Quản lý dạy thêm, học thêm - Bài 1: Dạy thêm, học thêm: Nhìn từ nhiều phía

Thông tư 17/2012/TT- BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) về việc quản lý dạy thêm, học thêm (DTHT) đã có hiệu lực gần 5 tháng. Nhưng nhiều địa phương vẫn đang còn “đau đầu” khi đưa ra các quy định siết chặt quản lý hoạt động này.

 

Bài 1: Dạy thêm, học thêm: Nhìn từ nhiều phía

 

Nhiều tỉnh, thành phố lớn, nơi tình trạng DTHT trở nên phức tạp đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc đưa ra quy định quản lý DTHT. Có luồng ý kiến cho rằng DTHT với bậc tiểu học là không cần thiết, trong khi một lượng không nhỏ học sinh, phụ huynh lại có nhu cầu DTHT.

 

Không để dạy thêm, học thêm tràn lan


Một phụ huynh có con học ở trường tiểu học Lý Thường Kiệt (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) tâm sự: “Một số bạn bè tôi có con học các trường tiểu học dân lập như: Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Lê Quý Đôn... thấy các cháu học rất nhẹ nhàng, không phải đi học thêm và đặc biệt không bao giờ phải mang bài về nhà làm. Bởi nhà trường giải thích các cháu đã học 2 buổi/ngày rồi nên việc học làm bài tập sẽ hoàn thành luôn trong ngày. Trong khi con tôi học công lập, tối nào hai mẹ con cũng đánh vật với bài tập về nhà, có nhiều hôm tới 10, 11 giờ đêm. Những bài tôi không giải đáp được đành cho con đến lớp học thêm. Tại sao khối dân lập lại giải quyết được vấn đề này, còn công lập học sinh đi học khổ vậy”. Vị phụ huynh này cũng bật mí, cô giáo tổ chức lớp dạy thêm cho một số học sinh trong lớp, một số phụ huynh còn lại thấy vậy cũng cho con mình đến lớp học thêm của cô chỉ vì tâm lý sợ cô không quan tâm đến con mình.


Thực tế như vị phụ huynh nêu trên đang được xem xét là tâm lý số đông, diễn ra ở các bậc học tại các thành phố lớn.


Chia sẻ về một phần của thực trạng DTHT tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh đánh giá: “DTHT có khía cạnh tiêu cực như giáo viên muốn làm giàu, ép học sinh đi học thêm từ đó lại nảy sinh tiêu cực trong đối xử và đánh giá kết quả học tập. Việc DTHT tạo ra thu nhập cho giáo viên, đáp ứng một phần nhu cầu cuộc sống. Từ vấn đề này đang làm nảy sinh nhiều tiêu cực trong xã hội nên ngành giáo dục đã ban hành nhiều thông tư quy định về DTHT để hạn chế các tiêu cực. Vì vậy không nên cấm tuyệt đối việc DTHT mà nên có cách quản lý như thế nào để làm sao hạn chế được tình trạng DTHT tràn lan”.


Để không DTHT tràn lan, ông Phạm Xuân Tiến, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD - ĐT Hà Nội, cho rằng, DTHT phải đảm bảo các nguyên tắc như đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý. Không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Không tổ chức lớp DTHT theo các lớp học chính khóa, học sinh trong cùng một lớp học thêm phải có học lực tương đương nhau. Đồng thời xếp lớp học thêm phải căn cứ vào năng lực học sinh.

 

Cần xem xét lại nhu cầu


Sau khi Thông tư 17 quy định về DTHT của Bộ GD - ĐT có hiệu lực, nhiều địa phương đã chấp hành bằng cách cấm tuyệt đối tất cả các hình thức DTHT. Nhiều tình cảnh bi hài đã diễn ra làm không ít giáo viên bức xúc. Hàng loạt lớp dạy thêm ngoài giờ bị đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giáo viên bị lập biên bản ngay ở buổi học. Một giáo viên trường tiểu học Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội, tâm sự: “Nhiều phụ huynh thấy cấm dạy thêm ở tiểu học thì nhiều lần đến tận nhà để xin cho con được học thêm. Có một số cô giáo nể vẫn mở lớp nhưng đi dạy học mà như đi ăn trộm. Một người bạn dạy ngoại ngữ cấp III của tôi kể khi đang dạy học chỉ cần nghe thấy tiếng gõ cửa thôi thì cả cô và trò đều hốt hoảng. Thậm chí có hôm người thu tiền điện đến tưởng đoàn kiểm tra thì mấy học trò nam phải ôm sách, trèo tường sang nhà khác trốn. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến nhận thức của học sinh, xã hội với thầy cô giáo. Chúng tôi dạy các em không được nói dối nhưng hành động đang làm thì chẳng khác nào dối trá. Thật xót xa cho nghề giáo bây giờ”.


Chị Thu Lam, có con đang học lớp 4 ở trường tiểu học Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội, cho rằng: Bản thân vợ chồng tôi không thể tiếp cận với phương pháp giáo dục mới. Cách dạy bây giờ cũng khác thời chúng tôi học. Bên cạnh đó, chương trình học khá nặng, ở trên lớp con tôi không thể theo được nên mới đi học thêm. Tôi thường bảo với con rằng: Nếu bài nào chưa hiểu, trên lớp chưa hỏi được thì con nên hỏi ở lớp học thêm. Chỉ cần con mình hiểu rõ bài học chứ không cần học trước chương trình hay học nâng cao... Đây không phải là nhu cầu riêng mình tôi”.


Cô M. P, giáo viên một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Mỗi tuần tôi dạy thêm 3 buổi vào khoảng 7 giờ tối với một lớp từ 12 - 15 học sinh. Đa số những học sinh tới chỗ tôi học đều do phụ huynh yêu cầu tôi kèm thêm và soạn bài vở cho các cháu do họ không có thời gian”.


Thầy Ngọc Phi, Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Trọng Tuyển (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) thừa nhận: DTHT là một nhu cầu có thật. Phụ huynh có nhu cầu con được kèm cặp thêm hoặc cần người trông con nên muốn cho con đi học thêm. Không ít giáo viên muốn cải thiện đời sống nên dạy thêm. Tôi thấy việc giáo viên ép học sinh đi học thêm chỉ là một con số rất nhỏ bởi hầu hết giáo viên đều có lòng tự trọng của một người thầy.


Ông Nguyễn Hữu Danh, Phó Chủ tịch Hội Giáo chức TP Hồ Chí Minh cho rằng, cấm DTHT là không nên vì đó là nhu cầu có thực. Dạy thêm có còn mang yếu tố tiêu cực hay không nếu đời sống giáo viên được chăm lo đầy đủ, được cấp nhà công vụ như ngày xưa? Nếu được vậy ít nhất chuyện dạy thêm sẽ quay trở lại đúng xuất phát điểm của nó chỉ để phụ đạo học sinh yếu kém.


“Về mặt nào đó chúng ta cần phải thừa nhận mặt tích cực của DTHT như: nâng cao khả năng trình độ của học sinh, giúp học sinh yếu kém học tốt. Qua đó, giáo viên không ngừng tìm tòi hoàn thiện về kiến thức cũng như phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng đòi hỏi chuyên môn của ngành. Việc DTHT đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết.


Lê Vân - Đan Phương

 

Bài cuối: Không để phát sinh tiêu cực

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN