Quá tải, quá tải học sinh

Chị Phương Lan (Tập thể trường Múa, Mai Dịch, Hà Nội) có con gái nhập học trường mầm non Dịch Vọng tá hỏa vì lớp con mình có tới… 69 cháu. Với sĩ số này, chị Lan kỳ vọng sẽ được 4 cô giáo/lớp nhưng nhà trường vẫn chưa thông báo cụ thể để phụ huynh biết.


“Thực sự tôi lo lắng lớp đông, trẻ nhỏ sức đề kháng không tốt sẽ dễ mắc bệnh, cô giáo ít có điều kiện quan tâm. Nhưng gia đình tôi không có sự lựa chọn khác. Vì học trường công lập thì học phí thấp và gần nhà bố mẹ tôi nên tiện việc đưa đón cháu”, chị Lan nói.


Sĩ số đông gần gấp đôi quy định


Theo điều lệ trường mầm non, tiểu học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì mỗi lớp tiểu học không quá 35 học sinh, lớp mẫu giáo tối đa là 35 trẻ/lớp. Tuy nhiên, rất ít các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là nhóm trường công lập đáp ứng được tiêu chuẩn này. Sĩ số, lớp học thường tăng gần gấp đôi so với quy định. Điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học ở hai bậc học trên.


Lớp học đông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của học sinh.

Đây là thời điểm các trường đang đón học sinh. Không ít phụ huynh, đặc biệt nhiều phụ huynh ở quận Đống Đa, Hoàn Kiếm than phiền rằng sĩ số lớp học quá đông, khiến con em họ thiệt thòi và tạo áp lực không nhỏ cho giáo viên.


Bậc mầm non đã đông, bậc tiểu học cũng đông không kém. Chị Thu Trang (phố Hoàng Ngọc Phách, quận Đống Đa) có con học trường tiểu học Nam Thành Công cho biết, năm nay con chị học lớp 1 mà sĩ số đã 61 cháu/lớp. Tuy nhiên, chị không còn lựa chọn nào khác vì quá tải học sinh là tình trạng chung của hầu hết các trường công lập ở Hà Nội.


Theo khảo sát, tình trạng quá tải sĩ số lớp học cũng diễn ra tại các trường tiểu học ở quận Đống Đa như: Cát Linh, Kim Liên… Trong một lần chia sẻ về tình trạng quá tải sĩ số lớp học, cô Nguyễn Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Cát Linh cho biết, trên địa bàn phường Văn Miếu có hai trường tiểu học dân lập là: Cát Linh và Lý Thường Kiệt. Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt thậm chí còn có khuôn viên rộng rãi hơn nhưng nhiều phụ huynh vẫn xin cho con trường Tiểu học Cát Linh.


Mặc dù khi tiếp nhận hồ sơ của phụ huynh, nhà trường đều giải thích rằng chất lượng hai trường như nhau, thậm chí khuôn viên của trường Lý Thường Kiệt rộng rãi hơn, sĩ số lớp học ít hơn nhưng đa số phụ huynh đều có nguyện vọng cho con học ở trường Tiểu học Cát Linh. Theo các nhà giáo dục, tâm lý chọn trường chọn lớp của phụ huynh cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải sĩ số lớp học.

 

Lo ngại chất lượng học tập


Một số giáo viên mầm non, tiểu học thừa nhận một thực tế rằng, sĩ số lớp học đông sẽ khó có thể chăm sóc, quan tâm đầy đủ tới học sinh, đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non. Một cô giáo dạy lớp mẫu giáo bé một trường mầm non ở quận Hai Bà Trưng cho biết, lớp học có 50 cháu/lớp nhưng hai giáo viên phải thay phiên nhau làm đủ các việc, từ việc dọn cơm, xúc cơm đến cho đi ngủ, dọn lớp… Vì vậy, với số lượng các cháu quá đông sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc chăm sóc.


Cô Nguyễn Lan Anh, Phó Hiệu trưởng trường mầm non Tuổi hoa (quận Ba Đình) chia sẻ, tình trạng lớp đông sẽ ảnh hưởng đến trẻ nhưng nhiều trường ở Hà Nội vẫn sẽ phải đối mặt vì quỹ đất không có.


Theo thống kê của Sở GD - ĐT Hà Nội, hiện thành phố có 857 trường mầm non với 12.847 nhóm lớp, 368.700 cháu. Thế nhưng, số trường mầm non công lập chỉ khoảng 660 cơ sở, đáp ứng cho 9.284 nhóm lớp và 312.400 cháu. Ở cấp tiểu học, số trường công lập là 656, trong khi nhu cầu học là rất lớn.

Trường mầm non Tuổi hoa được công nhận trường chuẩn quốc gia nhưng trung bình sĩ số lớp học cũng lên tới 48 trẻ/lớp. Để giải quyết tình trạng này, nhà trường đã phải bố trí mỗi lớp 3 giáo viên. Vì vậy nhiều phụ huynh khá yên tâm với lớp học.


“Nhiều trường trên địa bàn Hà Nội đối mặt với sĩ số lớp đông, trong khi điều kiện cơ sở vật chất chưa tương xứng. Có trường đến giờ trẻ ăn cơm phải kê bàn ra ngoài sân mới đủ chỗ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc trẻ cũng như khả năng tiếp thu bài giảng của học sinh”, cô Lan Anh bày tỏ.


Tình trạng quá tải sĩ số lớp học đã được đề cập nhiều khi đến mùa tựu trường. Nguyên nhân được chỉ ra là do tâm lý chọn trường của phụ huynh, việc xây dựng các khu chung cư chưa đi đôi với quy hoạch mạng lưới trường lớp, thiếu quỹ đất… Đại diện nhiều trường cho biết, nhà trường cũng đã “kêu” nhiều nên bây giờ chỉ còn biết chờ quy hoạch của thành phố nhằm mong có một chỗ học rộng rãi cho học sinh.



Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN