Phát triển thư viện điện tử đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0

“Phát triển thư viện điện tử ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu cách mạng 4.0” là chủ đề của hội thảo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 9/11 tại Hà Nội. Đây là diễn đàn để các đại biểu đánh giá thực trạng, xu thế phát triển thư viện điện tử ở Việt Nam hiện nay.

Đồng thời, các đại biểu đóng góp ý kiến về những cơ hội, thách thức đặt ra với ngành thư viện trong xây dựng tài liệu số, đa phương tiện; chính sách xử lý, quản lý, chia sẻ và sử dụng dữ liệu đáp ứng yêu cầu của người dùng, thích ứng với xu thế phát triển chung của cách mạng công nghiệp 4.0.

Chú thích ảnh
Sinh viên Đại học Duy Tân đăng nhập, khai thác tài nguyên số tại Thư viện của Trường. Ảnh: ictdanang.vn

Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Vũ Dương Thúy Ngà cho hay: Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các thư viện của Việt Nam đã phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Việc ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ đã làm thay đổi phương thức hoạt động trong thư viện.

Các thư viện Việt Nam đã và đang chuyển dịch từ mô hình truyền thống sang thư viện điện tử, thư viện số hiện đại. Sự thay đổi này mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng và chính các thư viện.

Đặc biệt, thư viện điện tử đã tạo ra cơ hội tiếp cận vốn tài liệu và nguồn lực thông tin không giới hạn không gian, thời gian cho độc giả. Với thư viện điện tử, thư viện số, người đọc không cần đến thư viện vẫn có thể khai thác được nguồn tài liệu thông qua máy tính, thiết bị thông minh kết nối internet…

Các đại biểu cũng nêu rõ, trước cách mạng công nghiệp 4.0, ngành thư viện đã được cảnh báo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ tụt hậu, gia tăng khoảng cách so với cộng đồng thư viện thế giới nếu không đổi mới hoạt động.

Cách mạng 4.0 xuất hiện, tốc độ thay đổi của công nghệ còn cao hơn, nếu các thư viện vẫn không thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ, phương thức hoạt động thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu vắng bạn đọc, không thể hoàn thành sứ mệnh cung cấp thông tin, tri thức hiệu quả...

Để đánh giá thực trạng thư viện điện tử ở Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành điều tra 106 thư viện gồm Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện tỉnh/thành phố, 36 thư viện trường đại học, cao đẳng và 6 thư viện bộ, ngành.

Kết quả cho thấy 98% các thư viện có xây dựng và vận hành thư viện điện tử, hình thành vốn tài liệu điện tử, tài liệu số. Trong đó, một số  thư viện, trung tâm thông tin - thư viện đã xây dựng được vốn tài liệu điện tử, tài liệu số lớn.

Trong quá trình xây dựng, vận hành, để tăng cường bổ sung cho vốn tài liệu điện tử/tài liệu số của mình, các thư viện cũng đã thực hiện mua, thuê quyền sử dụng tài nguyên số do đơn vị ngoài cung cấp. Khoảng 35% các thư viện có mua hoặc thuê quyền sử dụng từ các đơn vị cung cấp trong nước, nước ngoài. Ngoài ra, khoảng 37% các thư viện được khảo sát cho biết có thực hiện việc liên kết, sử dụng chung nguồn lực thông tin với các thư viện khác.

Một số thư viện đã chủ động sưu tập, khai thác các nguồn tài liệu truy cập mở để hình thành bộ sưu tập phục vụ bạn đọc… Tuy vậy, số lượng tài liệu điện tử cho các thư viện hiện chưa nhiều. Việc số hóa tài liệu chủ yếu được thực hiện trong các thư viện là tài liệu nội sinh (tại đại học, viện nghiên cứu), tài liệu hết bản quyền, tài liệu địa chí (thư viện công cộng)…

Nhiều không gian mới của thư viện đã hình thành, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng bạn đọc. Trong đó có không gian chia sẻ - S.hub dành cho người trưởng thành; không gian thân thiện cho thiếu nhi kết hợp nhu cầu học tập, trải nghiệm, tìm hiểu và thực hành khoa học; không gian cho bạn đọc là người khuyết tật như sách nói cho người khiếm thị, thư viện cho người khiếm thính…

Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được tổng hợp để xây dựng định hướng phát triển thư viện điện tử, đề xuất chính sách nhằm phát triển loại hình này, tăng cường chia sẻ, kết nối giữa các thư viện, hình thành dữ liệu lớn (big data) trong ngành thư viện, hướng tới mở rộng cung ứng dịch vụ thư viện điện tử trong nước và thế giới.

Thanh Giang (TTXVN)
Hơn 20% bạn đọc không quen với dịch vụ trực tuyến thư viện
Hơn 20% bạn đọc không quen với dịch vụ trực tuyến thư viện

Tại hội thảo “Văn hóa đọc trong kỷ nguyên số” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức ngày 28/8, tại Hà Nội, bà Vũ Dương Thúy Nga, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết : Có 20% người dùng không quen với dịch vụ trực tuyến tại thư viện ; 80% chủ yếu là tra cứu sách giáo khoa và giáo trình, trong khi sách đọc nâng cao hiểu biết và kỹ năng sống rất ít được lựa chọn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN