Thi tốt nghiệp THPT: Đề văn vừa sức

 10 giờ sáng hôm nay (2/6), thí sinh hoàn thành môn thi đầu tiên, môn văn, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. Theo ghi nhận tại một số điểm thi trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, và một số địa phương khác, thí sinh kết thúc buổi thi với tâm trạng khá thoải mái bởi đề thi văn năm nay dễ thở, thậm chí mức độ đề còn dễ hơn so với năm ngoái. Đặc biệt, nhiều thí sinh rất hào hứng với câu 2 khi bàn về "thói dối trá"...

 

Thí sinh phóng bút với đề văn về 'thói dối trá'

 

Thí sinh rạng rỡ sau môn thi Văn tại Hội đồng thi THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội.

 

Bên ngoài Hội đồng thi tốt nghiệp THPT 2012 Trường THPT Nguyễn Trãi (Ba Đình, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Anh (Khu tập thể Thành Công, Hà Nội) cho hay, con gái chị, thí sinh Hoàng Trang Nhung, tỏ ra khá thoải mái khi bước vào kỳ thi, mặc dù lực học của cháu chỉ ở mức bình thường. Theo chị Anh, hầu hết học sinh có học lực trung bình trở lên sẽ dễ dàng vượt qua được kỳ thi này.

 

Hầu hết thí sinh sau buổi thi sáng nay đều tỏ ra khá tự tin về khả năng làm bài của mình. Thí sinh Nguyễn Thùy Ngân (học sinh Trường THPT Thực nghiệm) chia sẻ: “Em làm được hết bài. Tuy nhiên, “kiếm” điểm tuyệt đối ở môn Ngữ văn rất khó. Em đoán mình được khoảng 6-7 điểm”. Theo Ngân, câu hỏi hay và khó nhất trong đề thi Ngữ văn là câu 1, hình tượng kết thúc trong tác phẩm Số phận con người của nhà văn M.Sô-lô-khốp. “Hình tượng hai con người côi cút, hai hạt cát để học sinh tư duy rất hay. Đây cũng là câu khó nhất trong đề. Tuy nhiên, nếu tư duy tốt thì làm bài cũng không khó”, Ngân nói.

 

Cùng quan điểm cho rằng câu 1 là câu khó nhất trong đề, thí sinh Hoàng Tuấn Minh (điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi) chia sẻ: “Ngoại trừ câu 1, đề thi khá vừa tầm với thí sinh. Hỏi ra thì bạn nào cũng có một vài chỗ sai ở câu này, có bạn thì viết sai tên nhân vật. Tuy vậy, nhìn chung đề thi không quá khó, không đánh đố học sinh”.

 

Câu 2 yêu cầu thí sinh trình bày suy nghĩ về ý kiến: “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội” khiếnnhiều thí sinh khá hào hứng và tha hồ phóng bút.

 

Theo thông tin từ Sở GD – ĐT Hà Nội, sáng 2/6, Hà Nội có 70.910 thí sinh THPT đến dự thi, đạt trên 99,7%, con số này ở hệ Giáo dục thường xuyên là 4.002 và gần 98,7%. Có một thí sinh thuộc Trung tâm GDTX huyện Hoài Đức đến muộn quá 15 phút sau khi phát đề nên không được vào thi. Ngoài ra, có 3 thí sinh bị tai nạn giao thông, 74 em bị ốm không thể đến dự thi.

 

Em Võ Thị Ánh Phương, THPT Lê Thị Hồng Gấm, Tp HCM với gương mặt lạc quan sau khi rời khỏi phòng thi môn đầu tiên cho biết, đã làm hết 3 câu với thời gian vừa đủ. Theo em, đề thi không quá dài và tự tin với kết quả đạt từ 70 - 80% trên tổng số điểm. Em Lê Phương Đông, trường Giáo dục thường xuyên Quận 3, cũng tự tin với phần làm bài của mình vì đã nằm trong nội dung ôn tập. Thí sinh Trịnh Hoàng Ly - Lớp 12 A10 trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên cũng cho biết: "Em làm được 90% bài thi, đề thi không khó, chỉ cần nắm vững những kiến thức đã được học ở trường là sẽ làm được".

 

Cô Nguyễn Như Hương – Tổ trưởng tổ văn trường THPT Phạm Hồng Thái (Hà Nội) cho biết: đề Văn năm nay khá hay, không đánh đố học sinh nhưng vẫn có sự phân hóa tốt. Trong câu hỏi đầu tiên, đa số thí sinh sẽ đạt điểm 1 – 1,5 nhưng nếu muốn đạt trọn vẹn số điểm của câu hỏi thì không quá dễ dàng. Ở câu hỏi tự chọn, phần câu hỏi về hình tượng sông Đà trong “Người lái đò sông Đà” không phải là câu hỏi quá khó để phân tích nhưng đây lại là tác phẩm khó về dẫn chứng. Với tác phẩm văn xuôi có nhiều chi tiết khó như vậy, việc thí sinh nhớ hết các dẫn chứng đòi hỏi trình độ của thí sinh tốt.

 

Còn cô Triệu Thị Huệ, tổ trưởng môn Văn tại THPT chuyên Lê Hồng Phong, Tp HCM nhận định, đề thi Văn năm nay khá hay và quen thuộc với học sinh. Hầu hết các học sinh ra về trong tâm trạng phấn khởi, lạc quan. Đề thi vừa sức với học sinh có mức học trung bình trở lên, không đánh đố và nằm trong chương trình học và ôn tập của học sinh. 

 

Cô giáo Nông Thị Kiều - Trường THPT Đồng Hỷ, Thái Nguyên cho biết: "Cấu trúc của đề vẫn như mọi năm, nhìn chung đề thi năm nay phù hợp với năng lực của thí sinh. Riêng câu hỏi 1 yêu cầu thí sinh phải có kỹ năng tái hiện kiến thức, có cảm nhận chi tiết trong tác phẩm và cảm thụ văn học. Đối với những thí sinh có học lực trung bình và yếu thì đây sẽ là một câu hỏi khó".

 

Theo cô Lê Thị Thơ (Tổ trưởng tổ văn trường THPT Hàm Rồng, thành phố Thanh Hoá) nhận xét: Đề thi năm nay có tính chất mở, nhưng lại sát với chương trình, trong sách giáo khoa và phân loại được học sinh. Ngay ở câu 1 chỉ hỏi về một chi tiết trong tác phẩm "Số phận con người" nhưng buộc thí sinh phải hiểu toàn bộ tác phẩm. Ở câu 2 nghị luận nói về đạo đức trong xã hội đã góp phần giáo dục quan niệm sống nhân văn cho học sinh, đồng thời cảnh báo được lối sống suy thoái đạo đức trong xã hội. Đề thi văn đã đề cập trúng yêu cầu của thời đại, giúp học sinh có thể rút ra được bài học thiết thực cho chính mình. Đây cũng là vấn đề không xa lạ với học sinh nên các em dễ viết, dễ làm.

 

Ở câu 3b phân tích hình tượng sông Đà trong tác phẩm "Người lái đò sông Đà" của Nguyễn Tuân dễ kiếm điểm, nhưng khó được điểm cao bởi phân tích được bài hay các em học sinh phải chọn được những câu từ sắc sảo. Câu hỏi này đã chọn được những học sinh có năng lực viết văn.

 

Theo cô Lê Thị Thu Hiên, tổ trưởng tổ văn trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa thì đề thi năm nay vừa sức với học sinh, sát với giới hạn của Bộ Giáo dục và đào tạo. Các em học sinh không phải học thuộc nhiều, nhưng đòi hỏi các em phải đọc kỹ và hiểu tác phẩm, phần này thể hiện rất rõ trong câu I. Ở câu hỏi nghị luận câu II cũng rất gần với học sinh. Các em có học lực trung bình cũng có thể kiếm được điểm. Nhưng để có điểm cao, đòi hỏi các em học sinh phải học kỹ và có năng khiếu viết văn.

 

Theo Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT 2012, Bộ GD – ĐT, tính đến thời điểm này, đề thi đảm bảo bí mật tuyệt đối, không có sai sót. Tất cả các tin lộ đề thi chỉ là tin đồn vì quy trình ra đề, in sao và vận chuyển đề đã được thực hiện nhiều năm và được bảo mật chặt chẽ. Bac chỉ đạo khuyến cáo, các thí sinh không nên mất thời gian và công sức nghe theo những tin đồn vô căn cứ mà nên yên tâm chuẩn bị tâm lý thật tốt để hoàn thành những môn thi tiếp theo của kỳ thi tốt nghiệp.

 

Chiều nay, các thí sinh sẽ tiếp tục bước vào môn thi thứ hai - môn Hoá học.

Ghi nhận ban đầu, Thái Nguyên có 28 thí sinh vắng mặt không rõ nguyên nhân; thành phố Hà Nội có 74 thí sinh bỏ thi và 3 thí sinh bị tai nạn giao thông; Hà Tĩnh có 15 giám thị và 15 thí sinh vắng mặt.

Trường thi “hạ nhiệt” nhờ thời tiết mát mẻ

 

Trước ngày diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, đêm 1/6 ở cả 3 miền trong cả nước đều có mưa và dông. Cơn mưa là niềm vui, đem lại không khí mát mẻ, làm "hạ nhiệt" không khí ở nhiều trường thi, tạo thuận lợi cho các sĩ tử ở Hà Nội, TP HCM. Tuy nhiên ở các vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là miền núi phía Bắc thì mưa dông cũng mang lại sự nhọc nhằn cho các thầy cô và học trò.

 

Công tác an ninh ở các điểm thi năm nay được đảm bảo khá tốt. Ở nhiều nơi, việc giao quyền chủ động cho địa phương trong công tác thanh tra đã được thực hiện suôn sẻ. Tại Hòa Bình, việc đảm bảo đi lại ăn ở cho thí sinh được địa phương rất được quan tâm, huyện Lương Sơn còn tổ chức các đoàn xe đưa đón học sinh tại những vùng sâu xa, vùng có các dòng suối dữ để đảm bảo an toàn cho các em. Với thí sinh ở xa, đi lại khó khăn, huyện tổ chức chỗ ăn ở gần địa điểm thi để các em yên tâm ôn tập thi tốt.

 

Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huy Bằng cho biết: Sau khi kiểm tra tại một số điểm thi của huyện Lương Sơn (Hòa Bình), Bộ đã nhắc nhở địa phương cần chú ý hơn nữa tới công tác thanh tra, các vòng an ninh trong và ngoài điểm thi, không để xảy ra việc chồng chéo trách nhiệm giữa thanh tra và giám thị ngoài hành lang.

 

Sau đây là tổng hợp diễn biến thi buổi đầu tiên tại một số địa phương:

 

Thanh Hoá: Trong buổi thi đầu tiên ở Thanh Hoá trời mưa khá to. Do chuẩn bị tốt, thí sinh không phải thi theo cụm nên ít phải đi qua các sông, suối nên giảm tình trạng bỏ thi. Thanh Hoá có 47.217 thí sinh dự thi ở 101 hội đồng thi. Cơ bản các em đều làm được bài. Trong buổi thi đầu tiên có 102 thí sinh vắng thi, trong đó có em Dương Đình Dũng (học sinh trường Dương Đình Nghệ, huyện Thiệu Hoá) bị tai nạn giao thông trước kỳ thi.

 

Hà Giang: Cả đêm 1/6 và sáng 2/6 đều có mưa, nên việc đi lại của thầy và trò đều khó khăn do phải băng qua sông, suối. Tuy nhiên, các thí sinh ở xa đã đến điểm thi từ hôm trước để đảm bảo có mặt ở buổi thi đầu tiên. Với sự nỗ lực của tỉnh miền núi Hà Giang nên cuối buổi thi môn Ngữ văn không có trường hợp vi phạm qui chế thi, chỉ có 6 thí sinh vắng mặt, công tác an ninh được đảm bảo tốt.

 

Nam Định: Tại Hội đồng thi trường THPT Nguyễn Trãi (xã Trực Hưng, huyện Trực Ninh, Nam Định), thầy Lê Đình Thi - Chủ tịch Hội đồng thi cho biết: Hội đồng có tổng số 63 giám thị được phân công làm nhiệm vụ coi thi, song trong buổi thi đầu tiên – môn Văn sáng 2/6, có một giám thị bỏ coi thi chưa rõ lý do. Sự việc này không làm ảnh hưởng đến công tác thi do hội đồng thi đã có kế hoạch dự phòng từ trước và nhanh chóng bố trí giám thị thay thế, đảm bảo số giáo viên coi thi theo đúng quy chế.

 

Lào Cai: Sau những ngày mưa to liên tiếp, thời tiết ở Lào Cai sáng 2/6 khá mát mẻ, thuận lợi cho thí sinh làm bài thi. Để học sinh dự thi đông đủ, không có trường hợp đến chậm, muộn giờ thi, trước đó UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giáo dục Lào Cai và các địa phương phối hợp kiểm tra, tu sửa cầu đường, tổ chức cụm thi 2 trường để tránh phân tán, tạo thuận lợi đi lại cho các thí sinh vùng cao bằng cách cho các em về tập trung ăn ở gần trường trước đó 1 - 2 ngày.

 

Em Thào Thu Vân ở xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai cho biết, nhà em ở cách điểm thi khoảng 8km. Từ 2 hôm trước, em đã được nhà trường thông báo tập trung về trường, nên bố em đã nhờ các bác trong xã dùng xe mô tô đưa đến điểm trường để chuẩn bị cho kỳ thi. Sáng nay, em không phải đi từ sớm để tránh lũ như các anh chị đi thi các năm trước.

 

Tại xã Khánh Yên hạ, cách đây 5 ngày còn xảy ra trận lũ lớn cuốn trôi trâu và xe máy. Sau khi theo dõi thời tiết vẫn có mưa và giông nhiều nơi, bà con các thôn Sung Lảng, Độc Lập, thôn Bô 2 đã góp gạo, tiền để cho con em mình đến ăn ở tập trung từ trước ngày thi để tránh lũ. Ở thôn Liêm Phú, xã Liêm Phú có trên 20 em dự thi, nhà các em cách điểm thi đặt tại xã Khánh Yên hạ khoảng 5km, qua suối và nhiều đoạn đường trơn. Lường trước những khó khăn, xã đã hỗ trợ gia đình bố trí cho các em đến điểm thi trước 1 ngày.

 

Tại thành phố Lào Cai, sáng 1/6, trời mưa to, nước sông lớn nhưng không cản trở các em đến trường đúng giờ vì phương tiện giao thông, áo mưa đã được các em và cha mẹ chuẩn bị rất kỹ từ hôm trước.

 

Theo ông Lê Xuân Quốc, Trưởng phòng Khảo thí & Kiểm định Chất lượng Giáo dục, Sở GD&ĐT Lào Cai, mặc dù đã phải thành lập tới 25 Hội đồng thi, bình quân 2 trường 1 cụm thi do địa bàn Lào Cai rộng, mật độ dân cư thưa thớt, nhiều nơi không thể bố trí cụm thi tối thiểu 3 trường theo quy định, vì thế mô hình cụm thi 2 trường khá phổ biến ở các tỉnh rẻo cao.

 

Thông tin nhanh cho thấy, Lào Cai có 6.334 thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Trong buổi thi đầu tiên, công tác tổ chức thi tại tất cả các hội đồng coi thi ở Lào Cai đều diễn ra đúng kế hoạch, chưa xảy ra sự cố. Chỉ có 4 thí sinh thuộc khối GDTX tại Hội đồng coi thi THPT và GDTX số 1 Bảo Thắng vắng mặt vì lý do sức khoẻ.

 

Tin, ảnh: Lê Vân- TTN

Trường THPT Sơn Mỹ (Quảng Ngãi) thu tiền học sinh để bồi dưỡng giám thị?

Trong những ngày qua, một số phụ huynh học sinh khối 12, trường THPT Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi cho biết, trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, nhà trường gửi thông báo thu mỗi gia đình học sinh 70.000 đồng để bồi dưỡng cho giám thị và Hội đồng coi thi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN