Thí sinh TP Hồ Chí Minh 'nhăn mặt' với đề thi môn Lịch sử

Kết thúc 150 phút môn thi tổ hợp Khoa học xã hội với môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân sáng nay 24/6, nhận định chung của thí sinh, đề thi môn Địa lý và Giáo dục công dân tương đối dễ còn thi môn Lịch sử thì lại khó.

Tại điểm thi trường THPT Phú Nhuận, hầu hết các thí sinh đều cảm thấy rất thích thú với phương thức thi trắc nghiệm của môn thi tổ hợp Khoa học xã hội và cho rằng đề thi các môn thi bám sát với chương trình học.

Thí sinh rất thích thú với cách làm bài trắc nghiệm ở môn thi tổ hợp Khoa học xã hội.

 Thí sinh Nguyễn Như Hoa Hồng, học sinh trường THPT Phú Nhuận, phấn khởi cho hay: "Hầu hết đề thi ba môn đều bám sát chương trình học và tương đối dễ. Ở môn Địa lý, nội dung tập trung bám sát về kinh tế vùng miền, có những câu hỏi chỉ cần nhìn vào Alat là đã có câu trả lời. Còn đối với đề thi môn Giáo dục công dân cũng bám sát chương trình học, đưa ra nhiều tình huống, bám sát thực tế, chỉ cần học lý thuyết là có thể làm tốt. Riêng môn Lịch sử như không chú trọng về thời gian mà chú trọng nội dung chính của bài. Em nghĩ mình có thể làm được  khoảng 80% ở cả ba môn thi trên".  

Chỉ riêng môn Lịch sử hơi khó còn môn Địa lý và môn Giáo dục công dân khá nhẹ nhàng.

"Đề thi môn Lịch sử có phần khá khó bởi học sinh phải đọc sách nhiều và nắm bắt từng chi tiết nhỏ trong sách giáo khoa,  đồng thời cũng phải hiểu câu hỏi là gì thì mới có thể trả lời được. Đề môn Lịch sử em làm được khoảng 50 - 60%. Còn riêng môn Giáo dục công dân và môn Địa lý rất dễ, những vấn đề tình huống đưa ra cũng rất cơ bản, chỉ cần học kỹ là có thể làm bài tốt. Tuy phải thi liền lúc 3 môn nhưng em không cảm thấy áp lực và mệt mỏi vì đề thi không quá khó và làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm nên không phải viết nhiều và lo lắng về thời gian", thí sinh Võ Hoàng Ngọc Hân cho cho hay.


Tương tự, thí sinh Nguyễn Minh Hùng cho biết: "Em thấy đề thi xã hội tương đối dễ, chỉ môn Lịch sử hơi khó cần phải đọc  sách giáo khoa kỹ và phải để ý những chi tiết rất nhỏ. Còn môn Địa lý và Giáo dục công dân với kiến thức bình thường có thể làm được. Em thấy thi theo hình thức trắc nghiệm dễ làm hơn tự luận vì chỉ cần hiểu biết có thể làm được".


Đánh giá về đề thi môn Giáo dục công dân, cô Nguyễn Thị Hồng, Tổ trưởng môn Giáo dục công dân trường THPT Hàn Thuyên (Phú Nhuận) cho rằng nhìn chung các câu hỏi trong đề thi đều nằm trong chương trình lớp 12, khá sát với nội dung ôn tập. "Đề tương đối không khó và không đánh đố thí sinh. Đề thi này có 60% câu hỏi đầu thuộc khả năng nhận biết, còn 40% câu hỏi sau dùng đề phân hóa thí sinh. Đối với thí sinh học bài và nắm bắt được những dấu hiệu thầy cô đã dạy ở trên lớp các em có khả năng đạt được 6 -7 điểm, thí sinh học khá hơn có thể đạt được 8 -9 điểm".


Với môn Lịch sử, cô Nguyễn Anh Đào, Tổ trưởng môn Lịch sử trường THPT Nguyễn Trung Trực (Gò Vấp) đánh giá: "Nội dung câu hỏi nằm trong chương trình sách giáo khoa, đề thi mang tính phân loại cao. Cấu trúc đề thi cũng gần giống với đề thi minh họa nhưng có phần khó hơn so với đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra trước đó. Đa số câu hỏi rõ ràng, dễ hiểu, tuy nhiên còn một số câu hỏi dùng từ vẫn chưa được rõ ràng nếu học sinh không đọc kỹ dễ hiểu sai câu hỏi, học sinh chú tâm vẫn có thể làm được. Phổ điểm thi môn lịch sử sẽ nằm ở mức 5- 6 điểm nhiều".

 

Đan Phương/Báo Tin Tức
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố toàn bộ đề thi tổ hợp Khoa học xã hội
Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố toàn bộ đề thi tổ hợp Khoa học xã hội

Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2017 công bố chính thức đề thi bài thi các môn Khoa học học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), sáng 24/6

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN