Tháo gỡ khó khăn trong phát triển GDĐT Đồng bằng sông Cửu Long

Ngày 25/9, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2010-2015 theo Quyết định 1033 của Thủ tướng Chính phủ.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Nguyễn Thiện-TTXVN


Tại hội nghị cũng đề ra các mục tiêu, giải pháp phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong thời gian tới.

Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận; đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá: Quyết định 1033 của Thủ tướng Chính phủ giúp Đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh trong thời gian gần đây, một số chỉ tiêu về giáo dục, đào tạo và dạy nghề đã vượt so với một số vùng miền khác của cả nước.

Tuy nhiên, do nguồn lực có hạn, một số nơi các ngành, các cấp thiếu chú ý, chỉ đạo quyết liệt, thiếu các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc nên một số chỉ tiêu về phát triển giáo dục đào tạo không đạt.

Về mục tiêu, giải pháp phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải nhìn thẳng vào những khó khăn để giải quyết, nhất là tỷ lệ học sinh vào các trường mẫu giáo còn thấp.

Đây là vấn đề khó nhất và cũng là nét đặc thù của vùng, vì vậy chương trình xây dựng trường lớp học cho mẫu giáo cần phải được ưu tiên đầu tư từ cơ sở trường lớp và đội ngũ giáo viên. Hiện còn nhiều địa phương chưa được phê duyệt về đề án việc làm nên việc tăng thêm biên chế cho ngành giáo dục là rất khó, cần phải tháo gỡ trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các trường đã được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất hoàn chỉnh cần chuyển sang cho tư nhân quản lý, hoặc chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính để giảm khó khăn về kinh phí cho nhà nước.

Việc phân luồng học sinh trung học phổ thông hiện nay còn vướng ở nhiều địa phương, do đó cần phải sắp xếp, siết lại các trường nghề vì thực tế có nhiều trường dạy nghề hoạt động không hiệu quả.

Đối với các trường đại học và cao đẳng trong vùng hiện nay, có số lượng còn ít hơn bình quân chung cả nước, ngay trong một trường, trình độ giáo viên đạt chuẩn cũng đạt rất thấp. Mặc dù toàn vùng còn thiếu trường nhưng một số trường đại học, cao đẳng hàng năm tuyển sinh vẫn không đủ chỉ tiêu... Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo các trường cần nghiên cứu mô hình liên kết, mở phân hiệu ở các tỉnh.

Các trường lớn, trường điểm phải hỗ trợ cho các trường khác, không nên xem trường khác là đối thủ cạnh tranh. Các trường dân tộc nội trú thời gian qua, hoạt động khá tốt nhưng trong thời gian tới nên bàn thêm về chương trình đào tạo mang tính chất đặc thù như công tác tuyển sinh và thời gian đào tạo.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành nhanh chóng rà soát lại các văn bản hiện hành để có sự điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế, tránh trường hợp gây vướng cho các địa phương.


Các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... cần nhanh chóng xây dựng một quyết định mới để thực hiện nối tiếp theo Quyết định 1033 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới, với các mục tiêu thiết thực hơn, đặc biệt là các giải pháp đưa ra phải cụ thể hơn. Chính phủ sẽ họp với các bộ, ngành để xây dựng Quyết định mới xác hợp nhất, khả thi nhất...

Năm năm qua, việc phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1033 của Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của vùng. Phần lớn các chỉ tiêu đề ra của Quyết định 1033 đều đạt được.

Cụ thể như, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99% (chỉ tiêu là 98%), hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi trong năm 2011, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi ở cấp tiểu học đạt gần 99%, tỷ lệ sinh viên/vạn dân đạt gần 190 (đạt chỉ tiêu đề ra). Số trường trung cấp nghề đạt gần 100%,...

Ngoài ra, công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp học, quy hoạch nguồn nhân lực được chú trọng. Do đó chất lượng giáo dục đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long được cải thiện, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng và chất lượng, từng bước đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục...

Tuy vậy, việc thực hiện Quyết định 1033 của các tỉnh vẫn còn tồn tại một số hạn chế, nhiều chỉ tiêu về phát triển giáo dục và đào tạo chưa đạt như: công tác phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi chưa đạt 100%; tỷ lệ huy động trẻ dưới 36 tháng tuổi đạt thấp dưới 10%; tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi cấp trung học phổ thông của vùng đạt thấp, dưới 50% (cả nước là 60%)...

Ngọc Thiện (TTXVN)
Muôn màu giao thông đường thủy đồng bằng sông Cửu Long
Muôn màu giao thông đường thủy đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, mặc dù hệ thống giao thông đường bộ đã được đầu tư, xây dựng khá hoàn chỉnh, nhưng giao thông thủy vẫn chiếm phần quan trọng trong đời sống người dân Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN