Nhiều băn khoăn về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về thời gian áp dụng và đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được công bố.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể công bố vừa qua, đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ xã hội. Ghi nhận ý kiến của những người làm công tác giáo dục tại Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh hầu hết các nhận định chương trình đảm bảo tính khoa học, đáp ứng được yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về thời gian áp dụng và đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình này. 

Nhiều người vẫn băn khoăn về thời gian áp dụng và đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Đáp ứng yêu cầu đổi mới 


Hầu hết ý kiến của các chuyên gia, người làm công tác quản lý giáo dục và giáo viên đều đồng tình, đánh giá cao các nội dung trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Chương trình có nhiều ưu điểm, đáp ứng tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. 


Ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp chia sẻ, chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp; trong đó chú trọng nhiều hơn tới giáo dục đạo đức, lối sống và bổ sung môn học về trải nghiệm sáng tạo. Hệ thống các môn học của chương trình giáo dục phổ thông được chia thành các môn học bắt buộc, môn học bắt buộc có phân hóa, môn học tự chọn và môn học tự chọn bắt buộc; trong đó xuất hiện các môn tự chọn mới, cho học sinh thêm nhiều lựa chọn mới và giúp phân hóa, hình thành nhận thức, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc học thấp nhất. 


Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Gia Định (quận Bình Thạnh) cho rằng, chương trình chú trọng phát triển toàn diện, hài hòa về thể chất lẫn tinh thần, giáo dục kỹ năng và nền tảng đạo đức cho học sinh;. Trong đó, chương trình học tổng thể từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông hướng tới việc phát huy năng lực cá nhân và đẩy mạnh hướng nghiệp cho học sinh. Bên cạnh đó, việc tự lựa chọn các môn học, phần học theo sở thích, nguyện vọng của bản thân sẽ giúp học sinh cảm thấy hứng thú và giảm áp lực với môn học. 


Cô Lê Thị Bình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 1 nhận định, chương trình không nặng tính hàn lâm, trong đó dành nhiều thời lượng rèn kỹ năng sống cho học sinh, đảm bảo tính nhân văn, phát huy tính tích cực của học sinh, đáp ứng nhu cầu người học. Bên cạnh đó, chương trình đánh giá được đầu ra của người học, đáp ứng yêu cầu trong quá trình phát triển. Chương trình cũng nhấn mạnh tính tự chủ, linh hoạt của nhà trường trong xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với thực tế. Ở đây, vai trò của người quản lý rất quan trọng, vì vậy phải bồi dưỡng năng lực cho cán bộ quản lý phòng giáo dục, hiệu trưởng để kịp thời triển khai các nội dung của chương trình. 


Ở góc độ khác, thầy Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình), đánh giá cao việc sắp xếp chương trình giáo dục theo từng giai đoạn, cụ thể gồm giai đoạn giáo dục cơ bản (tiểu học, trung học cơ sở) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (trung học phổ thông). Việc sắp xếp chương trình theo giai đoạn và có tính liên thông các cấp học, trong đó chương trình tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên, đặc biệt là ở lớp 11 và 12, sẽ giúp phân hóa sâu, phát huy khả năng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh. 


Vẫn còn băn khoăn 


Các chuyên gia cho rằng việc áp dụng đại trà trong năm học 2018 – 2019 là khó khả thi, do đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu. Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới mang tính đổi mới toàn diện, nếu thực hiện gấp quá khó đạt được yêu cầu, mục đích đề ra ban đầu. Vì vậy, phải có lộ trình cụ thể, trước khi thực hiện đại trà cần triển khai thí điểm từng khối lớp, môn học để rút kinh nghiệm thực tế, đặc biệt cần chuẩn bị kỹ lưỡng, đào tạo bài bản cho đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. 


Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ giáo viên, cô Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Gia Định (quận Bình Thạnh) cho rằng, nhân tố quyết định thành công trong thực hiện chương trình này chính là giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay đội ngũ giáo viên đang giảng dạy ở các trường cũng như sinh viên ngành sư phạm vẫn chưa được trang bị đầy đủ các kiến thức, kỹ năng phục vụ cho việc giảng dạy chương trình mới, đặc biệt là một số môn mới, môn học tích hợp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất cũng góp phần rất quan trọng cho thành công của chương trình, nhưng hiện nay nhiều nơi còn thiếu trang thiết bị, cơ sở vật chất, sĩ số lớp còn đông. Do vậy, việc triển khai đại trà ngay trong năm học sau sẽ rất khó khăn. 


Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Thu Cúc cũng bày tỏ băn khoăn khi số lượng môn học, tiết học của chương trình mới vẫn còn khá nhiều, trong đó một số môn học mới có khả năng sẽ chồng chéo nhau, ví dụ như các môn Cuộc sống quanh ta với môn Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên; hay các môn Tìm hiểu công nghệ với Thế giới công nghệ, Tìm hiểu tin học... Bên cạnh đó, chương trình tổng thể mới cần đổi mới cả cách kiểm tra đánh giá, nếu vẫn thực hiện như hiện nay, việc đổi mới sẽ không thực chất. 


Cho rằng đội ngũ giáo viên hiện nay chưa thể đáp ứng được việc giảng dạy chương trình mới, cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh (quận 1) cho rằng, chương trình mới có rất nhiều ưu điểm nhưng nếu không chuẩn bị kỹ về mặt đội ngũ giáo viên rất khó thực hiện và đạt kết quả tốt. Việc đào tạo đội ngũ giáo viên mới phải đi trước một bước, trong đó cần có kế hoạch bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên đang giảng dạy, cũng như thay đổi chương trình đào tạo sinh viên ngành sư phạm đáp ứng yêu cầu. 


Góp ý về nội dung chương trình học, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Gò Vấp đề nghị, cần nghiên cứu lại nội dung “Ngoại ngữ 2 là môn học tự chọn, có thể bắt đầu từ lớp 6 và kết thúc ở bất kỳ lớp nào tùy theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục”. Bởi theo quy định này, lớp học ngoại ngữ 2 có thể kết thúc bất kỳ lúc nào, điều này sẽ gây khó khăn trong việc tổ chức lớp. Thực tế, để mở lớp ngoại ngữ 2 nhà trường cần phải xin thêm biên chế giáo viên cho môn học này. Nếu lớp học đột ngột kết thúc, những giáo viên này sẽ được sắp xếp công việc như thế nào. Vì vậy, cần xây dựng chương trình cụ thể với lộ trình rõ ràng, khoa học, trong đó có quy định thời gian bắt đầu, kết thúc và chuẩn kiến thức đạt được của môn học. 


Ở góc độ hệ giáo dục thường xuyên, cô Trần Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 12 bày tỏ băn khoăn về việc áp dụng chương trình mới cho khối giáo dục thường xuyên. Bên cạnh đó, muốn thực hiện tốt chương trình này phải đảm bảo cơ sở vật chất, có phòng bộ môn, phòng thực hành, chuẩn thư viện… Song hiện nay, một số Trung tâm Giáo dục thường xuyên còn khó khăn về cơ sở vật chất, nếu thực hiện trong năm học 2018 - 2019 là rất khó.  


Thu Hoài/TTXVN
Nhiều băn khoăn của giáo viên với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể
Nhiều băn khoăn của giáo viên với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Thời gian thực hiện, nội dung chương trình, đội ngũ giáo viên, kiểm tra đánh giá học sinh và cơ sở vật chất... đó là những vấn đề được nhiều giáo viên băn khoăn nhất trong buổi góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vào chiều 26/4 tại Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN