Tạo điều kiện bền vững cho giáo dục THPT vùng khó khăn

Sau 6 năm triển khai hoạt động dự án phát triển giáo dục THPT đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) tổng kết. Trong những năm qua, hàng nghìn giáo viên, học sinh trên toàn quốc và nhất là học sinh phổ thông miền núi, vùng khó khăn đã được hưởng lợi từ dự án này.

Một trong những mục tiêu của Dự án phát triển giáo dục THPT trong 6 năm qua là tăng cường tiếp cận, tính công bằng và cơ hội tham gia giáo dục bậc THPT của học sinh vùng khó, thông qua cải tạo, nâng cấp và xây mới trường học, cung cấp thiết bị, các chương trình hỗ trợ học tập cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số và học sinh nữ.

Tăng thêm cơ hội được học hành

Việc tạo môi trường học tập và khuyến khích được con em vùng khó khăn, miền núi tới trường nhiều hơn trước là một trong những thành công không nhỏ của dự án. Đầu tiên, sự hỗ trợ xây mới hệ thống phòng học, phòng bộ môn, thư viện đã có tác động tích cực đến việc mở rộng quy mô giáo dục ở các vùng khó khăn.

Hướng dẫn học sinh người đồng bào dân tộc sử dụng máy tính kết nối Internet. Ảnh: Trần Lê Lâm-TTXVN


Dựa trên sự hỗ trợ của dự án, tỉnh Cà Mau đã tìm nguồn vốn đối ứng để tăng số trường từ 23 (theo kế hoạch trong dự án) lên thành 30 trường học trên địa bàn. Tương tự, số trường học của Lạng Sơn cũng tăng từ 21 lên 25 trường... “Dự án đảm bảo tiến độ xây dựng, đảm bảo chất lượng cho hơn 2.440 phòng các loại (phòng học, phòng thí nghiệm, phòng nội trú, phòng vi tính, phòng thư viện) là điều không hề đơn giản. Các công trình này đưa vào sử dụng đã có tác động tích cực đến việc mở rộng quy mô giáo dục ở các vùng khó khăn. Số trường THPT tăng lên rõ rệt, tỷ lệ tuyển sinh các trường cũng tăng” - ông Nguyễn Như Tỉnh, Vụ trưởng - Trưởng Ban điều hành Dự án phát triển giáo dục THPT chia sẻ. Điều này đồng nghĩa sẽ có thêm nhiều học sinh vùng khó được học hành.

Có nhiều trường ở vùng xa sau khi được dự án hỗ trợ các phòng xây mới đã đáp ứng nhu cầu của tất cả học sinh muốn học tại trường, hoặc học sinh đỡ phải đi học xa. Số lượng học sinh nghèo bỏ học giữa chừng giảm. Ông Ngô Đức Kỳ, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Mai (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) cho biết, có nguồn kinh phí để xây dựng trường học gần như là “cơ hội vàng” để chúng tôi xây dựng. Đến nay trường đã có đủ phòng học một ca, vì vậy trường còn có những phòng trống vào buổi chiều. Những phòng này sẽ phục vụ cho hoạt động ngoại khóa. Không chỉ được “vỏ”, chúng tôi còn được thêm cả “ruột”. Hiện nay trong trường đã có máy photocopy được dùng thường xuyên để in đề kiểm tra, đề thi cho học sinh.

Ông Phùng Văn Thời, Hiệu trưởng THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ: Công trình trường học xây mới từ sự hỗ trợ của Dự án đã được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2008. Nếu như không có tòa nhà này thì nhà trường không thể tuyển được trên 60% học sinh tốt nghiệp THCS. Học sinh được cung cấp các thiết bị thực hành, thoát tình trạng học “chay”. Sự hỗ trợ về đồ dùng học tập cũng như công nghệ thông tin giúp học sinh hiểu bài và thích đến trường hơn”.

Chuyển biến trong nhận thức nghề nghiệp

Dự án còn có nhiều hình thức hỗ trợ khác cho học sinh nữ, đặc biệt là học sinh dân tộc nữ thiểu số như: Hướng dẫn các em định hướng nghề nghiệp, biên soạn và cấp sổ tay nữ sinh, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức thông qua các chương trình thông tin tuyên truyền về giáo dục.

PGS. TS Nguyễn Thanh Bình, Viện Nghiên cứu sư phạm cho biết, dự án đã hợp đồng với trung tâm lao động – hướng nghiệp tiến hành khảo sát nhu cầu về hướng nghiệp, học nghề của học sinh THPT ở 11 tỉnh tham gia dự án nhằm nắm được nhu cầu hướng nghiệp, học nghề của học sinh THPT; quy hoạch ngành nghề trong 5 – 10 năm tới. Những ngành nghề vừa phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương, vừa thích hợp với học sinh nữ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh dân tộc và có khả năng, điều kiện đào tạo ngắn hạn không quá hai mùa hè bậc THPT để có một nghề.

Trung tâm này đã biên soạn tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên các trung tâm hướng nghiệp nhằm giúp họ cập nhật được những điểm mới về chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên và thực hiện yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học, dạy nghề phổ thông, phương pháp, cách thức tổ chức tư vấn hướng nghiệp. Dự án đã hoàn thành tư vấn hướng nghiệp và giám sát tư vấn hướng nghiệp cho 5.000 học sinh ở 22 tỉnh.

Thầy Phương Ngọc Thuyên, Hiệu trưởng trường Dân tộc nội trú Lạng Sơn nhận định, giáo viên được tập huấn có năng lực hơn trong giảng dạy và có những phân tích, định hướng nghề nghiệp phù hợp với đối tượng học sinh. Hoạt động dạy nghề của học sinh có nhiều thuận lợi hơn. Chất lượng học nghề của học sinh nâng lên. Thu hút học sinh nghèo, học sinh dân tộc tham gia vào chương trình hướng nghiệp.

Ông Nguyễn Hùng, nguyên Giám đốc Trung tâm lao động và hướng nghiệp, Bộ GD - ĐT chia sẻ: “Nếu giáo viên được tập huấn liên tục trong 3 năm liền thì năng lực mới bền vững, nhưng trên thực tế ở các trường phổ thông, nhiều nơi cử giáo viên đi tập huấn là những giáo viên thiếu giờ được giao làm công tác hướng nghiệp. Nhưng đến nay, việc dạy đúng, đủ phân phối chương trình, đồng thời tư vấn hướng nghiệp theo năng lực học sinh đã thực hiện tốt ở những trường miền núi được thí điểm. Hiệu quả là học sinh đã có những nhận thức đúng đắn về nghề nghiệp và tự tin khi lựa chọn ngành học tương lai cho mình. Điều này có ảnh hưởng và tác động rất nhiều đến những khu vực xung quanh.

Lê Vân thực hiện

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN