Thí sinh phấn khởi trong ngày thi đầu tiên

Ngày 11/6, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gần 160.000 thí sinh đã tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2015- 2016. Kết thúc ngày thi thứ nhất, nhiều thí sinh phấn khởi vì làm bài tốt. Trong khi đó, các chuyên gia đánh giá đề thi năm nay có tính phân loại tốt.

Đề văn được thí sinh ưa thích

Tại Hà Nội, buổi sáng, thí sinh làm bài thi môn ngữ văn và buổi chiều là môn toán. Tại điểm thi trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam (Hà Nội), nhiều thí sinh có tâm trạng phấn khởi. Em Hoàng Kim Anh, học sinh trường THCS Cầu Giấy cho biết: “Đề thi không quá khó với em, nội dung nằm hoàn toàn trong sách giáo khoa và em đã được các thầy cô ôn luyện. Không khí làm bài của các bạn xung quanh em nghĩ cũng khá tốt. Em làm bài vừa đủ thời gian, dự đoán mình sẽ được khoảng 7- 8 điểm. Với tỷ lệ chọi cao như năm nay em thì vẫn lo. Em sẽ cố gắng hơn với các môn thi sau”.

Thí sinh phấn khởi sau khi kết thúc môn thi ngữ văn tại TP.HCM.
Ảnh: Đan Phương


Nhiều thí sinh ra khỏi trường thi sau khi kết thúc môn toán cũng cảm thấy tự tin vì phần lớn đều là kiến thức cơ bản, bên cạnh hai câu phân loại thí sinh. Nhiều em dự đoán mình có thể đạt điểm 8 - 9.

Tại TP Hồ Chí Minh, qua ghi nhận tại một số hội đồng thi hầu hết thí sinh đều tỏ ra hứng thú với đề thi văn năm nay. Vừa bước ra khỏi hội đồng thi trường THPT Trưng Vương (quận 1, TP Hồ Chí Minh), thí sinh Minh Long học sinh THCS Đăng Khoa phấn khởi nói: “Chưa hết thời gian làm bài em đã làm xong hết cả ba câu. Trong đề thi, câu 1 kể về câu chuyện cả gia đình cùng xem SEA Games và cùng hát Quốc ca với đội tuyển U23 Việt Nam trước trận đấu bóng đá. Câu này em thấy hay vì đã khơi dậy trong em lòng tự hào, tình yêu Tổ quốc thiêng liêng. Theo em, việc hát quốc ca cần phải nghiêm túc, không nên lơ là, vì qua đó mỗi người có thể thể hiện tình yêu với Tổ quốc mình”.

Cũng câu hỏi này, thí sinh Thiên Nga, trường THCS Văn Lang, dự thi tại hội đồng thi trường THCS Trần Văn Ơn, nhận xét: “Ở câu 2, nội dung là trình bày suy nghĩ về cách sống vô cảm ngay trong chính gia đình mình của một số bạn trẻ hiện nay rất hay, bởi vấn đề đặt ra nó khá gần gũi với lứa tuổi của chúng em”.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, để phục vụ tốt kỳ thi này, TP Hồ Chí Minh đã huy động gần 12.000 giáo viên, nhân viên, thanh tra lực, lực lượng bảo vệ, giữ gìn trật tự. Sự khác biệt lớn nhất so với các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm trước là số lượng thí sinh tăng đột biến, gần 10.000 thí sinh. Năm nay nội dung cấu trúc đề thi của 3 môn toán, văn, ngoại ngữ bám sát chương trình lớp 9, nhưng có sự phân hóa cao để đảm bảo cho 80% học sinh vào các trường công lập, còn lại sẽ vào trong các trường dân lập.

Tính phân hóa cao

Cô Lương Hằng Nga - giáo viên giỏi nhiều năm môn ngữ văn, hiện công tác tại trường Phổ thông Quốc tế Wellspring nhận xét: Đề thi của thành phố Hà Nội vừa sức, có khả năng khơi gợi hứng thú, tư duy sáng tạo cho học sinh thông qua việc tăng cường các câu hỏi mở. Cấu trúc đề đánh giá được ba mức độ trong phần đọc hiểu: Nhận biết, thông hiểu và vận dụng (vận dụng thấp và vận dụng cao). Cấu trúc này gần giống đề thi minh họa THPT quốc gia 2014 - 2015, khác ở phần đọc hiểu lấy ngữ liệu trong SGK và phần nghị luận yêu cầu viết ngắn (một đoạn văn) phù hợp thời gian 120 phút. Cụ thể, ở phần 1, ngữ liệu đọc hiểu là một đoạn thơ rất hay, hệ thống câu hỏi đọc hiểu kiểm tra toàn diện kiến thức và kĩ năng của học sinh một cách linh hoạt giữa ba phân môn: Tiếng Việt, tập làm văn và văn bản. Câu hỏi nghị luận văn học đòi hỏi năng lực cảm thụ, phân tích, bình giảng thơ.

Ở phần 2, câu hỏi không chỉ kiểm tra kiến thức ghi nhớ và thông hiểu văn bản mà còn kiểm tra năng lực giải quyết vấn đề của học sinh: Liên hệ giữa kiến thức trong chương trình với thực tế đời sống. Vấn đề nghị luận tuy không mới lạ - mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể - nhưng vẫn có tính thời sự nhất là trong thời đại hiện nay một bộ phận không nhỏ giới trẻ sống ích kỉ, thực dụng, bàng quan với cộng đồng, xã hội. Thông qua đó, đề thi đã giáo dục và bồi dưỡng ý thức, tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với tập thể. Với cấu trúc và nội dung như thế, đề thi có khả năng phân loại học sinh khá - giỏi.

Với đề thi ngữ văn tại TP Hồ Chí Minh, cô Lê Thị Phương Trinh, giáo viên môn ngữ văn Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhà Bè) cho rằng: “Đề văn rất hay, vừa sức thí sinh, cách ra đề có nhiều điểm mới so với những năm trước. Ở câu 1 là phần đọc hiểu và câu 2 nghị luận xã hội thí sinh cần có sự am hiểu vấn đề, kiến thức xã hội để bày tỏ quan điểm riêng của mình về vấn được nêu lên. Đây là những vấn đề gẫn gũi với các bạn trẻ. Ở câu 3 thí sinh không chỉ hiểu, cảm nhận nội dung của đoạn thơ mà phải có kiến thức văn học rộng để liên hệ, so sánh với đoạn thơ trong đề thi. Với đề thi này, để làm được bài tốt thí sinh phải nắm vững kiến thức đã học trong nhà trường, đặc biệt biết tư duy và vận dụng tốt kiến thức xã hội, kỹ năng sống để làm bài”.

Còn với đề thi Toán tại Hà Nội, thầy Hoàng Đức Đông, tổ phó tổ toán, trường THPT Anhxtanh chia sẻ: So với đề năm ngoái, đề năm nay khó hơn một chút. Nhìn chung đây là đề khá hay, phổ kiến thức rộng, câu hỏi không lắt léo nhưng đòi hỏi biến đổi nhiều và có độ phân hóa tốt. Học trung bình có thể được 5, học sinh khá có thể được 7 - 8. Học sinh giỏi và thật cẩn thận mới có thể đạt 9 - 10.

Hôm nay, buổi sáng thí sinh làm bài môn ngoại ngữ (Hà Nội) và toán (TP Hồ Chí Minh). Buổi chiều các thí sinh thi vào trường chuyên sẽ làm bài với các môn chuyên.
Lê Vân - Đan Phương
Cuộc đua quyết liệt tuyển sinh vào lớp 10
Cuộc đua quyết liệt tuyển sinh vào lớp 10

Còn 1 tuần nữa, hàng trăm nghìn học sinh THCS ở các thành phố: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng sẽ bước vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 bằng phương thức xét tuyển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN