Thầy trò loay hoay chuẩn bị cho 'giờ G' môn thi mới

Môn Giáo dục công dân lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi THPT Quốc gia đã khiến thầy trò ở các trường THPT “rối như canh hẹ” vì không biết đề được ra như thế nào để “làm mồi” cho học sinh.

Gấp rút ôn luyện


Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã cận kề, với mỗi giáo viên và học sinh khối 12 khắp cả nước đang trong giai đoạn nước rút tổ chức ôn luyện kiến thức chuẩn bị cho kì thi cam go này.


Với phương án thi THPT Quốc gia 2017 mới nhất mà Bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh dự thi THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp: Ban Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học) và Ban Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).


Đối với bộ môn Giáo dục công dân (GDCD) lần đầu tiên Bộ Giáo dục và đào tạo đưa vào chương trình thi THPT Quốc gia, đặc biệt với hình thức thi hoàn toàn trắc nghiệm khách quan, đây thực sự là một khó khăn cho cả giáo viên và học sinh trong quá trình dạy, học và ôn luyện.

Cô và trò Trường THPT Hàn Thuyên vừa học vừa luyện môn GDCD để chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới.

Nắm bắt được sự thay đổi mới mẻ này và cũng để chuẩn bị thật sự chu đáo cho công tác dạy và học của trường, các trường THPT đã chủ động lên kế hoạch, hướng dẫn cho giáo viên về hình thức, nội dung cũng như cách thức tổ chức dạy và học, vừa đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng, vừa đảm bảo luyện tập cho học sinh làm quen và thành thạo kĩ năng làm bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.


Tại trường THPT Nhân Việt, Ban giám hiệu đã chủ động cho các em học sinh chọn môn dự thi và chia lớp 12 theo các lớp học phân ban. Việc được chọn và xếp lớp theo ban ngay từ đầu đã giúp giáo viên và các em học sinh chủ động trong việc ôn luyện môn học hiệu quả hơn, có kế hoạch hơn.


Thầy Nguyễn Lâm Quang Thoại, Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn trường THPT Nhân Việt, cho biết: “Trường rất quan tâm đến những đổi mới của kì thi THPT Quốc gia năm nay, trên cơ sở đó lãnh đạo trường đã họp bàn với tổ trưởng chuyên môn các bộ môn thi để xây dựng kế hoạch dạy và học phù hợp với năng lực của học sinh, điều kiện của nhà trường nhằm giúp các em học sinh đạt kết quả cao nhất trong kì thi THPT Quốc gia sắp tới”.


Bên cạnh đó, các trường THPT công lập cũng đã chủ động, nhạy bén trong việc lập kế hoạch và triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn năm học 2016 -2017. Theo đó, Trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận), THPT Trần Quang Khải (quận 11), THPT Trần Khai Nguyên (quận 5)… cũng đã chủ động cho các em học sinh lớp 12 chọn tổ hợp môn dự thi và xếp lớp theo phân ban.


Việc xếp lớp này đã được thực hiện từ đầu học kì 2, các em học sinh đã có thêm thời gian buổi 2 để hệ thống lại kiến thức đã học trên lớp, đồng thời có thêm thời gian để giáo viên giúp các em kĩ năng luyện đề thi trắc nghiệm. Việc nhạy bén trong kế hoạch giảng dạy và ôn luyện tại các trường đã giúp các em học sinh bớt bỡ ngỡ, lo lắng cho kì thi sắp tới.


Đối với giáo viên trực tiếp đứng lớp, các thầy, cô giáo cũng cảm nhận được khó khăn của bộ môn học với cách thi mới này. Tuy nhiên, với vai trò của mình và lòng tâm huyết, trách nhiệm với học sinh, các thầy cô đã đổi mới, tìm tòi những phương án dạy học phù hợp với đối tượng học sinh của mình.


Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên giảng dạy môn GDCD Trường THPT Hàn Thuyên, cho biết nội dung thi THPT Quốc gia 2017 nằm trong chương trình GDCD lớp 12 với nội dung tìm hiểu các bộ luật, các quyền cơ bản của công dân trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nội dung khá nhiều, khó, đòi hỏi học sinh phải nắm chắc kiến thức một cách chính xác, có những hiểu biết cơ bản về thực tế xã hội để giải quyết các tình huống pháp luật. “Do được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Ban giám hiệu đã tạo điều kiện cho tổ triển khai các kế hoạch giảng dạy trên lớp cũng như giảng dạy buổi 2 cho học sinh”, cô Hồng chia sẻ.


Để làm bài có hiệu quả


Theo kinh nghiệm giảng dạy lâu năm của mình ở môn GDCD, cô Nguyễn Thị Hồng lưu ý các em học sinh một số vấn đề trong quá trình học và làm bài thi trắc nghiệm: Chương trình GDCD 12 chủ yếu tập trung vào những kiến thức pháp luật, hình thức thi trắc nghiệm nên kiến thức cần nắm chắc, bao quát. Ngoài ra, học sinh cần phải thường xuyên theo dõi thông tin thời sự, chính trị - xã hội, tin tức chung trên các phương tiện truyền thông.


Ngoài việc nắm bắt chính xác các khái niệm, định nghĩa, nội dung trong sách giáo khoa, cần rèn luyện kĩ năng làm bài thi trắc nghiệm một cách thường xuyên. Trong quá trình làm bài, học sinh cần cân nhắc và phân bổ thời gian làm bài hợp lí cho 40 câu hỏi trong vòng 50 phút. “Học sinh đọc qua đề một lượt, làm những câu đã nắm chắc đáp án, ghi chép ra giấy những câu đã làm, chưa làm, câu chưa chắc chắn. Đối với các câu quá khó, học sinh không bỏ qua mà vận dụng kĩ năng phán đoán để chọn đáp án “an tâm nhất” cho mình”, cô Hồng khuyến cáo.


Còn theo cô Hồ Ngọc Vương, giáo viên trường THPT Nguyễn Trung Trực, kiến thức môn GDCD có 4 chủ đề chính: Pháp luật cơ bản, quyền bình đẳng, quyền tự do dân chủ, pháp luật với sự phát triển của đất nước. Khi học sinh làm bài cần xác định câu hỏi thuộc lĩnh vực nào? Trên thực tế luật thì khó nhưng trong khuôn khổ sách giáo khoa chỉ có 4 bài và 4 chủ đề thì tương đối chứ không quá khó khăn cho việc dạy và học. Tuy nhiên, bộ môn thi lần đầu nên giáo viên đứng lớp chưa có kinh nghiệm trong soạn đề trắc nghiệm khách quan, đặc biệt là làm “mồi nhử” tốt.


Mặc dù có nhiều kinh nghiệm giảng dạy lâu năm, nhưng với nội dung và cách thức thi mới mẻ như năm nay, khi được hỏi, đa số các thầy cô giáo có chung một nỗi trăn trở: Khó khăn lớn nhất là thái độ của học sinh đối với môn học (vì từ trước nay môn GDCD dường như bị xem nhẹ, như môn phụ) và mọi thứ đều rất mới mẻ. Các thầy cô thực sự vừa dạy, vừa ôn, vừa rút kinh nghiệm. Tài liệu phục vụ cho bộ môn còn ít, sách luyện theo dạng trắc nghiệm còn ít, một số sách mới phát hành “nóng vội” nên kiến thức còn nhiều câu sai, chưa sát chương trình.


Một khó khăn khác cũng tồn tại hiện nay là kiến thức môn GDCD 12 chủ yếu là pháp luật, đòi hỏi tính chính xác. Tuy nhiên thực tế, nhiều giáo viên vẫn chưa thực sự nắm đầy đủ và hiểu rõ hết về luật, thậm chí còn nhiều điều giáo viên cần phải tìm hiểu kĩ càng. Giáo viên dạy GDCD không phải tốt nghiệp trường luật nên đây cũng là điều dễ hiểu. Nhiều thầy cô nói đùa: “Muốn thật sự nắm vững chắc để dạy cho các em chắc chắn các thầy cô phải đi học thêm trường Luật”.

Bài và ảnh: M.T
Thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học từ 1 - 20/4
Thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học từ 1 - 20/4

Theo công văn hướng dẫn công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy và tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2017 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi các sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ sở giáo dục đại học, thời gian thí sinh đăng ký dự thi Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia và xét tuyển đại học năm 2017 sẽ bắt đầu từ ngày 1/4 và kết thúc vào ngày 20/4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN