Thí sinh bất ngờ trước khối thi mới

Những ngày qua, các trường ĐH, CĐ tiếp tục gửi phương án tuyển sinh riêng 2015 về Bộ GD - ĐT, trong đó, việc xuất hiện những khối thi mới, gây bất ngờ cho thí sinh vốn vẫn ôn luyện theo các khối thi truyền thống. Đại diện các trường cho rằng đây là một điểm có lợi cho thí sinh, nhưng bản thân các thí sinh và nhiều chuyên gia lại trăn trở rằng, nếu áp dụng ngay các phương án này cho năm 2015, có thể làm khó cho thí sinh và công tác tuyển sinh. 

Thêm môn sinh học làm điều kiện xét tuyển, bỏ môn hóa - vốn là môn thi truyền thống bấy lâu nay- trong xét tuyển, hay tổ chức nhiều tổ hợp môn thi… là điểm mới trong các đề án tuyển sinh 2015 của các trường ĐH, CĐ. Lãnh đạo các trường cho rằng, việc đưa ra điều kiện xét tuyển này sẽ giúp các trường tuyển chọn được những thí sinh có chất lượng.

Thêm tổ hợp môn thi mới

Tính đến chiều 23/10, Bộ GD - ĐT cho biết, đã có gần 340 trường ĐH, CĐ, học viện gửi phương án tuyển sinh 2015 về Bộ. Theo đó, có 185 trường ĐH, CĐ chỉ sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển; 143 trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo hai phương thức: Xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển dựa vào kết quả học tập của thí sinh ở bậc phổ thông. Trong những phương án này, đã xuất hiện nhiều môn thi mới, khác với môn thi truyền thống.

Việc xuất hiện những khối thi mới tạo điều kiện cho thí sinh có cơ hội chọn lựa.Ảnh: Quý Trung – TTXVN


Ông Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng đào tạo trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh: Thay vì thí sinh có 2 -3 cơ hội lựa chọn như mọi năm, thì năm nay thí sinh có 6 cơ hội chọn lựa vào các trường. Tuy nhiên, việc lựa chọn của thí sinh như vậy sẽ khiến cho các trường gặp rất nhiều khó khăn vì lượng thí sinh ảo sẽ tăng lên và các trường sẽ phải tính toán rất kỹ để có thể chọn được thí sinh có đủ năng lực và thực sự muốn học tại trường.

Kỳ thi tuyển sinh ĐH của trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội năm 2015 sẽ đưa thêm môn sinh vào xét tuyển. Cùng sự lựa chọn này còn có trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Cụ thể, ĐH Bách khoa Hà Nội bổ sung thêm điều kiện sơ loại và thêm 2 môn thi khác, trong đó đưa môn sinh học vào xét tuyển một số ngành học. Trước khi xét tuyển từ kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ sơ tuyển các thí sinh có tổng điểm trung bình các môn học thuộc 3 môn thi xét tuyển (của 6 học kỳ) từ 20 trở lên. Ở một số ngành, môn toán được chọn là môn chính (hệ số 2). Còn ĐH Thương mại Hà Nội không còn sử dụng môn hóa để xét tuyển, thay vào đó, sẽ là các môn: Toán - lý - Anh, toán - văn - Anh.

Trong kỳ thi tuyển sinh năm nay, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh sẽ lấy kết quả kỳ thi quốc gia 2015 và kết quả học tập theo học bạ THPT 3 năm cuối. Thầy Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng tư vấn tuyển sinh của nhà trường cho biết, nhà trường sẽ dựa trên 80% kết quả của kỳ thi quốc gia và 20% kết quả học bạ của 3 năm cuối cấp. “Kết quả kỳ thi quốc gia chiếm 80% vì đây là kỳ thi có chung đề, chung đợt, nên đảm bảo tính công bằng và có thể đánh giá năng lực của thí sinh. Còn kết quả học 3 năm ở THPT của thí sinh chỉ chiếm tỷ trọng 20%, nhằm giảm đi yếu tố chủ quan trong đánh giá quá trình do kết quả học tập của học sinh phổ thông giữa các trường và các vùng miền có thể khác nhau”, thầy Nguyễn Anh Đức chia sẻ.

Có lợi cho thí sinh?


Theo trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, việc mở rộng hình thức xét tuyển các khối thi cho các ngành sẽ thu hút được đa dạng thí sinh hơn, đồng thời đa dạng hình thức tuyển sinh, phù hợp với đặc thù các ngành đào tạo, đánh giá được năng lực thí sinh toàn diện hơn.

Ông Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường ĐH Kinh tế Quốc dân phân tích, Ban đào tạo của trường nhận thấy qua nhiều năm, là những thí sinh đạt điểm cao ở khối B (toán, hóa, sinh) thì cũng đạt điểm cao ở khối A, A1 (vốn là hai khối truyền thống của nhà trường). Những em thi hai khối A, B khi vào trường học thì đều có kết quả khá tốt. Vì vậy trường đã quyết định đưa thêm môn sinh vào danh sách các môn xét tuyển của trường. Điều này đồng nghĩa với việc tạo thêm cơ hội cho những học sinh giỏi có nguyện vọng học ở trường, đồng thời, trường cũng chọn được thí sinh chất lượng.

Thầy Nguyễn Anh Đức, Trưởng phòng tư vấn tuyển sinh ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho biết, trừ ngành Thiết kế thời trang (khối V1), những ngành còn lại trước đây tuyển sinh khối A, A1 và B (toán, hóa, sinh) thì nay bổ sung thêm khối D1. Sở dĩ nhà trường chọn các khối thi như vậy là căn cứ vào kết quả khảo sát, so sánh thành tích học ĐH với kết quả thi đầu vào theo khối do kết quả khảo sát ngành A, A1 hoặc B của sinh viên các ngành kỹ thuật công nghệ. Theo đó, các em có điểm đầu vào môn toán tốt sẽ phát huy tư duy kỹ thuật, khả năng tính toán, cũng như khả năng giải quyết các vấn đề kỹ thuật. “Vì vậy, đối với các ngành công nghệ kỹ thuật, nhà trường chọn môn toán là môn chính và nhân hệ số 2 cho môn này.

Thêm vào đó, môn văn cũng giúp đưa vào yếu tố nhân văn trong thiết kế kỹ thuật, giúp các sản phẩm công nghệ trong thời đại mới thân thiện với con người và môi trường. Tiếng Anh là nền tảng cho công cuộc hội nhập quốc tế và là thành tố không thể thiếu được đối với nguồn nhân lực trong giai đoạn toàn cầu hóa. Chính vì vậy, nhà trường quyết định bổ sung khối D1 (toán, văn, anh) cho việc xét tuyển nhóm ngành kỹ thuật công nghệ”, thầy Nguyễn Anh Đức lý giải.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia tuyển sinh, việc tổ chức nhiều tổ hợp môn thi khác với môn truyền thống thực sự đang gây khó cho chính học sinh thi năm 2015, vốn đã được ôn thi theo khối truyền thống. Để thực hiện cho việc chọn lựa này, các trường nên thực hiện vào những năm sau, để các em bắt nhịp với việc thay đổi việc học trong nhà trường.

Quan điểm của các trường là như thế, nhưng xem ra chưa thuyết phục được các thí sinh. Em Phạm Văn Hải (THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) cho biết, ý định nộp đơn vào ĐH Bách khoa Hà Nội của em có thể bị dừng lại, do năm nay trường có thêm môn điều kiện là môn sinh học. “Việc lựa chọn khối thi, trường đã được em ấn định từ khi học xong lớp 10 và ĐH Bách khoa Hà Nội là trường em hướng tới. Nhưng mới đây khi nghe trường xét thêm môn điều kiện là sinh học, em sẽ phải tìm hiểu thêm và suy nghĩ lại. Bởi môn sinh em chỉ học ở mức trung bình, trong khi những trường top như ĐH Bách khoa chắc chắn có nhiều học sinh khá, giỏi”.

Nhiều học sinh THPT đang “căng” mắt để cập nhật những điểm mới trong tuyển sinh của trường có ý định đặt đơn vào. Cô Hà Thị Lý (giáo viên dạy toán khối THPT quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhận định: “Việc công bố đề án tuyển sinh cùng với những điểm mới này và áp dụng ngay trong 9 tháng sau là điều chưa nên. Ba năm học THPT thì đến thời điểm hết học kỳ I của lớp 12 là học sinh gần như hoàn thành việc ôn tập của mình. Lớp 12 chỉ là thời điểm chọn trường của các em. Những thay đổi về kỹ thuật, điều kiện xét tuyển các môn thi hiện nay khác với khối thi truyền thống sẽ gây sự xáo trộn không đáng có. Nhiều học sinh chia sẻ rằng, môn văn là điều kiện xét tuyển thì giờ em biết học sao đây, trong khi học sinh này theo học các môn tự nhiên”.

“Tôi cho rằng sự thay đổi cần có lộ trình và đáp ứng được yêu cầu thực tế. Quá nhiều sự thay đổi cùng lúc lại không kết hợp với thực tế dễ dẫn đến tâm lý hoang mang cho học sinh. Đối tượng này cần được hưởng tâm lý thoải mái trước khi bước vào kỳ thi thực sự”, cô Lý chia sẻ.

Cô Thanh Trúc, giáo viên môn Hóa khối THPT ở TP Hồ Chí Minh:

So với mọi năm thì năm nay cơ hội cho các em vào các trường CĐ, ĐH sẽ rộng mở hơn. Đa số các em đã có sự chuẩn bị từ những năm học trước, nên khi các trường lên phương án tuyển sinh các em sẽ theo dõi và hướng vào khối thi mà trường đó chọn. Điểm đặc biệt là năm nay sau khi thi có kết quả thi THPT các em mới nộp hồ sơ vào các trường ĐH, CĐ, sẽ giúp các em đánh giá được học lực của mình để cân nhắc nộp hồ sơ trường phù hợp. Tuy nhiên, thí sinh cần thận trọng và tìm hiểu thật kỹ khi muốn đăng ký xét tuyển vì cùng một ngành, nhóm ngành ở mỗi trường cũng khác nhau và điều kiện xét tuyển cũng khác.

Em Hoàng Văn Mạnh, học sinh lớp 12 trường THPT Cầu Giấy, Hà Nội:

Mấy ngày nay học sinh “canh mạng” như đi xem điểm thi vậy, tâm trạng hồi hộp và lo lắng. Chúng em đã sẵn sàng với tâm lý các trường sẽ có những thay đổi nhưng vẫn bất ngờ. Em vừa được biết trường ĐH Kinh tế Quốc dân lấy môn sinh là môn điều kiện xét tuyển. Đây thực sự là áp lực cho em năm học này. Bởi em đang học 3 môn: Toán, lý, hóa; trong khi môn sinh em lại không chú tâm nhiều. Nhiều bạn bè em có ý định thi vào trường này cũng khá hoang mang. Nếu vẫn lựa chọn ĐH Kinh tế Quốc dân, em sẽ phải đầu tư thời gian cho môn sinh học, điều này đang “làm khó” cho quỹ thời gian học tập của em.


Vân Phương

Quá nhiều môn thi sẽ gây phức tạp cho tuyển sinh
Quá nhiều môn thi sẽ gây phức tạp cho tuyển sinh

“Không nên có quá 4 tổ hợp môn thi/ngành học. Vì nếu quá sẽ gây khó khăn cho thí sinh cũng như công tác tuyển sinh. Đồng thời, phương án của các trường cũng không được gây xáo trộn trong công tác tuyển sinh”, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga cho biết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN