Thận trọng và tích cực chuẩn bị cho việc đổi mới chương trình - sách giáo khoa mới áp dụng sau năm 2017

Hiện nay, ngành giáo dục đang nỗ lực tiến hành các bước đi thận trọng và tích cực nhằm thực hiện việc đổi mới chương trình và sách giáo khoa áp dụng từ sau năm 2017 với kỳ vọng sẽ tạo nên một thế hệ chủ nhân tương lai vững vàng và sẵn sàng hội nhập. Phóng viên Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đình Chuẩn (ảnh), Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) về chủ trương lớn này.


Xin ông cho biết vì sao chúng ta phải tiến hành đổi mới chương trình và sách giáo khoa?

Trong hoạt động giáo dục của bất cứ quốc gia nào, việc đổi mới chương trình và SGK phổ thông là việc làm mang tính thường xuyên và liên tục. Nhất là hiện nay KHCN đang phát triển như vũ bão, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt cuộc sống xã hội, trong đó có giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông của các nước phát triển sau 7 – 10 năm đều có sự xem xét, điều chỉnh và thay đổi. Việc đổi mới chương trình, SGK đặt ra ở nước ta hiện nay để thực hiện vào năm 2017 là phù hợp với xu hướng và kinh nghiệm chung của thế giới, đồng thời nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực với các phẩm chất và năng lực phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Ông có thể cho biết những định hướng chính của việc đổi mới chương trình và SGK lần này?

Chúng tôi đang chuẩn bị đổi mới chương trình và SGK mới theo một số định hướng lớn sau:

Chương trình hiện hành quan tâm chủ yếu tới việc học sinh sẽ học được những gì. Việc xây dựng chương trình như vậy được gọi là theo hướng tiếp cận nội dung dạy học. Chương trình mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực; tức là xuất phát từ các năng lực mà mỗi học sinh cần có trong cuộc sống và kết quả cuối cùng phải đạt các năng lực ấy. Theo đó nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá đều phải hướng tới năng lực tự học, năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề trong học tập, trong cuộc sống; coi trọng rèn luyện kỹ năng sống.

Chương trình mới sẽ có mức yêu cầu, nội dung mang tính bắt buộc trong toàn quốc, nhưng cũng phải có phần dành cho các địa phương chủ động xác định, vận dụng phù hợp với điều kiện và đặc điểm dạy học của địa phương, của thầy và trò.

Chương trình mới có sự hài hòa, cân đối giữa “dạy chữ”, “dạy người” và từng bước “dạy nghề”, định hướng nghề nghiệp, nhất là ở cấp THPT.

Nội dung các môn học cần cân đối giữa lí thuyết hàn lâm với tăng cường thực hành, gắn với các tình huống đời sống và yêu cầu giải quyết vấn đề; tránh sự trùng lặp không cần thiết gây nên sự quá tải của chương trình.

Chương trình không nặng về cung cấp nhiều kiến thức mà chú trọng để phát triển năng lực tư duy, phương pháp học, phát triển năng lực giải quyết vấn đề... cho học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí học sinh.

Một số chuyên gia giáo dục cho rằng cần phải tiến hành một cuộc cải cách để cải tổ các bất cập trước khi đổi mới chương trình và SGK nếu không chúng ta sẽ rơi vào quy trình ngược như những lần đổi mới chương trình và SGK trước đây?

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đặt ra nhiệm vụ phải đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Để thực hiện được việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, chúng ta xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 - 2020. Việc đổi mới chương trình và SGK là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược đó.

Tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện cần được thể hiện trong chương trình giáo dục phổ thông lần này, từ cách tiếp cận cho đến các định hướng, nguyên tắc, qui trình; thể hiện qua các phần của bộ chương trình giáo dục phổ thông như: Mục tiêu của chương trình, nội dung dạy học, định hướng về phương pháp dạy học, phương tiện dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh. Như vậy, việc đổi mới chương trình và SGK lần này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, không phải là quá trình ngược như một số ý kiến đã nêu.

Dư luận hiện nay đang xôn xao về khoản kinh phí 70.000 tỷ đồng được chi cho dự án đổi mới chương trình và SGK phổ thông sẽ triển khai vào năm 2017. Xin ông cho biết khoản tiền này sẽ được chi như thế nào?

Dự thảo Đề án đổi mới chương trình và SGK phổ thông có dự toán kinh phí 70.000 tỉ đồng, nhưng không phải tất cả số tiền đó chi cho việc biên soạn chương trình và SGK, mà việc biên soạn chương trình và SGK chỉ dự kiến chi là hơn 960 tỉ đồng (chưa đầy 1/70 tổng dự toán); số còn lại chi cho các công việc khác như: Xây dựng cơ sở vật chất trường học khoảng 35.000 tỉ đồng (chiếm 1/2 tổng dự toán); mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học khoảng 30.000 tỉ đồng (gần 1/2 nữa); đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí hơn 390 tỉ đồng… Hơn nữa, đây cũng chỉ mới là dự toán trong một bản dự thảo Đề án để xin ý kiến các bộ, ngành. Chúng ta sẽ còn tiếp tục phải tính toán chi tiết và xây dựng lộ trình đầu tư phù hợp…

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Hoa (thực hiện)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN