Nhọc nhằn gieo chữ nơi điểm trường

Đó là câu chuyện, là tâm sự không nói thành lời của những giáo viên đã và đang công tác tại những điểm trường, khu lẻ hay phân hiệu của những trường học ở vùng cao heo hút. Do học sinh ở xa nên nhà trường phải bố trí dựng nên những phân hiệu để tạo điều kiện cho các em được đi học.

Thiếu nhiều thứ

Lý do cơ bản nhất để các trường học vùng cao dựng nên các phân hiệu là nhiều trường học ở vùng cao, xa dân cư và có khoảng cách địa lý không thuận lợi như núi cao, suối sâu gây cản trở lớn đối với học sinh các dân tộc thiểu số đến trường. Các điểm trường dựng lên hầu như chỉ mang tính chất “tạm bợ” về cơ sở vật chất. Lớp học, bàn ghế, rồi cảnh quan xung quanh hầu như không được bằng khu chính. Do vậy, học sinh và giáo viên ở những điểm này hết sức thiệt thòi và thiếu thốn mọi thứ. Những năm gần đây, được sự quan tâm của nhà nước và các địa phương, một số trường đã chủ động xây dựng được lớp học và phòng ở cho giáo viên ngay tại các khu phân hiệu.

Đường đến điểm trường Mà Sa Phìn (Nậm Xây- Văn Bàn- Lào Cai).

Vì học trò ở xa nên việc bố trí biên chế lớp học cũng khá phức tạp. Không thể có phân cấp, phân lớp như ở khu trường trung tâm mà các lớp học ở khu phân hiệu ngồi chung với nhau trong một lớp học. Có khi từ lớp 1 đến lớp 3 được học chung một lớp với sỹ số đếm trên đầu ngón tay, và giáo viên cùng một lúc có thể dạy 3 đến 4 chương trình sách giáo khoa của lớp học. Chúng tôi được thực tế tại phân hiệu Trường Tiểu học Nghĩa Đô (Bảo Yên- Lào Cai) tại bản Đáp, phân hiệu dành cho học sinh từ lớp 1 cho đến lớp 2, lèo tèo cả thầy và trò chưa đến chục người. Vậy mà hàng ngày, thầy Hoàng Văn Anh (gần đến tuổi nghỉ hưu) vẫn phải lặn lội và “chèo lái” kiến thức cho cả 3 khối lớp trong cùng một lớp học.

Học sinh trường Tiểu học Xuân Thượng (Lào Cai) vượt suối tới điểm trường.


Nói là phân hiệu ngay tại bản để cho học sinh có điều kiện đến trường nhưng do các em ở trên các đỉnh núi cao nên để đến lớp học, các em phải đi một quãng đường khá xa. Chính vì vậy, khi thầy cô giáo đến lớp có khi phải chờ hàng giờ đồng hồ mới thấy các em đến. Thầy Lý Gìn Phù, giáo viên phụ trách điểm trường Tiểu học Vĩnh Yên (Bảo Yên- Lào Cai) tại bản Mông Tổng Kim cho biết: Sáng nào thầy cũng đến sớm để chờ học sinh, nhìn thấy các em đi bộ thấp thoáng trên các rẻo núi nhưng phải gần một giờ đồng hồ sau mới thấy các em đến lớp, đứa nào đứa nấy mồ hôi đầm đìa, quần xắn tận đầu gối.

Trong những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chủ trương bố trí tăng cường giáo viên, cán bộ hỗ trợ điểm trường nhằm giúp cho giáo viên “cắm bản” đỡ vất vả, song hiện tại vẫn còn nhiều gian khó do điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt của học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa được cải thiện. Chuyện thầy cô giáo đi tìm học sinh, đón học sinh qua suối vẫn là chuyện cơm bữa ở các phân hiệu.

Chuyện chuyên môn…

Dạy học ở các phân hiệu, các điểm trường thì chỉ có duy nhất một thầy hay một cô “cắm chốt”. Nhiều thì gần như cả đời dạy học, ít thì 3 đến 5 năm hết “nghĩa vụ” lại hạ sơn. Điều đó đồng nghĩa với việc thầy cô giáo ở các điểm trường đó phải “độc thoại” trong trau dồi chuyên môn hàng ngày. Vất vả hơn, họ phải đứng lớp tới 2 đến 3 chương trình sách giáo khoa thì việc học tập để nâng cao năng lực chuyên môn là cả một việc khó khăn. Nỗi lo về lán lớp, sĩ số học sinh theo từng ngày rồi đưa đón học sinh vào những ngày thiên tai bão lụt là cả một gánh nặng trên vai. Tuy vậy, việc sinh hoạt chuyên môn của giáo viên ở các điểm trường vẫn được duy trì đều đặn hàng tuần.

Tại các điểm trường, sĩ số học sinh thường ít.


Tại điểm trường THCS Hố Quáng Phìn (Đồng Văn- Hà Giang) chỉ có 1 trường trung tâm còn lại là 8 điểm trường nằm rải rác trong các bản Dao, bản Mông xa xôi. Thầy Phạm Đức Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tuy ở các phân hiệu nhưng các thầy cô giáo vẫn khắc phục mọi khó khăn để về trường trung tâm sinh hoạt chuyên môn vào thứ bảy hàng tuần. Ngược lại, Ban Giám hiệu nhà trường cũng bố trí hàng tháng vào các điểm trường dự giờ thăm lớp và kiểm tra chất lượng chuyên môn của giáo viên.

Cô giáo Nguyễn Thị Vân, phụ trách giảng dạy tại một điểm trường thổ lộ với chúng tôi: Phân hiệu cách trường tới hơn chục cây số, lại không biết đi xe nên đành phải đi bộ đến trường chính để sinh hoạt chuyên môn. Những lúc khó khăn về bài giảng hay kiến thức lại thấy khổ tâm vì chẳng có ai để hỏi, trao đổi.

… Và những bàn chân không mỏi

Tất cả vì học sinh, có lẽ đó là khẩu hiệu của bất kì thầy cô giáo nào trước khi “khăn gói” vào bản công tác. Mặc dù Nhà nước có chính sách ưu đãi cho giáo viên vào các phân hiệu, song cũng không thấm nổi với những khó khăn, thiếu thốn và thiệt thòi của những giáo viên sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Không chỉ khó khăn trong việc đưa đón học sinh, rèn luyện nâng cao chuyên môn mà chuyện ăn ở, đi lại của các thầy cô giáo ở các điểm trường là cả một câu chuyện dài khó nói hết được.

Tại phân hiệu Trường Mầm non xã Tân Tiến (Bảo Yên- Lào Cai) đóng tại bản Mông Cán Chải trên một đỉnh núi cao, cách trung tâm xã gần 10km, cô Lê Thị Thúy đã về bản cách đây 2 năm. Nhớ lại khi ấy, cô là một sinh viên mới tốt nghiệp trường CĐSP, được Phòng Giáo dục phân về xã Tân Tiến, tại đây cô được phân lên Cán Chải để trải nghiệm và thử thách sức trẻ. Nhận được tin, cô khóc đỏ mắt, khóc không phải không yêu nghề mến trẻ mà nghĩ đến chặng đường lên núi và lại xuống núi hàng tuần cô thấy “rợn” cả người. Tại phân hiệu, bản làm cho cô một phòng bằng tranh tre tạm bợ, đêm nằm nhìn thấy sao trời rõ mồn một. Từ ngày đầu, cô đã bị “vô hiệu hóa” trước “đối phương” bởi lũ trẻ ở đây là con em đồng bào Mông, hoàn toàn chưa biết nói tiếng Kinh, vậy là cô phải dạy chúng từ những vần ê a ban đầu. Sinh hoạt hàng ngày chỉ có cá khô, lạc, mì tôm mua từ đầu tuần. Thế rồi dần dần, đất ấm chân người, cô Thúy cũng đã thêm quen, thêm yêu bản.

Tại phân hiệu của Trường Tiểu học Thu Ngạc, huyện Tân Sơn (Phú Thọ), câu chuyện tình nguyện gieo chữ của cô giáo Nguyễn Thị Thoa đã làm ấm thêm miền đất mù sương này. Cô giáo Nguyễn Thị Thoa đã tình nguyện xung phong lên dạy chữ ở Cọ Sơn ngay từ những ngày đầu, và cho đến hôm nay, cô Thoa vẫn miệt mài, thao thức và dìu dắt con trẻ ở Cọ Sơn. 24 năm gắn bó với Cọ Sơn cùng với bao nỗi nhọc nhằn mỗi lần “chống gậy” leo núi để dạy chữ, cô Thoa vẫn nhớ từng chi tiết về cuộc sống và quá trình công tác ở vùng cao hẻo lánh này.

Cô Thoa tâm sự: “Chỉ mong các em có được chữ để sau này cuộc sống sẽ tốt hơn, sáng sủa hơn”. Hơn nữa, cô Thoa cũng là người Mường bản địa nên hơn bao giờ hết, cô hiểu thấu nỗi vất vả và những ước mơ cháy bỏng của con trẻ ở Cọ Sơn.
 
Không thể làm gì khác được khi nhu cầu học tập con chữ ở những bản làng xa xôi heo hút của con trẻ ngày một lớn, không thể đếm được những bước chân băng rừng lội suối của những người thầy, người cô cùng những gian nan gánh chữ ở những nơi điểm trường xa xôi. Chỉ biết rằng, tất cả vì học sinh thân yêu, vì khát vọng mang đến ánh sáng cho những bản làng xa xôi, ở đâu đó trên khắp cả nước ở các tỉnh vùng cao, thầy cô giáo đang mang tâm huyết của mình để gieo chữ nơi vùng khó.

Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN