Người thầy ươm những mầm xanh nơi đảo xa

Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Đỗ Quang Liêm hăng hái trở về quê hương với duy nhất một ý nghĩ “đảo đã sinh ra và nuôi ta khôn lớn, ta phải trở về làm gì đó cho hòn đảo này”.

Là một trong những giáo viên trẻ được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội vừa qua, thầy Nguyễn Đỗ Quang Liêm (35 tuổi), Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Mỹ Khê, ã Tam Thanh, đảo Phú Quý (Bình Thuận) là một thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết vì sự học nơi “đầu sóng ngọn gió”.

Sinh ra và lớn lên tại hòn đảo xa xôi Phú Quý, tuổi thơ của iêm gắn liền với cuộc sống lam lũ của dân biển, với sự thiếu thốn bởi cách trở giữa đảo với đất liền. Đã không ít người bỏ đảo về đất liền xây dựng một cuộc sống mới đầy đủ và dễ dàng hơn, nhưng với iêm thì khác. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm vào năm 2005, từ chối những công việc tốt ở đất liền, thầy Liêm hăng hái trở về quê hương, công tác tại trường Trung học cơ sở Ngũ Phụng (xã Ngũ Phụng - đảo Phú Quý) với duy nhất một ý nghĩ “đảo đã sinh ra và nuôi ta khôn lớn, ta phải trở về làm gì đó cho hòn đảo này”.

Đảo Phú Quý là hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Nằm cách đất liền hơn 100km. Từ đảo về đất liền mất khoảng 5 tiếng đồng hồ. Những trải nghiệm thời ấu thơ, chuyện thiếu nước thiếu điện, đi lại khó khăn đã không thể làm chùn bước người thầy giáo trẻ, mà ngược lại trở thành động lực khiến anh khát khao cống hiến vì đảo, vì những “mầm xanh” ở huyện đảo.

Nhớ lại những ngày đầu nhận công tác, thầy Liêm kể khó khăn chồng chất, một sinh viên ra trường với tấm bằng trên tay, thiếu kinh nghiệm giảng dạy lẫn việc tổ chức, thu hút học sinh tham gia phong trào… Hơn nữa, đại bộ phận gia đình các em ở đảo đều là lao động biển nên sau giờ học các em phải tham gia phụ giúp gia đình, có những em phải nghỉ học để làm kinh tế. Điều này ảnh hưởng tới việc học tập và hoạt động Đoàn – Đội của các em. Vận động các em đến trường đã khó, huống hồ việc vận động, thu hút các em tham gia các hoạt động ngoại khóa, hoạt động Đội - Đoàn.

Với tinh thần vượt khó, hàng đêm thầy Liêm luôn mày mò, tự làm ra các dụng cụ dạy học, phương pháp giảng dạy dễ hiểu, đem lại hiệu quả cao cho học sinh. Bên cạnh đó, để khơi dậy sự hăng say, thích thú của các em, các hoạt động ngoại khóa ở trường cũng được thầy “hâm nóng” bằng những trò chơi, việc làm thiết thực mang đầy ý nghĩa của tuổi nhỏ, trí lớn. Những buổi giao lưu văn nghệ, các hoạt động Đoàn - Đội không những rèn luyện cho các em kỹ năng sống mà những câu chuyện mộc mạc về hòn đảo Phú Quý, về những di tích lịch sử, tình yêu biển đảo được lồng ghép mỗi buổi sinh hoạt dã ngoại giúp các em học sinh trên đảo xa thêm yêu quê hương, tình cảm thầy trò càng thêm gắn bó.

Sau một thời gian công tác, đến năm 2009 thầy Liêm được phân công về giảng dạy tại trường Tiểu học Mỹ Khê. Tại mái trường này, ngoài giỏi chuyên môn với sức trẻ và lòng nhiệt huyết đối với công tác Đội, thầy Liêm dành nhiều thời gian tham gia hoạt động Đoàn – Đội, được tín nhiệm trở thành Phó Bí thư chi đoàn, kiêm Tổng phụ trách Đội của trường.

Thầy Liêm cho biết, với vai trò là một giáo viên Tổng phụ trách Đội, thầy mong muốn các em đến trường không chỉ để học chữ mà phải tập trung giáo dục học sinh theo mục tiêu giáo dục toàn diện, chú trọng rèn luyện các mặt để các em sau này trở thành người có đủ trí, đức, thể, mỹ nhằm đạt chất lượng và hiệu quả đào tạo. Giờ đây điều kiện ở đảo giờ đã được cải thiện hơn trước, điện nước đầy đủ, cơ sở vật chất giáo dục được đầu tư. Thầy mong muốn các em học sinh ở đảo cần phải được vui chơi, được phát triển bởi các em đã thiệt thòi quá nhiều. Từ đó, những buổi văn nghệ “cây nhà lá vườn”, những đêm hội trung thu ra đời mà thầy Liêm luôn là người “bày trò”.

Ở trên đảo có gì dùng nấy, thầy và trò tự tay làm những chiếc đèn trung thu rồi cùng nhau ca múa, những tiết mục cũng do thầy trò tự nghĩ ra. Mộc mạc, gần gũi nhưng niềm vui thì không gì có thể tả nổi, thầy Liêm vui vẻ chia sẻ. Ngoài các hoạt động truyền thống cho học sinh thông qua các ngày lễ chủ điểm, những hoạt động ngoại khóa ra quân dọn vệ sinh bãi biển, chăm sóc bia ghi danh liệt sỹ… luôn được thầy Liêm cùng nhà trường duy trì. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, thầy Liêm còn phát động toàn Liên đội phong trào “Quỹ vì bạn nghèo” tặng quà, đồng phục, nhận đỡ đầu và giúp đỡ cho các em học sinh nghèo hiếu học trên đảo.

Công việc của một người giáo viên trên đảo rất nhiều. Ngoài đứng lớp còn bao nhiêu là việc không tên khác. "Trong những giai đoạn khó khăn nhất, tôi luôn động viên bản thân rằng, những thế hệ đi trước khó khăn trăm lần nhưng họ vẫn bám đảo, vẫn dạy tốt học tốt thì cớ gì bây giờ điều kiện đã khá hơn mình lại từ bỏ. Hơn hết, khi nhìn thấy nụ cười của các em sau giờ học, sau mỗi hoạt động mọi khó khăn dường như không còn nữa. Hơn 10 năm dạy học, với tôi, các em học sinh không chỉ là người thân mà còn là nơi truyền đam mê, luôn bên cạnh để tôi có thêm động lực hoàn thành tốt công việc", thầy Liêm chia sẻ.

Cô Huỳnh Thị Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Khê cho biết: Thầy Nguyễn Đỗ Quang Liêm là người có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, tác phong gương mẫu trong công việc và cuộc sống, luôn tìm tòi học hỏi từ đồng nghiệp. Những năm qua, thầy Liêm luôn đạt danh hiệu giáo viên tổng phụ trách đội giỏi.

Hồng Hiếu (TTXVN)
"Làng giáo viên" Nại Cửu, Quảng Trị
"Làng giáo viên" Nại Cửu, Quảng Trị

Vào ngày 20/11 tri ân thầy cô, tỉnh Quảng Trị nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung hiếm có làng quê nào lại đông vui và nhộn nhịp như ở làng Nại Cửu, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong. Khắp mọi ngả đường trong làng người ra vào tấp nập, đủ mọi lứa tuổi đến tri ân các thầy cô giáo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN