“Sợi chỉ đỏ” trong phong trào thi đua giáo dục

“Trường học thân thiện, học sinh tích cực” là một trong những hoạt động nổi bật của ngành giáo dục; và là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt những hoạt động mang tính nhân văn trong trường học trong những năm qua. Ngay sau khi phát động, phong trào đã được sự đón nhận, ủng hộ của toàn xã hội.

Trong năm đầu tiên, điều thấy rõ nhất là cơ sở vật chất, diện tích, không gian nhà trường đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là ở các trường mới và có điều kiện cải tạo lại. Tường rào, cổng, sân, vườn trường, lớp, phòng học, các công trình vệ sinh và chức năng khác được chú ý nâng cấp lại. Nhiều tỉnh đã đầu tư và xã hội hóa hàng trăm tỉ đồng để xây dựng nhà vệ sinh, trang bị thiết bị ánh sáng, bàn ghế và thiết bị dạy học đạt chuẩn. Đến năm thứ hai, phong trào thi đua đi vào phát huy sáng kiến trong tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa tiêu chuẩn giáo viên, hiệu trưởng và cán bộ quản lí, xây dựng hoạt động kiểm định chất lượng, kết quả giáo dục, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí… Trong năm học 2010 - 2011, chủ đề chính được đặt ra là đẩy mạnh tính tích cực của học sinh. Đây là vấn đề khó và lâu dài nhất. Đó vừa là kết quả đầu ra của phong trào thi đua, đồng thời phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh cụ thể ở mỗi nơi, mỗi gia đình, mỗi nhà trường và mỗi học sinh. Sự tham gia tích cực của học sinh sẽ là nhân tố tác động lại cho việc triển khai có hiệu quả phong trào thi đua và có tác động tích cực đến việc xây dựng văn hóa của cộng đồng.

Huyện Phúc Thọ (Hà Nội) có 74 trường học các cấp với hơn 30.000 học sinh. Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng được 18 trường học đạt chuẩn quốc gia, xây dựng đội ngũ giáo viên vững chuyên môn với hơn 60% đạt trình độ trên chuẩn, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, là một trong những huyện ngoại thành có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện và thành phố. Huyện phấn đấu trở thành điểm sáng giáo dục của thành phố, với 100% trường học đạt chuẩn quốc gia vào năm 2015. Trong ảnh: Giờ học của học sinh Trường THCS Thọ Lộc, trường đạt chuẩn quốc gia. Ảnh : Bích Ngọc – TTXVN


Trong những thành tích đạt được phải kể đến việc một số trường phổ thông đã có phòng hay tổ tư vấn tâm lý - giáo dục gồm các thành viên là giáo viên, cán bộ đoàn thể, những người có kinh nghiệm và hiểu biết nhiều mặt về đời sống xã hội, có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, giúp nhà trường trong việc rèn luyện kỹ năng sống, hướng nghiệp cho học sinh, coi trọng giáo dục đồng đẳng giữa học sinh với nhau. Một số trường bố trí từ 1 - 2 giáo viên giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh và tham gia câu lạc bộ tư vấn cho học sinh. Hình thành tổ tư vấn cho học sinh có sự tham gia của cán bộ giáo viên, phụ huynh, đại diện học sinh để xây dựng lối sống trong trường. Đây là một trong những hoạt động có hiệu quả thiết thực với đời sống của học sinh hiện nay.

Theo thống kê của Bộ GD – ĐT, trong 3 năm liên tiếp thực hiện phong trào thi đua, tỉ lệ giáo viên dạy giỏi, đổi mới phương pháp tốt ngày càng tăng. Tính đến nay, số giáo viên dạy giỏi ở cấp huyện trở lên là 228.793 giáo viên, tăng 97.776 người so với năm học 2009-2010. Số học sinh (phổ thông) đạt học sinh giỏi năm học 2010 - 2011 (theo báo cáo của 53/63 tỉnh) là 2.442.422 em, tăng 8,6% so với năm học trước. Số trường đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hoạt động giáo dục cho học sinh là 37.241 trường, tăng 5.755 trường so với năm học 2009 – 2010. Số công trình vệ sinh được xây mới tính đến cuối năm học 2010 - 2011 là 21.279, nâng tổng số nhà vệ sinh trong các trường học trên toàn quốc lên 51.888, tăng 13.340 công trình. Số trường có cơ sở vật chất đảm bảo an toàn trong khuôn viên trường là 38.389, tăng 3.143 trường so với năm học 2009 - 2010.

Hoàng Hoa - Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN