Nhu cầu bán trú lớn, cơ sở bán trú vệ tinh nở rộ khó kiểm soát

Từ thực tế nhu cầu gửi con vào học bán trú rất lớn nhưng các trường học công lập lại chưa thể đáp ứng, đã xuất hiện mô hình bán trú vệ tinh. Mô hình này đã xuất hiện nhiều năm ở TP Hồ Chí Minh nhưng đến nay vẫn chưa có một cơ chế quản lý cụ thể.

Mỗi năm TP Hồ Chí Minh phải đón nhận một lượng lớn học sinh đầu cấp, đặc biệt là các quận, huyện ngoại thành là nơi tập trung đông dân nhập cư. Tuy nhiên, trường lớp xây dựng không theo kịp khiến việc tổ chức bán trú ở một số quận huyện như Thủ Đức, Bình Tân, quận 12... chỉ đáp ứng được khoảng 30%.


Một lãnh đạo của phòng giáo dục quận Thủ Đức chia sẻ, ngay tại khu vực Linh Trung có 3 trường tiểu học, phòng học không đảm bảo nên nhiều trường không tổ chức dạy học bán trú. Do ở đây con em công nhân phải làm cả ngày, không có người trông nom nên đến buổi học thứ 2, nhiều giáo viên đã dẫn học sinh về nhà tổ chức trông non, chăm sóc ăn uống, báo bài...


Tại trường Tiểu học An Hội (quận Gò Vấp) có khoảng 4.000 học sinh nhưng chỉ có 30% học sinh được học bán trú nên các cơ sở bán trú ở gần đây cũng thu hút khá đông phụ huynh đến gửi con. Theo ghi nhận, cứ sau giờ tan học buổi trưa, hàng trăm học sinh không được học bán trú trong trường sẽ được đưa về những cơ sở bán trú tư nhân ở gần đó. Tại các cơ sở này, các em sẽ được ăn uống, ngủ và được các nhân viên ở đây hướng dẫn làm bài và đến khoảng 17 giờ phụ huynh sẽ đón trẻ. Qua ghi nhận, tùy thuộc vào lớp học và số ngày học mà có giá khác nhau, trung bình khoảng 900.000 - 1,2 triệu đồng/tháng cho mỗi học sinh.

Không có người nhà đưa rước, trông nom những học sinh không được học bán trú trong trường sẽ được đưa đến một cơ sở bán trú tư nhân gần đó.

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bình Tân, cho rằng với nhu cầu phụ huynh gửi con vào các lớp bán trú là rất lớn nhưng khả năng đáp ứng của các trường công lại rất ít. Do đó, hoạt động của bán trú vệ tinh góp phần giảm bớt gánh nặng cho trường công.


Có thể thấy rằng, các cơ sở này hoạt động rất rầm rộ và đáp ứng một phần không nhỏ trong việc giải quyết nhu cầu của phụ huynh học sinh mà các trường công lập chưa làm được, nhưng việc quản lý và cấp phép các cơ sở này lại chưa có.


Đại diện một cơ sở bán trú vệ tinh ở quận Gò Vấp chia sẻ, do không có phụ huynh đưa đón nên các nhóm bán trú nhận trách nhiệm đưa đón học sinh về cơ sở để đảm bảo an toàn cho các em. Dù cơ sở này đã hoạt động từ năm 2007 dưới sự quản lý của UBND phường nhưng đến nay cơ sở này vẫn chưa có giấy phép chính thức.


Ông Ngô Văn Tuyên cho hay, việc quản lý mô hình này còn nhiều bất cập vì hiện tại thành phố chưa có cơ chế quản lý. Hiện chưa có UBND phường nào cấp phép dịch vụ này bởi vì UBND TP Hồ Chí Minh chưa có hướng dẫn cụ thể.


Có thể thấy rằng, việc sớm ban hành các văn bản quản lý, hướng dẫn hoạt động của mô hình bán trú vệ tinh sẽ giúp phụ huynh có nơi gửi con an toàn và phần nào giảm áp lực công tác tổ chức bán trú cho các trường.


Đan Phương/Báo Tin Tức
Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về bảng xếp hạng đại học
Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng về bảng xếp hạng đại học

Mới đây, một nhóm nghiên cứu độc lập đã công bố kết quả xếp hạng 49 trường đại học đã gây xôn xao dư luận. Đánh giá về việc này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) ghi nhận nỗ lực của nhóm đã chủ động nghiên cứu và công bố kết quả xếp hạng theo cách tiếp cận độc lập.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN