Người gieo mầm hy vọng cho học sinh khiếm thị

Gần 30 năm trong nghề, gắn bó cả sự nghiệp với những học sinh đặc biệt tại Trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng (quận Kiến An, TP Hải Phòng), trái tim cô Nguyễn Thị Thảo với tình yêu và nỗi trăn trở dành cho những học trò nhỏ vẫn chưa khi nào ngừng thổn thức.

 

Người mẹ thứ hai

5 giờ chiều, sau tiếng trống tan trường, cũng là lúc cô Thảo vội vã cất cặp, bắt đầu thời gian trực chăm sóc các em nhỏ học sinh khiếm thị nội trú. Với những học sinh còn nhỏ tuổi, chưa quen lối đi trong trường, cô Thảo đặc biệt để ý nhiều hơn. Đưa các con tới chỗ ngồi ổn định, cô Thảo chia cơm, thức ăn vào bát cho từng bạn. Trong suốt bữa ăn, cô liên tục chạy qua các bàn, hỏi thăm các con xem có ăn được hay cần trợ giúp gì không. 

“Ăn xong tôi sẽ đưa các con về khu nội trú. Trẻ con nên các bạn ấy vẫn mải chơi lắm. Vì vậy, các cô lúc nào cũng phải thúc giục. Với những bạn lớn, các con quen tự vệ sinh rồi thì chỉ cần nhắc nhở thôi. Còn các bạn bé hơn, cô giáo trực sẽ giúp các con tắm rửa, thay và giặt đồ. Luôn chân luôn tay, nhưng lúc nào cũng được nghe các bạn ấy cười và nói yêu cô, tôi quên mọi mệt mỏi”, cô Nguyễn Thị Thảo kể. 

Chú thích ảnh
Bất kể khi nào gặp cô Thảo trong sân trường, các em cũng chạy lại ôm cô như người mẹ của mình.

Phải đến khi các con sạch sẽ, vui vẻ về phòng vui chơi, cô Thảo mới yên tâm quay về ăn tối. Ăn xong cô lại đến từng phòng hỏi xem các con còn điều gì ban ngày học trên lớp chưa hiểu để giảng lại rồi nhắc học sinh đi ngủ đúng giờ. Cô Thảo tâm sự: “Tắt đèn, đi ngủ hết rồi nhưng tôi vẫn chưa yên tâm. Đến đêm lại trằn trọc, dậy đôi lần đi một lượt xem học sinh ngủ có ngon không, vì đôi khi các con ngủ chân tay cứ thò ra ngoài màn, hoặc đạp chăn ra, thương lắm”. 

Đây cũng là nhiệm vụ bổ sung được phân chia cho các thầy cô thay phiên nhau thực hiện tại trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng. Thông thường một giáo viên sẽ có từ một đến hai buổi trực trong tuần. Bên cạnh việc dạy kiến thức ban ngày, việc sát sao, đồng hành cùng học sinh ở lại tại khu nội trú cũng được chú trọng. Bởi qua quá trình gắn bó mỗi ngày, chính các thầy cô chủ nhiệm sẽ là người hiểu tâm lý và biết cách quan tâm đến các học sinh của mình hơn ai hết. 

Chú thích ảnh
Giờ ăn luôn là lúc cô Thảo phải tất tả, tới từng bàn chăm sóc các con.

Khi được hỏi về cô giáo Thảo, em Phạm Thùy Linh, học sinh lớp 5A chia sẻ: “Cô là người rất hiền, mỗi lần học mà em chưa hiểu, cô sẽ dừng lại để giảng cho tới khi học sinh hiểu thì thôi. Em ở Quảng Ninh lên đây học nên thời gian đầu rất nhớ nhà, may có cô lúc nào cũng bên cạnh quan tâm. Cô dẫn em đi làm quen với các bạn, đưa em đi tham quan trường. Em cũng hay tâm sự với cô nhiều điều, những lúc em tủi thân cô luôn động viên em cố gắng, lạc quan hơn”. 

“Cô luôn ở bên chúng tôi”...

Mỗi lần nhớ về cô Nguyễn Thị Thảo là chị Đinh Thị Thơ (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) không giấu nổi nỗi xúc động. Những ngày đầu “chân ướt chân ráo” lên thành phố theo học trường khiếm thị, chị Thơ vừa bỡ ngỡ vừa lo lắng. Được cô Thảo dạy dỗ, động viên, chị Thơ dần trưởng thành, theo học hết cấp ba và thi đỗ vào khoa Văn của trường Đại học Hải Phòng. 

Chú thích ảnh
Các học sinh nữ thường tâm sự với cô Thảo về các vấn đề trong cuộc sống.

Cuộc sống những tưởng sẽ dần trở nên tươi sáng hơn với cô gái trẻ, nhưng bỗng chốc chị Thơ phải đối diện với việc làm mẹ đơn thân và mẹ ruột chị, cũng là người duy nhất có đôi mắt sáng trong nhà đột ngột qua đời. “Thế giới của tôi khi ấy như sụp đổ, tôi chỉ muốn buông bỏ tất cả, nhưng thật may, cô Thảo vẫn luôn dõi theo, biết được chuyện và không ngừng cổ vũ tôi kiên cường, vượt qua thực tại”, chị Thơ trải lòng. 

Cô con gái nhỏ của chị Thơ sinh ra cũng không may mắn có đôi mắt không lành lặn, giờ tiếp tục là học sinh của cô Thảo. Chị Thơ còn tiết lộ, vì quá ấn tượng và dành nhiều tình cảm đặc biệt cho cô giáo năm xưa, mà chị đã đặt tên con gái là Minh Thảo, để gợi nhớ về người mẹ thứ hai của mình. 

Giống như chị Thơ, anh Lê Trung Cường, hiện đang là thầy giáo của trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng, cũng là một trong những học sinh đầu tiên được cô Nguyễn Thị Thảo dìu dắt. “Tôi vẫn không thể quên những ngày đầu cô nhận lớp, biết học sinh thích nghe ngóng thông tin nhưng chỉ được nghe qua đài, cô Thảo đã đi xin, mượn những bài báo, bài văn hay để đọc cho chúng tôi nghe. Ngày đó khó khăn lắm, cô còn làm thêm vừng, lạc, ruốc mang đến trường để chúng tôi cải thiện bữa ăn”, anh Cường bùi ngùi. 

Anh Lê Trung Cường chính là tác giả của tập sách “Trong mắt trái tim”, ”Mặt trời luôn bên tôi”, truyện ngắn "Tiếng sáo trên thảo nguyên",... và nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng khác. Vốn sinh ra với đôi mắt bình thường, đến năm 7 tuổi, anh bị bệnh và thị lực giảm nhanh chóng. Đến năm 15 tuổi, ánh sáng vĩnh viễn rời xa anh. Hành trình học lại lớp 1 năm 13 tuổi, học hết cấp 2, cấp 3 rồi thi vào hệ cao đẳng sư phạm của trường Đại học Hải Phòng, trở thành một nhà văn, thầy giáo như hiện tại của anh Cường luôn có sự dõi theo, đồng hành của cô Thảo. 

Tình thương và sự kiên trì là kim chỉ nam

Năm 1994, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thảo với tấm bằng Cử nhân sư phạm Văn không do dự nộp hồ sơ xin vào dạy tại trường Nuôi dạy trẻ khiếm thị Hải Phòng, với suy nghĩ duy nhất là làm được điều gì điều đó để giúp đỡ các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại nơi đây. “Trước đó, tôi có cơ hội được tới thăm trường, nhìn các con từ khi sinh ra đã không được thấy ánh sáng, tôi như được thôi thúc thêm động lực trở về đây. Ngày ấy nhiều cơ hội mở ra lắm, nhưng tôi chỉ kiên định với lựa chọn này mà thôi”, cô Nguyễn Thị Thảo tâm sự. 

Chú thích ảnh
Cô Nguyễn Thị Thảo luôn kiên trì, nhẫn nại trong việc dạy học cho trẻ khiếm thị.

Những ngày đầu nhận lớp, mọi thứ khó khăn hơn những gì cô Thảo tưởng tượng, bởi dạy học vốn là công việc vất vả, nhưng dạy học cho trẻ khiếm thị, trẻ khuyết tật trí tuệ còn đặt ra nhiều thử thách khác. Cô Thảo nhớ lại: “Tôi bắt đầu từ việc tìm hiểu và học cách sử dụng chữ nổi, tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về giáo dục trẻ khiếm thị. Thời gian đầu chưa quen môi trường, bỡ ngỡ lắm, nhiều khi dạy nhưng các con không hiểu, không hợp tác, thậm chí có bạn tự kỷ vì không vừa ý mà mắng cả cô, tôi đã từng nản chí. 

Tôi khi ấy đã thử nhắm mắt lại để tự sinh hoạt. Trong chính căn nhà mà mình đã gắn bó, tôi vẫn phải mò mẫm, dò từng chút một, thế mới hiểu các con cả đời không được thấy ánh sáng sẽ tủi thân và gặp khó khăn thế nào. Dần dần tôi hòa nhập cùng học sinh, tình thương cho các con cũng theo đó mà lớn lên mỗi ngày”. 

Cô Nguyễn Thị Thảo cho biết thêm, khác với môi trường giáo dục thường, việc dạy trẻ khiếm thị và khuyết tật trí tuệ cần phải đi đôi với “dỗ”. Đôi khi là dỗ trước, dạy sau. Thầy cô cần phải đánh giá khả năng tiếp nhận và tính cách của từng học sinh và lên kế hoạch giảng dạy cụ thể với mỗi em. Bên cạnh việc dạy theo nhóm lớp, giáo viên cần nhẫn nại, truyền đạt tới các em từng chút một. 

Cô Thảo chia sẻ, mỗi lớp chỉ có khoảng 10 học sinh, nhưng độ tuổi lại rất khác nhau. Có bạn đi học đúng tuổi, có bạn 13, 15 tuổi mới bắt đầu đi học tiểu học, vì vậy khả năng tiếp thu cũng không đồng đều. Do đó, trước mỗi năm học, nhà trường sẽ tổ chức khảo sát, đánh giá từng học sinh, để lên kế hoạch giáo dục cá nhân theo khung chương trình của Bộ GD&ĐT. Với những học sinh tiếp thu tốt, chỉ cần một năm lên được một lớp, nhưng cũng có những lớp phải chia chương trình học thành 2-3 năm. 

Với cô Nguyễn Thị Thảo, các em được học kiến thức đầy đủ để không phải thiệt thòi. Tuy nhiên, điều mà cô muốn những học trò đặc biệt của mình hướng đến là học những điều có ý nghĩa nhất trong cuộc sống. “Các con cũng được học thêm kỹ năng để tự chăm sóc bản thân như: buộc dây giày, đánh răng, vệ sinh cá nhân, làm bánh,... Nhìn các con tiến bộ mỗi ngày, một chút thôi, hôm nay con biết đọc thêm một bài, làm thêm được một phép toán, với tôi như vậy là đủ”, cô Thảo tâm sự.

Chú thích ảnh
Sau giờ ăn, cô Thảo đưa các con về phòng ngủ rồi mới yên tâm rời đi.

30 năm gắn bó với mái trường đặc biệt, cô Thảo vẫn gọi nơi đây là “ngôi trường hạnh phúc”. Cô Thảo trải lòng: “Mỗi ngày đến trường, chỉ cần thấy tôi từ xa, mấy đứa trẻ đã chạy lại tíu tít, ôm ấp, dù đôi khi các bạn không phải học sinh tôi chủ nhiệm. Còn với các bạn khiếm thị, nghe thấy tiếng xe máy, cũng nhận ra cô Thảo, lại líu lo chào cô. Chính thứ tình cảm trong sáng và thuần khiết ấy đã trở thành động lực giúp tôi vững tin hơn trên con đường mình đã chọn”. 

Mỗi năm khi hè đến, cũng là lúc cô Thảo phải chia tay thêm một lứa học trò. Nghĩ về ngày tạm biệt, cô giáo dành cả sự nghiệp chăm lo những học sinh khiếm thị lại nghẹn ngào: “Hụt hẫng. Đó là điều không thể tránh khỏi. Nhớ tụi nhỏ, nhưng cũng muốn để các con đến với chân trời rộng lớn hơn, một tương lai tươi sáng hơn. Chỉ có điều tôi vẫn luôn trăn trở suốt 30 năm nay, rằng không biết sau này, cuộc sống của các con sẽ thế nào, khi ngoài kia là muôn vàn khó khăn, thử thách đang đợi chờ...”

Phương Mai/Báo Tin tức
'Người cha' nơi sân trường luôn 'sưởi ấm' trái tim cậu học trò thiệt thòi
'Người cha' nơi sân trường luôn 'sưởi ấm' trái tim cậu học trò thiệt thòi

Dù đã chia tay mái trường THCS Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhưng những ký ức về người thầy chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Quân, về những năm tháng được thầy dìu dắt, nâng bước tại trường, vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của cậu học trò đặc biệt, em Nguyễn Minh Kiệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN