Sẽ có một năm rà soát lại giáo viên dạy ngoại ngữ

Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ sáng nay (17/9) tại hội nghị trực tuyến 6 điểm cầu về triển khai giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 của Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020.

Chia sẻ tại hội nghị về những vấn đề tồn tại trong việc dạy và học ngoại ngữ trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các thầy cô vẫn chưa chú trọng đúng mức tới thực tế, thực hành, nên nhiều học sinh, sinh viên đáp ứng chuẩn, thi đạt điểm cao nhưng khi gặp người nước ngoài vấn lúng túng trong giao tiếp, điều này cần chấn chỉnh. Đồng thời, cần phải thay đổi quan điểm dạy học. Đó là, học ngoại ngữ để phục vụ công việc, phục vụ cuộc sống chứ không phải học để thi lấy điểm cao

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại Hội nghị.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo 8 nội dung đưa vào kế hoạch 2016 – 2020 và định hướng năm tiếp theo. 

Rà soát lại các chuẩn giáo viên, giáo viên trường sư phạm ngoại ngữ cũng phải có chuẩn; đối chiếu trình độ giáo viên hiện có với chuẩn để xây dựng cơ sở dữ liệu, làm căn cứ cho kế hoạch đào tạo bồi dưỡng. Các đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho giai đoạn trung hạn 2016 – 2020. Mạnh dạn mời, thu hút sinh viên, giáo viên bản ngữ. 


Về người học, phải chú ý đến nhu cầu học ngoại ngữ thực tế tại các địa phương chứ không chỉ nhấn mạnh tiếng Anh. Tuy nhiên, không nên dàn trải, phân tán mà cần có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, trong đó Tiếng Anh là ưu tiên. Bậc học phổ thông, từ tiểu học đến THPT, bậc học giáo dục nghề nghiệp mạnh dạn thí điểm những môn học dùng được tiếng Anh, đặc biệt các môn khoa học tự nhiên. Đặc biệt giáo dục ĐH, dạy nghề, khuyến khích đẩy nhanh những ngành khoa học công nghệ, kỹ thuật, thậm chí nhập giáo trình nước ngoài về sử dụng. Chú trọng nâng cao tiếng Anh chuyên ngành; khuyến khích ứng dụng công nghệ đào tạo mạnh để đào tạo cho học sinh sinh viên. Đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh lớp 12; công bố sớm dạng thức bài thi trắc nghiệm Tiếng Anh để học sinh, thầy cô làm quen. Tăng cường giám sát chất lượng người học để tạo được chuẩn theo các khung năng lực. Quan tâm đến môi trường cho học tiếng Anh, hình thành các CLB…; tạo ra một xã hội học tập tiếng Anh theo hướng nhẹ nhàng, hiệu quả, làm sao việc học tiếng Anh từ áp lực trở thành động lực.


Về học liệu, rà soát, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực với khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, thiết kế theo hướng thực tế và online, đưa tài liệu lên mạng cho mọi người có thể học mọi lúc, mọi nơi.


Về chương trình, SGK, giáo trình, có thể lựa chọn từ nước ngoài để sử dụng cho phù hợp. Tăng cường các video clip, học liệu hỗ trợ học tiếng Anh…


Về khảo thí, rà soát lại chương trình để thống nhất trong toàn quốc, giúp cho công tác khảo thí với chương trình, giảng dạy phù hợp, nhất quán. Khảo thí, đo lường, đánh giá là hoạt động liên tục, không phải theo mùa.Tới đây xây dựng 2 nhóm trung tâm: Trung tâm đào tạo bồi dưỡng giáo viên, bố trí phù hợp với địa phương, để tránh tình trạng từng tỉnh đào tạo, bồi dưỡng riêng và Trung tâm khảo thí quốc gia.


Về tài chính, chủ trương không đầu tư dàn trải, phân tán. Ngân sách nhà nước chỉ tập trung cho những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, cốt lõi, còn lại do các địa phương, cơ sở giáo dục; đặc biệt làm mạnh xã hội hóa. Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 rà soát lại toàn bộ các văn bản chính sách, những gì đã hợp lý thì giữ, không hợp lý thì bỏ, nếu còn thiếu thì bổ sung… Cơ chế chính sách phải tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thực hiện. Đề nghị Đề án Ngoại ngữ 2020 là đầu mối xây dựng cơ sở dữ liệu một cách bài bản để mọi người chia sẻ, làm căn cứ quan trọng trong quản lý, xây dựng chính sách.


Truyền thông phải làm sao bằng các kênh khác nhau, biện pháp khác nhau để xã hội thấy được học tiếng Anh là nhu cầu tự thân. Thông tin đầy đủ, minh bạch để xã hội đồng thuận. Trong đó, công tác truyền thông nội bộ phải được đưa hàng đầu; dành kinh phí cần thiết cho truyền thông.


Bộ trưởng Nhạ cho rằng, thủ trưởng nào, phong trào nấy, người đứng đầu đơn vị phải gương mẫu trước, phải chia sẻ với đội ngũ giáo viên làm công tác giảng dạy… Đặc biệt, cần đổi mới công tác thi đua khen thưởng, thay xét thi đua qua hồ sơ bằng xét thi đua qua người thật, việc thật…


Cũng tại Hội nghị, nhiều ý kiến góp ý từ các điểm cầu Hà Nội, Vinh, Cần Thơ, Đà Nẵng tập trung việc làm thế nào để có đội ngũ giáo viên tốt, đóng vai trò quyết định trong sự thành bại của việc dạy và học ngoại ngữ.


TS Đỗ Tuấn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, công tác bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ đóng vai trò vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng đội ngũ giáo viên ngoại ngữ và chất lượng giảng dạy ngoại ngữ ở các bậc học. Nhưng để mang lại kết quả như mong đợi, hoạt động bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ cần phải có sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành và toàn xã hội.


“Trước mắt, các cơ quan quản lý giáo dục cần ban hành các thể chế quy định việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên hàng năm là bắt buộc. Từ đó, giáo viên sẽ phải đăng ký tham gia bồi dưỡng trực tuyến thường xuyên trong năm và ít nhất một lần trong năm học được cử tham gia bồi dưỡng trực tiếp tại một trong những đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ bồi dưỡng. Việc tổ chức bồi dưỡng cần được thống nhất thực hiện bởi các cơ sở hay trung tâm bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ trọng điểm đặt tại các cơ sở đào tạo ĐH chuyên ngữ lớn, có uy tín, đủ khả năng và kinh nghiệm…", TS Đỗ Tuấn Minh cho biết.


Còn ông Nguyễn Minh Trí, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Quảng Ngãi mong muốn lớn nhất của của địa phương là phải biến hoạt động thực tiễn của Đề án Ngoại ngữ 2020 thành quá trình tự bồi dưỡng của giáo viên lâu dài, thường xuyên. Nên khuyến khích giáo viên tự bồi dưỡng, đi thi các chứng chỉ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam hoặc IEL, TOP…, miễn sao các thầy cô đạt chuẩn; đồng thời có chính sách ưu tiên bố trí sử dụng, bổ nhiệm về các vị trí chuyên môn những giáo viên đó; thậm chí hỗ trợ kinh phí tự bồi dưỡng…


Nhấn mạnh đến vai trò của giáo viên,  ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Bến Tre khẳng định, giáo viên ngoại ngữ không thể nâng chuẩn trong thời gian ngắn nên cần thiết phải kết hợp 2 hình thức bồi dưỡng, tăng cường tự học dưới hình thức online, sau đó có thời gian tập trung trong hè.


Nhiều ý kiến khẳng định, trong thời gian qua, việc đầu tư bồi dưỡng vẫn có những đầu tư chưa đúng mức, như việc đi bồi dưỡng cho những cán bộ, giáo viên không có tư duy đổi mới. Vì vậy, trong giai đoạn sắp tới cần tập trung với những giáo viên luôn có tinh thần đổi mới, tự học. Tạo cho họ một môi trường tốt. Có như vậy mới đầu tư đúng và mang lại hiệu quả thiết thực.


Lê Vân
Biến học ngoại ngữ từ áp lực thành động lực
Biến học ngoại ngữ từ áp lực thành động lực

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng một trong những thách thức lớn nhất của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước ta chính là khả năng sử dụng tiếng Anh. Do đó, cần sớm chuyển việc học tiếng Anh từ áp lực thành động lực, đẩy nhanh phổ cập tiếng Anh cho giới trẻ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN