Thi thử đại học nhiều lần có thể gây hoang mang

Thi thử đại học trong những năm gần đây được xem là phương pháp trang bị thêm cho thí sinh về kinh nghiệm, kỹ năng trước khi bước vào kỳ thi chính thức. Tuy nhiên, một số nhà quản lý giáo dục cho rằng, việc tham gia quá nhiều đợt thi và nếu gặp phải nơi tổ chức thi không tốt thì học sinh sẽ tự chuốc lấy sự hoang mang, và tạo áp lực cho chính mình.

 

Thi thử lên ngôi


Hiện nay, nhiều trường THPT trên cả nước tổ chức các kỳ thi thử đại học (ĐH) tại trường. Ở một số thành phố lớn như Hà Nội, thi thử còn được tổ chức quy mô bởi một số trung tâm luyện thi, trường THPT chuyên, thu hút hàng nghìn học sinh của không chỉ các trường trên địa bàn mà cả của các tỉnh lân cận. Kỳ thi được chuẩn bị công phu, từ việc ra đề sát với cấu trúc đề thi ĐH đến tổ chức phòng thi, xếp số báo danh, cán bộ coi thi, và công tác chấm thi chặt chẽ... như thi thật. Tất cả nhằm tạo ra một môi trường cho các thí sinh thử sức, đánh giá năng lực học tập trước ngày thi.


Tính từ đầu năm 2012 đến nay, số lượng học sinh đăng ký thi thử ĐH do Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức ngày càng tăng. Theo thông báo của trường thì “đề thi sẽ được ra bởi các thầy cô có nhiều kinh nghiệm giảng dạy trong Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội, theo đúng cấu trúc mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) đã ban hành”. Trường đã tổ chức 5 đợt thi và tới đây vẫn tiếp tục tổ chức thi vào những ngày cuối tuần. Chỉ sau khoảng 10 ngày học sinh có thể biết kết quả bài làm của mình.


 

Thi thử đại học nhiều lần gây tâm lý không tốt cho học sinh. Ảnh: CTV

 

Vũ Huy Hoàng, học sinh lớp 12A, THPT chuyên Thái Bình (tỉnh Thái Bình) vừa được bố mẹ “hộ tống” lên Hà Nội tham gia đợt thi do Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm tổ chức ngày 22, 23/4. Hoàng cho hay: “Mặc dù ở trường em học có tổ chức thi thử nhưng em cùng một số bạn bè đều muốn thử sức kỳ thi ở Hà Nội để lấy không khí. Em thấy đề thi khá sát với những đề thi đại học những năm trước. Các thầy cô coi thi khá nghiêm ngặt. Em cũng thấy khá nhiều học sinh các tỉnh đến thi”. Sau khoảng 10 ngày, Hoàng đã có kết quả thi đạt 26 điểm. Tuy nhiên, một số học sinh tại điểm thi này cho rằng, dù quảng cáo là đề thi “đúng cấu trúc mà Bộ GD - ĐT đã ban hành” nhưng tính chất, mức độ đề thi có tốt hay không thì khó mà đánh giá được.


Nguyễn Hồng Hải, THPT Thường Tín, Hà Nội cũng vừa trải qua đợt thi thử ĐH do một trung tâm trên đường Lê Thanh Nghị (gần ĐH Bách khoa Hà Nội) tổ chức. Hải tâm sự: “Dù biết thi để thử sức nhưng em khá thất vọng. Khác hẳn với những gì trung tâm quảng cáo, phòng thi khá chật hẹp, ngồi sát nhau, chúng em vẫn trao đổi bài được. Còn mức độ đề thi thì khó kiểm soát được là có gần với đề thi ĐH không. Em chỉ làm được 50% bài thi”.


Theo khảo sát, một số trường THPT trên địa bàn Hà Nội trước kia chỉ tổ chức thi thử trung bình 2 lần/năm, nay đã tăng lên 4 lần thi/năm với lý do giúp học sinh “cọ xát” nhiều hơn trước khi thi ĐH.

 

Sẽ bổ ích nếu tổ chức tốt


Là một trường nhiều năm tổ chức những đợt thi thử ĐH cho học sinh và đạt được kết quả như mong muốn, thầy Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: “Ở cấp trường, mục tiêu tổ chức thi thử rất rõ ràng là, ôn tập, luyện tập cho học sinh. Giống như một cuộc thi “tiền ĐH”, học sinh có thể thấy được thứ tự của mình trong bảng xếp hạng của trường... Thi thử cũng góp phần chuẩn bị về tâm lý cho thí sinh, trước khi bước vào kỳ thi thật nghiêm túc và đề thi khá khó”.


Thầy Văn Như Cương cho biết thêm: “Sau khi thi xong, bao giờ thầy cô cũng phân tích đề thi, nguyên nhân vì sao bài làm chưa được điểm, làm sai... với những em sức học còn yếu, nhà trường phối hợp với phụ huynh lên kế hoạch ôn tập, bồi dưỡng kiến thức, giúp các em củng cố ôn thêm lý thuyết hoặc tăng cường làm bài tập... Có như vậy, kỳ thi thử mới có tác dụng”.


Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng: Khi thi thử, học sinh cũng vẫn phải ôn tập tốt, tránh hiện tượng chưa học, chưa ôn tập đã “đòi” thi thử. Việc lựa chọn trung tâm tổ chức thi thử cũng rất quan trọng, bởi việc tổ chức thi thử ĐH không hề đơn giản, nhiều trung tâm lấy đề năm cũ để xào xáo lại, không hiệu quả.


Trả lời báo chí về hiện tượng thi thử, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD - ĐT cho rằng, thi thử ĐH là hình thức ôn luyện được nhiều trường áp dụng và cần có sự đồng tình của phụ huynh, học sinh. Thi thử có những lợi ích như: giúp học sinh rèn luyện tâm lý, giúp học sinh biết năng lực của mình cũng như giáo viên sẽ có phương pháp ôn tập phù hợp với học sinh. Nhưng, các trường không nên tổ chức thi thử quá nhiều vì sẽ gây áp lực cho học sinh, tốn kém thời gian, công sức và tiền bạc. Mặt khác, nếu các em thi thử nhiều lần mà vẫn đạt điểm thấp sẽ dẫn đến hoang mang, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý khi thi thật.

 

Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN