Sóc Trăng: Học sinh ngồi nhầm lớp, điều chuyển giáo viên khó hiểu

Nhiều học sinh từ lớp 2 đến lớp 6 ở các trường chuẩn quốc gia nhưng chưa biết đọc, viết chưa rành, làm các phép tính đơn giản không thành thạo. Vậy mà các em vẫn được lên lớp, có em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Như thông tin TTXVN đã phản ánh bức xúc của phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) về việc học sinh học bán trú với trên 50 em/lớp trong khi nhà trường còn 4 phòng khang trang bỏ trống. Gần đây, dư luận lại xôn xao về việc giáo viên một số trường tiểu học (thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng) bị điều chuyển bất hợp lý, gây tâm lý bất ổn cho các thầy cô. Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục đi xuống, nhiều học sinh đang bị ngồi nhầm lớp ở các cấp học.

Quyết định điều chuyển giáo viên khó hiểu

Ngày 30/8/2016, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng đã điều chuyển 4 giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai đi các trường khác, trong số đó có cô Sơn Thị Bô Pha Ni và thầy Châu Hoài Cang mới được điều chuyển từ Trường Tiểu học Lê Hồng Phong về Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai đầu năm học 2015-2016. Chỉ sau một năm học, hai giáo viên này lại bị điều chuyển đi trường khác.

Thầy Châu Hoài Cang đã có gần 30 năm đứng lớp và từng giảng dạy ở bốn trường khác nhau tại vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khmer. Khi có quyết định điều chuyển công tác, thầy rất bất ngờ bởi lẽ thầy vừa được điều chuyển về Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai được một năm. Hơn nữa, thầy cũng lớn tuổi và đang chờ nghỉ hưu. Do đó, việc điều chuyển thầy về Trường Tiểu học Lâm Thành Hưng (phường 7, thành phố Sóc Trăng) để làm giáo viên dự khuyết khiến thầy rất bức xúc. Trước kiến nghị của thầy Cang, ngày 5/9/2016, thầy được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố mời lên thông báo về việc thu hồi quyết định điều chuyển công tác của thầy từ Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai về Trường Tiểu học Lâm Thành Hưng; đồng thời trao quyết định điều chuyển công tác từ Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai về Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (phường 1, thành phố Sóc Trăng).

Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, thầy Châu Hoài Cang nhận được ba quyết định của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng (Quyết định điều chuyển từ Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai về Trường Tiểu học Lâm Thành Hưng; Quyết định thu hồi; Quyết định điều chuyển từ Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai về Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt). Nếu tính cả Quyết định điều chuyển công tác từ Trường Tiểu học Lê Hồng Phong về Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai thì từ tháng 8/2015 đến tháng 9/2016, thầy Châu Hoài Cang đã nhận 4 quyết định điều chuyển của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng.

Ngoài ra, có giáo viên đã từng dạy ở Côn Đảo nhiều năm, được điều chuyển công tác về dạy tại một trường gần nhà ở thành phố Sóc Trăng, nhưng chỉ sau 1 năm Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố lại điều chuyển giáo viên này đi trường khác. Vì cũng quá bức xúc với quyết định điều chuyển công tác nên ngày 25/8/2016 khi được Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng mời lên làm việc (có cả lãnh đạo thành phố Sóc Trăng dự), cô Trần Thị Thúy Y - giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong đã ngất xỉu tại trụ sở UBND thành phố vì cách giải quyết "khó hiểu" của ngành giáo dục thành phố Sóc Trăng.

Học sinh ngồi nhầm lớp

Tại thành phố Sóc Trăng, vào đầu năm học 2016 - 2017, qua phản ánh của một số giáo viên, phụ huynh có con em học tại các trường tiểu học, phóng viên đã khảo sát và phát hiện khá nhiều học sinh từ lớp 2 đến lớp 6 ở các trường chuẩn quốc gia nhưng chưa biết đọc, viết chưa rành, làm các phép tính đơn giản không thành thạo. Vậy mà các em vẫn được lên lớp, có em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến.

Trao đổi với phóng viên, chị Tô Thị Quỳnh Giao (29 tuổi), mẹ của em Lâm Sơn Vũ kể lại: Năm học 2016 - 2017, Vũ được tuyển vào Trường Trung học cơ sở Lê Vĩnh Hòa là đơn vị cùng tuyến với Tiểu học Lý Đạo Thành mà em học ở cấp học trước. Chỉ vào học chính thức được vài ngày, khi khảo sát chất lượng đầu năm, giáo viên đã mời phụ huynh đến thông báo là Vũ học rất yếu, em chưa thể đọc được chữ, viết cũng không rành nên không thể học lớp 6 được mà phải xuống học lại từ lớp 1. Khi đưa giấy viết cho Vũ viết tên mình thì em viết được nhưng lại đọc không được, còn khi viết tên mẹ thì Vũ viết không ra chữ, mặc dù phóng viên đã đánh vần từng chữ cái cho em. Theo chị Tô Thị Quỳnh Giao, từ hôm Vũ “bị” trả về trường cũ, em được thầy giáo ở trường Tiểu học Lý Đạo Thành kèm cặp để học lại từ lớp 1 nhưng được vài ngày là em không muốn học nữa. Vũ nói với mẹ là “Con không đi học nữa, sao bắt con học lại lớp 1 vậy”.

Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành xác nhận: "Trường hợp em Lâm Sơn Vũ đã vào lớp 6 nhưng học rất yếu là có thật. Đây là sơ suất của nhà trường, vì vậy trường đã khắc phục bằng cách mỗi buổi sáng cử 1 giáo viên kèm riêng mình em, bắt đầu từ chương trình lớp 1 nhưng Vũ vào học chỉ được vài ngày rồi không thấy đến nữa. Liên hệ với gia đình không được, nhà trường cũng không biết tính sao”. Theo cô Hạnh, trường Tiểu học Lý Đạo Thành đã đạt chuẩn quốc gia 4 năm. Trường có đông học sinh là đồng bào dân tộc, điều kiện đi lại cũng khó khăn. Hàng năm, để xét lên lớp, nhà trường tổ chức thi, kiểm tra chéo, nhận xét đánh giá đầy đủ. Để xảy ra tình trạng học sinh lên lớp đều nhưng không biết đọc lỗi một phần do nhà trường tin tưởng vào giáo viên. Hơn nữa, việc giao chỉ tiêu, áp lực đạt chuẩn quốc gia nên cuối năm mỗi lớp không được quá 1 học sinh lưu ban.

Qua tìm hiểu được biết, Trường Trung học cơ sở Lê Vĩnh Hòa đã trả lại 2 học sinh lớp 6 về Trường Tiểu học Lý Đạo Thành đều vì lý do học quá yếu. Trong khi đó, qua kiểm tra đánh giá lại Trường Tiểu học Lý Đạo Thành, phát hiện không ít học sinh ở các khối khác, kể cả khối 4, 5 cũng trong tình trạng không biết đọc, biết viết, làm toán không thông.

Không riêng Trường Tiểu học Lý Đạo Thành có học sinh không biết đọc. Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, phường 3 (thành phố Sóc Trăng) cũng là trường chuẩn quốc gia từ năm học trước, nhưng ở một lớp 3 cũng có tới 8 em không biết đọc. Cô Trần Thị Thúy Yên mới được phân công chủ nhiệm lớp 3/2 cho biết: Lớp có tổng số 42 em thì 8 học sinh không biết đọc, viết chưa rành và trên 10 học sinh đọc còn phải đánh vần.

Trao đổi về tình trạng học sinh không biết đọc nhưng vẫn được lên lớp, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Sóc Trăng, bà Dương Thị Ngọc Diễm cho biết: Hiện Phòng chỉ nắm được ở Trường Tiểu học Lê Hồng Phong có học sinh lớp 3 không biết đọc. Phòng đã chỉ đạo trường có biện pháp khắc phục, kèm cặp cho các em. Tuy nhiên, bà Diễm không nói gì đến việc học sinh lớp 6 và nhiều học sinh ở Trường Tiểu học Lý Đạo Thành cũng không biết đọc, mặc dù mẹ em Lâm Sơn Vũ đã lên tận Phòng Giáo dục và Đào tạo phản ánh về việc con mình không biết chữ nhưng vẫn được chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học.

Trước thực tế trên, dư luận cho rằng ngành giáo dục thành phố Sóc Trăng chạy theo thành tích, chỉ tiêu, “làm ngơ” chất lượng “dạy thật, học thật”. Đối chiếu các bản báo cáo kết quả học tập của học sinh ở các trường tiểu học tại thành phố Sóc Trăng cho thấy năm học nào cũng “đẹp như mơ” bởi hầu hết học sinh lên lớp ở từng khối đều đạt gần 100% và học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Chỉ vì thành tích cá nhân hoặc thành tích chung của đơn vị mà bỏ qua chất lượng dạy và học, không tính đến thực chất của việc đánh giá, xếp loại học sinh, sẽ làm ảnh hưởng đến tương lai của các em khi bị hổng kiến thức ngay từ những năm học đầu đời.

Trung Hiếu
Sáng kiến "bếp củi cải tiến" của học sinh vùng cao
Sáng kiến "bếp củi cải tiến" của học sinh vùng cao

Dự án khoa học kỹ thuật “Bếp củi cải tiến” của hai học sinh dân tộc Mông ở trường THPT Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu đã được vinh danh và nhận giải thưởng cấp quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN