Tâm thế mới cho năm học mới

Liệu sẽ chọn phương án nào cho một kỳ thi quốc gia? Ngành giáo dục sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, phương pháp đánh giá. Giáo dục phổ thông trong năm học này xem ra sẽ cần những bước chuyển mình mạnh mẽ.


Đánh giá theo năng lực


Triển khai Nghị quyết 29 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân”, ngành giáo dục đã đưa ra những kế hoạch hành động cụ thể, trong đó nổi bật là việc chuyển hướng từ truyền thụ kiến thức, nội dung, sang phát triển năng lực người học. Một số dự thảo quy định, hoạt động tích hợp nội dung liên môn… đã được ngành giáo dục đưa ra để lấy ý kiến trước năm học như việc năm học này ngành sẽ đánh giá học sinh tiểu học theo hướng giảm chấm điểm, tăng nhận xét.

 

Áp lực thi cử luôn song hành với mỗi học sinh phổ thông.

 

Theo bà Trần Thị Thắm, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT, mục tiêu của việc điều chỉnh cách đánh giá học sinh là nhằm khích lệ học sinh học tập, rèn luyện hằng ngày, chứ không chỉ để ghi nhận kết quả học tập. Theo cách đánh giá này, giáo viên sẽ phải quan tâm đến cả quá trình học tập và rèn luyện của học sinh, phát hiện ưu điểm và hạn chế, để động viên hoặc có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Nếu quy định này được thực hiện, sẽ giảm hẳn tình trạng dạy và học “đối phó” của giáo viên, học sinh để tạo thành tích ảo. Đặc biệt, áp lực với học sinh nhỏ tuổi sẽ không còn nữa, tạo môi trường học tập “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.


Những đổi mới theo hướng phát triển năng lực của học sinh đã được thực hiện thí điểm. Và năm học này sẽ triển khai thêm nhiều nơi nữa. Giáo dục phổ thông sẽ cung cấp những cái cơ bản phục vụ cho chất lượng nguồn nhân lực sau này.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Cũng từ năm học 2014 - 2015, các trường sẽ thực hiện việc bàn giao chất lượng giáo dục vào cuối năm học (khi học sinh chuyển từ lớp dưới lên lớp trên). Trước đó, hoạt động này đã được triển khai ở một vài địa phương, chủ yếu là áp dụng từ lớp 5 lên lớp 6. Với các khối lớp từ 1 - 4, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên nhận lớp vào năm học tiếp theo, sẽ trao đổi để ra đề kiểm tra định kỳ vào cuối năm học, cùng tham gia đánh giá, sau đó ghi biên bản nghiệm thu, bàn giao chất lượng giáo dục. Đối với khối lớp 5, việc ra đề kiểm tra chung cho toàn khối sẽ do tổ chuyên môn đảm nhận và việc đánh giá có sự tham gia của giáo viên trường THCS phụ trách học sinh năm lớp 6.


Việc đánh giá sẽ hạn chế được nhiều mặt yếu của bậc học này lâu nay là nặng về truyền thụ kiến thức, quá tải ở lớp dưới, gây áp lực không đáng có lên học sinh, phụ huynh”, một đại diện ngành giáo dục chia sẻ.


Để làm tiền đề cho những quy định trên, từ những năm học trước, nhiều địa phương đã áp dụng các mô hình và phương pháp, hình thức dạy học tiên tiến. như: Mô hình trường học mới (VNEN) được triển khai ở 63/63 tỉnh, thành phố với 1.447 trường và hầu hết đạt kết quả tốt. Năm học mới này, sẽ tiếp tục mở rộng áp dụng thêm 257 trường. Phương pháp “Bàn tay nặn bột” cũng đã được triển khai ở 350 trường tiểu học của cả nước và 120 trường của 12 tỉnh, thành phố. Cùng với đó là việc mở rộng sử dụng giải pháp dạy tiếng Việt cho học sinh lớp 1 của Trung tâm công nghệ giáo dục, đã triển khai thí điểm thành công ở 34 tỉnh, với 2.392 trường học.


Các địa phương, cơ sở giáo dục đều tăng cường các hình thức, phương pháp giáo dục toàn diện trong và ngoài nhà trường, tạo nhiều sân chơi trí tuệ cho học sinh như: Giải toán trên mạng (Violympic), tiếng Anh trên mạng (IOE), tài năng tiếng Anh (OTE), vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn, robitic… Đặc biệt, việc tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học đạt kết quả tốt, đã có tác dụng thúc đẩy đổi mới hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, tạo mối liên thông, liên kết giữa giáo dục phổ thông với giáo dục đại học và các cơ sở nghiên cứu.

Ưu tiên dạy học tích hợp


Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm học này, Bộ tiếp tục chỉ đạo các sở GD - ĐT giao quyền cho nhà trường và giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng tinh giản nội dung dạy học, xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp, liên môn; tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực, phù hợp với đối tượng và điều kiện dạy học, nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Tăng cường các hoạt động giáo dục giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh.


Giáo dục phổ thông trong hai năm trở lại đây đã khởi động những bước tạo tiền đề cho những đổi mới của năm học mới. Cụ thể, công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hướng tăng cường giao quyền chủ động trên cơ sở nâng cao tinh thần tự chủ và chịu trách nhiệm của các sở GD - ĐT. Việc học sinh tự chọn môn thi cùng với những đổi mới trong cách ra đề thi theo hướng đánh giá năng lực, tăng yêu cầu vận dụng kiến thức gắn với các vấn đề thực tiễn, tạo điều kiện để học sinh thể hiện tình cảm, tư duy riêng, đã tạo hứng thú cho học sinh trong học tập và làm bài thi.

Đồng thời, các sở GD - ĐT hướng dẫn giáo viên tích hợp có hiệu quả các nội dung giáo dục vào các môn học, hoạt động giáo dục như: Giáo dục môi trường tích hợp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giáo dục về đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhân; giáo dục kỹ năng sống trong một số môn học và hoạt động ngoài giờ lên lớp; giáo dục hướng nghiệp, giáo dục về biên giới, biển đảo.


Để đạt được những mục đích trên, ngành giáo dục đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm nữa là phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Theo đó, năm học 2014-2015, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu để chuyển việc đánh giá giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GD theo hướng từ chỗ chú trọng bằng cấp sang chú trọng năng lực, kết quả công tác, uy tín đối với đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh học sinh. Tập trung triển khai đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng của các trường sư phạm. Đồng thời, xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm 2016.


Trước thềm những bước thay đổi mạnh mẽ, luôn cần có những bước thí điểm từ trước đó. Sự chuyển hướng giáo dục cũng không nằm ngoài quy luật này. 12 năm học phổ thông là quãng thời gian dài và cần có sự bền bỉ. Ngành giáo dục kỳ vọng, với việc đổi mới theo hướng phát triển năng lực ở bậc phổ thông, sẽ cung cấp cho các trường đại học những nhân lực có chất lượng.


Bài và ảnh: Lê Vân

Đổi mới giáo dục luôn ưu tiên quyền lợi của học sinh
Đổi mới giáo dục luôn ưu tiên quyền lợi của học sinh

Năm học mới 2014-2015 đã cận kề. Đây là năm học có ý nghĩa quan trọng trong việc hiện thực hóa Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN