Thành phố Hạ Long tự chủ để nâng cao chất lượng giáo dục​

Với mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương của Trung ương và của tỉnh Quảng Ninh về kiện toàn cơ cấu tổ chức, tinh giản số lượng người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước gắn với nâng cao năng lực tự chủ của các trường giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến năm 2030, năm học 2023 - 2024, thành phố Hạ Long sẽ có 43/68 trường Mầm non và Trung học Cơ sở công lập thực hiện tự chủ các nội dung về tổ chức bộ máy, nhân sự và một phần tài chính. Đây cũng là năm đầu tiên địa phương này triển khai tự chủ với quy mô rộng.

Chú thích ảnh
Trường THCS Trọng Điểm (TP Hạ Long) năm học 2023-2024 sẽ tự chủ 37% nguồn tài chính. Ảnh: TTXVN phát

Tự chủ khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục Quảng Ninh đã kết hợp thực hiện nhiều phương án như tăng cường giáo viên ở cấp học trên xuống dạy ở cấp học dưới, bố trí giáo viên dạy liên trường trong cùng một địa bàn... Phương án tự chủ kinh phí chi thường xuyên giúp các trường chủ động tuyển dụng số lượng giáo viên để đáp ứng nhu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nâng cao chất lượng dạy và học.

Theo bà Đào Thu Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long cho biết: Nhà trường được giao tổng số 28 người trong đó 22 người hưởng lương từ ngân sách; còn 6 người hưởng lương ngoài ngân sách, phần này đơn vị tự chủ. Tập thể cán bộ, giáo viên đã nắm được tinh thần của đề án và rất quyết tâm trong công tác tuyển sinh, chăm sóc, giáo dục nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ trong nhà trường.

Trường Trung học Cơ sở Trọng Điểm, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, đây là trường cấp 2 duy nhất tại Hạ Long được tổ chức thi tuyển đầu vào, lựa chọn học sinh ở tất cả phường, xã của thành phố. Trường là cơ sở giáo dục chất lượng cao, được các phụ huynh, học sinh lựa chọn, hướng đến thi tuyển.

Bà Đàm Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Trọng Điểm cho biết, nhà trường có tỷ lệ học sinh đăng ký nhập học cao, mỗi năm tăng cơ học 1 lớp. Đây là lợi thế để nhà trường mạnh dạn tự chủ 37% chi thường xuyên, tương ứng với 25 người hưởng lương từ nguồn sự nghiệp, chỉ còn 48 người hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước. Từ việc tự chủ, nhà trường sẽ chủ động khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Hiện trường được giao 60 biên chế, với 38 lớp năm học 2023 - 2024. Định mức giáo viên trên lớp mới đạt tỷ lệ 1,34 theo định biên quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 1,9. Hiện tại trường đang thiếu cả cán bộ quản lý, 12 giáo viên và 2 nhân viên.

43 trường Mầm non và Trung học Cơ sở trên địa bàn thành phố Hạ Long sẽ tự chủ từng phần (thấp nhất là 10%, cao nhất là 37%), nguồn thu tự chủ chính là học phí theo quy định hiện hành, trong đó Khối Mầm non 22 trường, Trung học Cơ sở 15 trường, còn lại 6 trường liên cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở (ở những cơ sở này chỉ áp dụng tự chủ ở khối Trung học Cơ sở).

Theo đề án, sẽ có 508 người làm việc hưởng lương từ ngân sách tự chủ, giảm 188 người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2021 - 2026 của thành phố Hạ Long.

Tự chủ để nâng cao chất lượng quản trị

Chú thích ảnh
Trường Mầm non Hoa Lan (TP Hạ Long) là một trong số 43 đơn vị tự chủ từng phần trong năm học 2023-2024. Ảnh: TTXVN phát

Thực hiện tự chủ từng phần, năm học 2023 - 2024 các cơ sở giáo dục Mầm non, Trung học Cơ sở công lập tại khu vực thành thị của thành phố Hạ Long sẽ thu mức 300.000 đồng/tháng/học sinh. Việc thu học phí áp dụng tương ứng các mức theo khu vực đối với các trường chưa tự chủ theo Nghị quyết 65/2021/NQ-HĐND tỉnh Quảng Ninh, ngày 9/12/2021, Quy định mức học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của tỉnh từ năm học 2021 - 2022 đến năm học 2025 - 2026.

Bà Vi Bích Hạnh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hạ Long phân tích, việc tự chủ từng phần trong các cơ sở giáo dục công lập sẽ nâng cao chất lượng quản trị của Hiệu trưởng nhà trường, đặc biệt là ở các trường Mầm non. Bởi người đứng đầu sẽ phải có sự quản lý, điều hành hiệu quả, đội ngũ giáo viên năng động hơn, nâng cao hơn chất lượng dạy và học, tích cực trong việc huy động trẻ ra lớp, trau dồi bản thân. Mỗi cơ sở giáo dục tốt sẽ thu hút lượng học sinh đến nhiều hơn, tạo thành chuỗi hiệu ứng dây chuyền từ nâng cao chất lượng giáo dục, thu hút nhiều học sinh hơn, cải thiện công tác tự chủ... Từ đó, toàn ngành Giáo dục sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các cơ sở giáo dục công lập và  dân lập, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Hiện nay, riêng thành phố Hạ Long thiếu trên 300 giáo viên các cấp học Mầm non và Trung học Cơ sở. Trước năm học mới này, địa phương phấn đấu ký được hợp đồng, tuyển dụng khoảng một nửa cán bộ, giáo viên để đảm bảo việc dạy và học Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Tùy vào thực tế, các trường có thể tăng tỷ lệ kinh phí hoạt động từ nguồn tự chủ, giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước nhưng vẫn đảm bảo số người làm việc trong các cơ sở giáo dục,từng bước hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV đã đề ra.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó trưởng Phòng Nội vụ thành phố Hạ Long cho biết: Mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Thực hiện tự chủ số người làm việc trong các trường sẽ không giảm đi, mà tăng lên tùy vào nhu cầu của nhà trường nhưng giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Hiện nay, Quảng Ninh vẫn hỗ trợ học phí từ Mầm non tới cấp Trung học Phổ thông, do đó đây vẫn là thuận lợi cho các trường. Tuy nhiên, khi không còn hỗ trợ của tỉnh, một số trường ở vùng ven của thành phố sẽ có những khó khăn nhất định.

Để thực hiện tự chủ từng phần, thành phố Hạ Long xây dựng nguyên tắc chung tự chủ theo các quy định, thông tư hướng dẫn của pháp luật. Trên cơ sở đó, các trường học sẽ xây dựng đề án riêng phù hợp với thực tế của địa phương, nhu cầu của phụ huynh, học sinh trên tinh thần đảm bảo công khai, minh bạch và hướng tới mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng giáo dục.

Thanh Vân (TTXVN)
Thư Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp năm học mới 2023 - 2024
Thư Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp năm học mới 2023 - 2024

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2023 - 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gửi thư cho ngành Giáo dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN