huynh ngỡ ngàng trước khoản thu… “khủng” so với thu nhập vốn eo hẹp của mình.

Trăm khoản bấu vào phụ huynh

Một phụ huynh (xin được giấu tên) có con học khối 3 tại trường Tiểu học Trung Tự Hà Nội cho biết về những khoản thu đầu năm mà con chị phải đóng. Cụ thể, quỹ phụ huynh học sinh học kỳ I: 300.000 đồng/học sinh; Cơ sở vật chất và văn phòng phẩm bao gồm: 7 vở và bìa, bìa kê tay, sổ liên lạc, hai vở chính tả kèm theo bìa, bìa kẹp bài kiểm tra, bộ Mic - phone và loa cho giáo viên, lăn sơn tường, vệ sinh lớp đầu năm, gia cố tủ gỗ, bổ sung dụng cụ vệ sinh, đồ dùng lớp học (cốc nhựa, chổi, giấy vệ sinh, đồng hồ), tủ nhựa Inox Hòa Phát…

Phụ huynh nộp các khoản tiền trong buổi đi họp phụ huynh đầu năm.


Trong mục này, chỉ riêng làm sơn tường và vệ sinh lớp đầu năm đã là 200.000 đồng/học sinh. Phụ huynh này bức xúc: “Thực ra tôi biết những khoản như khoản bổ sung dụng cụ vệ sinh hoàn toàn không được phép thu của phụ huynh bởi đây đã là quy định của Sở GD – ĐT Hà Nội. Con tôi học từ lớp 1 đến lớp 3 đều phải đóng góp khoản sơn tường, sửa sang lớp học. Chẳng lẽ năm nào tường cũng sơn lại sao?”.

Phụ huynh này cũng cung cấp thêm, trong năm học lớp 2 con chị cũng phải đóng tiền vệ sinh trường: 45.000 đồng/học sinh/năm học, tiền vệ sinh lớp: 45.000 đồng/học sinh/năm, tiền sửa chìa khóa tủ: 70.000 đồng/học sinh. Riêng trung thu năm học này, cả lớp đã thu hơn 2 triệu đồng để tổ chức. “Theo dõi các khoản phải đóng từ năm học này sang năm học khác, tôi thấy không hợp lý. Điều đáng buồn là nhiều phụ huynh không đồng tình như tôi nhưng cũng không dám nói gì cả. Đành tiếp tay với những khoản “tự nguyện” mà không phải tự nguyện như trên”.

Một phụ huynh khác cũng có con học ở khối lớp 2 ở trường Tiểu học Trung Tự lại chia sẻ rằng: “Trong buổi họp phụ huynh, giáo viên nêu về việc học tiếng Anh và khẳng định là không bắt buộc. Tuy nhiên cô lại nói: “Ai không cho con học thì lên ghi tên?”. Vậy là không ai dám lên cả. Đành ậm ừ nộp mức phí cho con học tiếng Anh mà không rõ nguồn gốc chương trình ở đâu với mức phí mỗi tháng là 130.000 đồng”.

Trao đổi về những vấn đề phụ huynh phản ánh, đại diện trường tiểu học Trung Tự luôn khẳng định sẽ chấn chỉnh lại tình hình này tại trường và không bình luận gì thêm.

Những khoản thu khác của học sinh cấp THCS, THPT cũng không thua kém. Trong danh sách đóng tiền tự nguyện của học sinh trường THCS Nguyễn Du mà một phụ huynh có con học tại đây cung cấp có những khoản như: Quần thể dục: 110.000 đồng/học sinh, học vi tính: 160.000 đồng/học sinh, nước uống: 72.000 đồng/học sinh, quỹ trường: 100.000 đồng học sinh, liên lạc điện tử qua tin nhắn: 225.000 đồng/học sinh, tiền quản lý học sinh: 160.000 đồng/tháng, tiền học kỹ năng sống: 100.000 đồng/tháng, quỹ lớp: 600.000 đồng/tháng. Trong những khoản này có một số khoản như kỹ năng sống theo quy định của Bộ GD – ĐT đã được lồng ghép trong chương trình học; tiền qũy lớp không ghi rõ dùng cho các hoạt động nào và quá cao, tiền liên lạc điện tử thu cao dù có phụ huynh không muốn tham gia chương trình “nhắn tin” này.

Một số phụ huynh dù không nhận được lời giải thích thỏa đáng đều ký vào đơn “tự nguyện” đã được soạn sẵn.

Khó có chuyện tự nguyện với hướng dẫn “mở”

Giải thích về điều này, lãnh đạo nhiều trường đều khẳng định đó là do phụ huynh đồng ý với trường rồi thì mới ký vào đơn. Tuy nhiên, tình trạng phụ huynh kêu ca về tiền trường chưa năm nào bùng phát như năm nay. Trong khi đó, các địa phương ráo riết ban hành những hướng dẫn, văn bản nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm thu.

Trong Luật Giáo dục ghi rõ: Ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác. Nhưng theo hướng dẫn thu chi của Bộ GD – ĐT, các trường được huy động nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh để cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, sân, cổng trường, tường bao, nhà để xe… hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy - học. Điều này vô hình đã tạo khoảng “mở” cho tình trạng lạm thu tại các trường hiện nay.

Trao đổi về vấn đề này, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: “Những văn bản đề nghị đóng tiền để mua thêm quạt, bóng điện, điều hòa… được đánh máy, in sẵn, phụ huynh đành ký tên dưới danh nghĩa người kiến nghị. Như vậy là áp đặt, tìm cách lách luật chứ không phải trên cơ sở sự tự nguyện của cha mẹ học sinh”. Ông Đào Trọng Thi đưa ra quan điểm: Trong hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh của một số trường có tình trạng một số phụ huynh đề xuất thu chi không phù hợp với ý nguyện những gia đình khó khăn khác. Trong khi đó, việc bầu ban phụ huynh nhiều khi căn cứ theo sự giới thiệu của nhà trường, thầy cô chủ nhiệm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN