'Rối loạn' dạy và học ở thành phố Vũng Tàu vì những quyết định tùy tiện

Ngay trong tháng đầu năm học mới, thầy, cô giáo các trường từ cấp học Mầm non đến Trung học cơ sở của TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) phải chịu áp lực nặng nề do cung cách quản lý, điều hành tùy tiện, vô cảm của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố này.

Phòng mải chơi hè, trường không kịp trở tay

Chú thích ảnh
Trụ sở Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vũng Tàu.

Ngày 2/12/2022, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành quyết định 3700/QĐ-UBND “phê duyệt kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn, kiến thức kỹ năng, nghiệp vụ… năm 2023”. Trên cơ sở đó, ngày 30/12/2022, UBND TP Vũng Tàu có Kế hoạch 11865/KH-UBND về tổ chức các lớp bồi dưỡng tiêu chuẩn kiến thức kỹ năng nghiệp vụ năm 2023, trong đó lưu ý công tác bồi dưỡng năm học 2022 - 2023 phải hoàn thành trước tháng 9/2023.

Dù kế hoạch có từ sớm, nhưng tới ngày 17/4/2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vũng Tàu bất ngờ có tờ trình số 545/GDĐT đề nghị điều chỉnh số lớp từ 54 xuống 36 lớp và tiếp đến là Tờ trình số 548/TTr-GDĐT đề nghị phê duyệt tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho viên chức đơn vị sự nghiệp giáo dục thành phố năm 2023. Bất ngờ hơn là trước đó, ngày 10/4/2023, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch số 493/KH-GDĐT tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị hè, bồi dưỡng thường xuyên các bộ quản lý, viên chức ngành giáo dục năm 2023 tự ý điều chỉnh số lớp từ 54 lớp xuống còn 36 lớp.

Trước kiến nghị của Phòng Giáo dục và Đào tạo, ngày 26/5/2023, UBND TP Vũng Tàu đã có công văn số 3529/UBND-NV đề nghị Sở Nội vụ xem xét mở lớp bồi dưỡng thường xuyên năm học 2022 - 2023 cho TP Vũng Tàu với số lượng 36 lớp. Ngày 30/5/2023, Sở Nội vụ đã có Quyết định số 193/QĐ-SNV phê duyệt mở lớp bồi dưỡng thường xuyên năm học 2022 - 2023 theo đề nghị của TP Vũng Tàu.  

Dù kế hoạch có thay đổi nhưng cũng đã kịp ban hành để Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp bồi dưỡng vào dịp hè như thường lệ, thuận tiện cho các trường. Tuy nhiên, tới ngày 30/8, Phòng Giáo dục và Đào tạo mới có thông báo về việc tổ chức lớp bồi dưỡng thường xuyên năm học 2022 - 2023 với số lượng 3.093 người học trực tiếp, 24.512 người học trực tuyến và thời gian bắt đầu ngay từ ngày 31/8 đến hết 30/9.

Việc mở lớp quá gấp, dồn dập, lại đúng vào thời điểm bận rộn dịp chuẩn bị khai giảng và bắt đầu năm học mới khiến các trường không kịp trở tay, rơi vào tình trạng rối loạn. Có ngày, có trường một loạt giáo viên phải tham dự các lớp bồi dưỡng, khiến lãnh đạo trường không xoay xở, bố trí được giáo viên đứng lớp dạy thay. Có thầy, cô học trực tiếp sáng, chiều và tối tiếp tục học trực tuyến, đã không còn thời gian chuẩn bị giáo án cũng như các công việc khác của trường và gia đình. 

Hiệu trưởng một trường Mầm non cho biết, có ngày phải huy động cả những nhân viên khác trong trường trông trẻ giùm để cô đi học. Các cô phải chịu áp lực rất nặng nề, không còn tâm trí ngồi học vì nghĩ đến các cháu quá bé, chưa quen lớp, quen cô, khóc rất nhiều và rủi có chuyện gì xảy ra thì không biết sẽ như thế nào!

Không những thế, quá nửa tháng 9, Phòng Giáo dục và Đào tạo mới phát hiện có nhiều học viên trùng 2 - 3 lớp một ngày. Nhiều giáo viên cho biết, dù biết các lớp bồi dưỡng rất hữu ích, nhưng vì quá mệt mỏi, không muốn phiền phức thêm nên chỉ âm thầm chuyền tay nhau ký danh sách điểm danh những lớp không tham dự được!

Điều hành vô cảm, học trò “lãnh đủ”

Chú thích ảnh
Trẻ em ở một xóm chài lưới nghèo ven sông Dinh đường 30/4, thành phố Vũng Tàu.

Theo báo cáo của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vũng Tàu, kết quả tuyển sinh mầm non năm học 2023 - 2024, tổng số học sinh được phê duyệt vào 27 trường mầm non công lập trên địa bàn là 2.734 trẻ/3.771 trẻ, đạt tỉ lệ 72,5%. 

Như vậy, so với Phương án tuyển sinh do chính Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND TP Vũng Tàu, các trường mầm non công lập còn thiếu 1.037/3.771 trẻ. Sai số quá lớn và điều này khá khó hiểu đối với những địa bàn có đông lao động nghèo của TP Vũng Tàu luôn muốn gửi con vào trường công lập để giảm bớt gánh nặng chi phí. 

Qua tìm hiểu, sau tuyển sinh đợt 2 khép lại (2/8), nhiều phụ huynh đã đưa trẻ đến trường mầm non công lập xin học. Nguyên nhân là do thời gian tuyển sinh ngắn, lần đầu thực hiện bằng hình thức trực tuyến trong khi nhiều phụ huynh nghèo không nắm được công nghệ, đi làm ăn xa hoặc kết thúc tuyển sinh mới có kế hoạch đưa con đi học. Tuy nhiên, các trường không được tuyển số trẻ này mà phải trình Phòng Giáo dục và Đào tạo quyết.

Dù trẻ cần đi học, phụ huynh cần có nơi gửi con để đi làm, đồng thời các trường còn đang thiếu trẻ nhưng cả tháng trời, Phòng Giáo dục và Đào tạo không hề có tham mưu, đề xuất gì cho UBND TP Vũng Tàu để xử lý. 

Phải đến ngày 21/9/2023, trên phần mềm quản lý văn bản điện tử (iDesk) của UBND TP Vũng Tàu mới nhận được công văn số 1381/GDĐT do Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Lan Hương ký tham mưu cho UBND TP Vũng Tàu. Tại công văn này, Phòng Giáo dục và Đào tạo đề nghị không tăng trẻ tại các trường mầm non công lập và tiếp tục tuyển sinh bổ sung đối với các trường mầm non ngoài công lập với lý do ngành giáo dục và đào tạo đang thực hiện lộ trình tinh giảm biên chế... Điều lạ lùng là công văn này lại được ký từ 6 ngày trước đó (ngày 15/9)! 

Theo đề nghị trên, ngày 25/9, UBND TP Vũng Tàu đã có công văn số 777/GM-UBND mời các ban ngành liên quan của thành phố họp vào ngày 26/9 để đánh giá tình hình, có quyết định đúng. Thế nhưng, chuyện như đùa khi chiều 25/9, trên iDesk của UBND TP Vũng Tàu lại nhận được công văn 1421/GDĐT do Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo Nguyễn Thị Lan Hương ký từ ngày 22/9 đề nghị UBND TP Vũng Tàu cho phép tiếp tục tuyển sinh mầm non năm học 2023 - 2024 từ 26/9 đến hết 30/9!

Khi phóng viên đặt câu hỏi, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu Nguyễn Thị Thu Hương thừa nhận, sau khi kết thúc tuyển sinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chưa kịp thời báo cáo đề xuất, tham mưu cho thành phố đối với những trường chưa tuyển sinh đủ theo Phương án. Bà Hương cho biết thêm, tại cuộc họp với các cơ quan liên quan vào ngày 26/9, UBND TP Vũng Tàu đã quyết định cho tiếp tục tuyển sinh theo chỉ tiêu được duyệt đối với các trường Mầm non.

Năm học 2023 - 2024, TP Vũng Tàu có 1.024 học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ tập vở, sách giáo khoa. Ngày 11/8/2023, UBND TP Vũng Tàu có quyết định 4508/QĐ-UBND phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sắm sách giáo khoa, tập vở cho học sinh dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chậm trễ trong việc triển khai nên ngày 11/9, sau khi đã vào học được 1 tuần, học sinh dân tộc thiểu số vẫn chưa nhận được sách giáo khoa, tập vở để học, phải phản ánh lên đường dây nóng của tỉnh.

Một số Hiệu trưởng có thâm niên nhiều năm công tác trong ngành giáo dục thành phố Vũng Tàu cho biết, trước đây, thành phố chưa bao giờ xảy ra tình trạng trên. 

Trước tình hình kinh tế khó khăn và đại dịch COVID-19 tác động, năm học 2022 - 2023, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết miễn 100% học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi và học sinh Trung học cơ sở và mới đây tiếp tục ra Nghị quyết hỗ trợ học phí cho trẻ mẫu giáo 3 - 4 tuổi,… để tạo điều kiện cho trẻ được đến trường. Thế nhưng, thực tế, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Vũng Tàu lại đang làm khó thầy cô, học sinh. Trách nhiệm này thuộc về ai đang rất cần đươc cơ quan chức năng ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Vũng Tàu sớm làm rõ, xử lý.

Đoàn Mạnh Dương (TTXVN)
Hải Dương: Cử tri kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến giáo dục, nông nghiệp
Hải Dương: Cử tri kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến giáo dục, nông nghiệp

Ngày 29/9, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV tại huyện Thanh Miện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN