Cục trưởng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh:

Quy chế thi mới tạo thuận lợi hơn cho thí sinh

Nhằm làm rõ hơn những thay đổi trong Quy chế kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 vừa được ban hành, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGs Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trao đổi.

* Ông có thể cho biết so với Dự thảo được công bố trước đây, Quy chế kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 có những điểm gì mới và lý do của sự đổi mới này là gì?

Từ khi dự thảo được đưa ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận được sự quan tâm rất lớn, đặc biệt của lãnh đạo Đảng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách Vũ Đức Đam, ý kiến phản biện của các nhà giáo, chuyên gia, phụ huynh học sinh và toàn xã hội. Với tinh thần trách nhiệm cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu có chọn lọc và ngày 26/2, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức ký thông tư ban hành Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm 2015. So với dự thảo quy chế thông báo ngày 18/12/2014, Quy chế thi THPT quốc gia năm 2015 có một số điểm mới như sau:

Thứ nhất, về việc tổ chức các cụm thi, đối với những thí sinh dự thi lấy kết quả để xét tuyển vào đại học, cao đẳng và xét công nhận tốt nghiệp THPT, các em sẽ dự thi tại cụm thi do các trường đại học chủ trì phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo. Các thí sinh thi ở cụm thi này sẽ đến từ ít nhất 2 tỉnh, thành phố. Đối với những thí sinh dự thi chỉ lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT, các em sẽ dự thi tại trường hoặc liên trường THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các trường đại học, cao đẳng. Việc tổ chức các cụm thi đều diễn ra theo cùng một quy trình, cùng một quy chế hướng tới một kỳ thi công bằng, nghiêm túc cho cả hệ thống.

Điểm mới thứ hai là tiếp tục sử dụng thang điểm 10 cho tất cả các môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Dự thảo quy chế có đề xuất dùng thang điểm 20 để thuận lợi hơn trong việc chấm thi và phân hóa trình độ của thí sinh. Tuy nhiên, để không gây lo lắng cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, việc sử dụng thang điểm 10 như những năm trước đây cũng hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của kỳ thi.

Thứ ba, đối với việc xét tuyển đại học, cao đẳng, mỗi thí sinh dự thi sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó, 1 giấy chứng nhận kết quả được sử dụng để xét tuyển đợt 1. Trong thời gian 20 ngày của đợt xét tuyển đợt 1, các em được thay đổi nguyện vọng của mình, có nghĩa là rút hồ sơ đăng ký của trường này để nộp vào một trường khác.

Với mỗi giấy chứng nhận kết quả thi như vậy, các em được sử dụng để đăng ký tối đa 4 nguyện vọng để đăng ký vào 4 ngành, chuyên ngành của một trường. Sau khi kết thúc đợt xét tuyển nguyện vọng 1, các thí sinh đã trúng tuyển không được phép xét tuyển các đợt bổ sung tiếp theo. Ba giấy xét tuyển nguyện vọng còn lại, các em sẽ được sử dụng để tham gia các đợt xét tuyển sau, mỗi đợt cũng kéo dài 20 ngày. Có một điểm mới là, ở mỗi đợt này, các em được sử dụng tối đa 3 giấy chứng nhận kết quả còn lại để tham gia xét tuyển các đợt bổ sung, với nguyên tắc là điểm xét tuyển của đợt sau không được thấp hơn điểm trúng tuyển của đợt trước.

* Ông có thể giải thích rõ hơn những quy định mới này có tác động như thế nào đến thí sinh?

Những tác động này đều hướng tới bảo đảm sự thuận lợi nhiều hơn cho thí sinh. Thứ nhất là đối với những thí sinh dự thi để xét tuyển đại học, cao đẳng, các em sẽ có những thuận lợi hơn so với các năm trước, cụ thể như: di chuyển khoảng cách gần hơn khi đi thi, thứ hai là có kết quả thi rồi các em mới đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào đại học, cao đẳng, các em sẽ có cơ sở để lựa chọn trường phù hợp hơn.

Trong quá trình xét tuyển, ba ngày một lần, các trường đại học, cao đẳng phải công bố tình hình xét tuyển của mình, trong đó, đưa ra danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình, theo điểm từ cao xuống thấp. Trên cơ sở đó, các em sẽ căn chỉnh được khả năng trúng tuyển của mình đến đâu. Đây là điểm hỗ trợ mới rất lớn cho các thí sinh. Một điểm nữa là, với các đợt xét tuyển bổ sung từ đợt 2 trở đi, các thí sinh được gửi cùng lúc ba giấy chứng nhận còn lại để đăng ký xét tuyển.

Đối với những học sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, các em cũng không có gì khó khăn hơn các năm trước. Cụ thể, các em vẫn được thi tại trường mình hoặc thi tại các cụm thi liên trường lân cận đó, do Sở Giáo dục và Đào tạo tại tỉnh tổ chức.

* So với dự thảo trước đây, Quy chế chính thức có điểm thay đổi nổi bật là việc tổ chức các cụm thi. Sẽ có hai loại cụm thi do các Sở Giáo dục Đào tạo chủ trì và các trường đại học chủ trì. Vậy Bộ sẽ triển khai các hoạt động như thế nào nhằm đảm bảo sự nghiêm túc, công bằng, khách quan đối với tất cả các cụm thi?

Cần phải khẳng định, các cụm thi tại trường hoặc liên trường do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì vẫn có sự tham gia của các trường đại học. Cùng với quy chế này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết để theo đó, các cụm thi do các trường đại học chủ trì hay do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì đều diễn ra trong một quy trình, cách thức tổ chức giống nhau.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến kỳ thi cũng áp dụng đồng bộ đối với tất cả các cụm thi trong cả nước. Đặc biệt, đối với giáo dục, niềm tin với đội ngũ nhà giáo luôn là tiêu chí quan trọng nhất. Niềm tin, trách nhiệm ấy đặt trong một không gian quản lý cụ thể sẽ được kiểm tra, giám sát và được điều chỉnh. Tất cả những yếu tố nói trên sẽ được thực hiện đồng bộ, hướng tới một kỳ thi công bằng, nghiêm túc trong toàn hệ thống.

Chúng tôi đã dự kiến, trong thời gian đăng ký dự thi, các em có quyền thay đổi nguyện vọng của mình. Nhưng hết thời điểm đăng ký dự thi, khi danh sách đã được chốt lại trên toàn hệ thống, các em sẽ được chấp nhận và vận hành theo nguyện vọng đã đăng ký. Đối với những thí sinh ban đầu dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp, các em vẫn còn những cách thức khác nhau để vào học tại các trường đại học, cao đẳng. Cụ thể, các em có thể tham khảo thông tin tuyển sinh của hơn 260 trường đại học, cao đẳng tuyển sinh theo đề án tuyển sinh riêng, dựa trên cơ sở là kết quả học tập của các em ở THPT để tuyển sinh.

Trong tháng ba, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn thi, tổ chức tập huấn về quy chế thi, tập huấn phần mềm để từ đầu tháng 4, các em bắt đầu đăng ký dự thi. Thời gian đăng ký dự thi trong vòng 1 tháng. Phần mềm hỗ trợ kỳ thi THPT quốc gia có rất nhiều chức năng, trong đó có 1 phân hệ về vấn đề đăng ký dự thi của thí sinh.

Theo đó, trong quá trình các em đăng ký dự thi, số liệu đăng ký sẽ được phần mềm cập nhật. Trong khoảng thời gian cho phép, các em có thể truy cập vào hệ thống này qua máy tính hoặc có thiết bị kỹ thuật số thông minh để xem kết quả đăng ký của mình và có thể thay đổi. Hết thời gian đăng ký dự thi, danh sách đăng ký dự thi sẽ được chốt trên hệ thống.

Mỗi một thí sinh sẽ là duy nhất, các em sẽ có một số báo danh duy nhất, các thông tin cá nhân của các em cũng sẽ là duy nhất trong suốt quá trình thi. Đây là một trong những giải pháp kỹ thuật để khắc phục tình trạng thi hộ, thi thay hoặc những gian dối khác có thể xảy ra trong kỳ thi.

Trân trọng cảm ơn ông.


Việt Hà thực hiện (TTXVN)

Làm rõ hơn Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia
Làm rõ hơn Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia

Vẫn còn một số ý kiến băn khoăn cho rằng Bộ Giáo dục - Đào tạo cần có những hướng dẫn cụ thể hơn về quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN