Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi

Bên cạnh khó khăn chung về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên, huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) còn gặp khó trong công tác huy động trẻ. Tuy nhiên, sau 5 năm kiên trì, nỗ lực huy động trẻ đến trường, huyện nghèo Thạnh Phú đã đạt chuẩn “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi” vào năm 2014.

Sinh hoạt chiều của lớp mẫu giáo 5 tuổi, trường Mầm non xã An Thuận, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.


Khó khăn của huyện vùng xa


Năm 2010, ngành giáo dục tỉnh Bến Tre thực hiện Quyết định 239/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch 973/KH - UBND của UBND tỉnh Bến Tre về thực hiện “Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015” nhưng đến năm 2011, huyện Thạnh Phú mới “đủ mạnh dạn” thực hiện đề án trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Địa hình không thuận lợi do sông ngòi chằng chịt, cùng với việc nhận thức của phụ huynh học sinh chưa đúng, cho rằng không học mẫu giáo thì vẫn học được lớp 1 là “trở ngại” lớn đối với ngành giáo dục huyện Thạnh Phú. Bên cạnh đó, việc đưa đón trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày là một việc rất khó khăn cho phụ huynh khi các điểm trường trung tâm chưa tổ chức được bán trú.

Khi đó, huyện Thạnh Phú có 18 xã, thị trấn với 52 điểm trường mẫu giáo nhưng trong đó chỉ có 5 trường mẫu giáo mở lớp bán trú. Ba xã An Thuận, An Qui và An Nhơn là những xã bãi ngang của huyện Thạnh Phú. Trường mầm non An Thuận được thành lập vào năm học 2005 - 2006 với ba điểm trường nhưng tới năm học 2014 - 2015, Trường mới mở được lớp bán trú cho các trẻ. Cô Nguyễn Thị Thu, Hiệu trưởng Trường mầm non An Thuận cho biết: “Khi trường mới thành lập, cơ sở vật chất hết sức nghèo nàn nên phụ huynh không yên tâm khi gửi trẻ đến trường. Ngoài ra, trường cũng chưa mở bán trú nên phụ huynh phải đưa con đi - về 4 lần/ngày, do đó, nhiều phụ huynh không thể cho con đi học mẫu giáo mà đợi đến lớp 1 cho đi học luôn”.

Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục mầm non ở vị trí xa, phụ huynh phải đưa trẻ đi bộ nhiều cây số mới đến được trường như: Doi Đước (xã Thạnh Hải), Cồn Dài (xã Thạnh Phong), Biện Lễ (xã Mỹ An). Cùng với đó là điều kiện trường lớp ở một số xã chưa thật sự khang trang, đồ dùng, đồ chơi cho trẻ còn thiếu, chưa thu hút được học sinh đến trường, đến lớp... Vì thế, kết quả huy động trẻ 5 tuổi ra lớp rất thấp so với chỉ tiêu, kế hoạch đề ra và so với mặt bằng chung của tỉnh: Năm học 2008 - 2009 đạt 89,2%; năm học 2009 - 2010 đạt 90,4%; năm học 2010 - 2011 huy động đạt 92,9%... Trước thực trạng trên, Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục huyện Thạch Phú tổ chức nhiều cuộc họp để đánh giá, phân tích nguyên nhân và tìm các biện pháp để tháo gỡ với quyết tâm huy động hết trẻ 5 tuổi ra lớp đạt từ 95% đối với những xã khó khăn và 100% đối với xã thuận lợi.

Thành công từ những nỗ lực

Xã Giao Thạnh là một trong những xã khó khăn của huyện Thạnh Phú, phần lớn phụ huynh đều làm nghề nông nghiệp. Năm 2010, Trường mẫu giáo Giao Thạnh chỉ có 4 phòng học, cơ sở vật chất, trang thiết bị không đủ để học sinh học tập và vui chơi. Đó là một trong những nguyên nhân không thu hút được học sinh đến lớp. Chính vì thế năm học 2009 - 2010 và năm học 2010 - 2011, Trường mẫu giáo Giao Thạnh vẫn không huy động được 100% trẻ đến lớp nhưng năm học 2011 - 2012 đến nay, ba điểm Trường mẫu giáo Giao Thạnh đều đạt 100% trẻ 5 tuổi đến lớp.

Để đạt được kết quả đó, cô Huỳnh Thị Cẩm, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Giao Thạnh cho biết: “Khai giảng đầu năm học mà vẫn chưa nhận được đủ số trẻ trong danh sách thì nhà trường sẽ đến tận gia đình để vận động phụ huynh. Giáo viên sẽ tuyên truyền, giải thích cho phụ huynh hiểu về ý nghĩa của việc đưa trẻ đến trường giúp trẻ tự tin và làm quen bạn bè trước khi bước vào lớp 1. Khi phụ huynh đã hiểu được thì tự đưa trẻ đến trường”.

Đó cũng là một trong những phương pháp mà tất cả các trường trên địa bàn huyện Thạnh Phú thực hiện để huy động trẻ 5 tuổi đến trường. Hiện nay, các cơ sở giáo dục mầm non luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: Góc tuyên truyền ở nhóm trẻ, lớp mẫu giáo trong sân trường, phát thanh trên báo, đài về tầm quan trọng của việc cho trẻ 5 tuổi đến trường...


Chị Nguyễn Thị Trọn, ấp An Huề, xã An Qui chia sẻ: “Trước đây, do điều kiện khó khăn nên chúng tôi ít quan tâm đến việc học của con em. Khi trẻ được 6 tuổi phụ huynh mới đưa đi lớp 1, không thông qua học mẫu giáo. Nhưng từ khi trường mầm non được đầu tư khang trang, mở thêm lớp bán trú, thì hầu hết phụ huynh đều hưởng ứng”.

Trưởng phòng giáo dục huyện Thạnh Phú Nguyễn Ngọc Tân cho biết thêm, trong 5 năm qua, huyện đã vận động xã hội hóa trên 5,2 tỉ đồng để xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mở lớp bán trú, hỗ trợ mua sắm mới trang thiết bị, đồ chơi cho học sinh thêm phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc nhằm thu hút học sinh. Đồng thời, trợ giúp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn như: Trợ cấp học bổng, quần áo, tập vở, bảo hiểm y tế... Bên cạnh đó, Phòng giáo dục huyện cũng tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, tạo nhiều nguồn lực hơn cho giáo viên mầm non.


Bài và ảnh: Trần Thị Thu Hiền

Hà Nội cán đích sớm về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi
Hà Nội cán đích sớm về đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi

Hà Nội đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi vào năm 2013, trước 1 năm so với kế hoạch thành phố đề ra và trước 2 năm so với toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN