Nâng cao kỹ năng phòng vệ, tránh nguy cơ bị xâm hại

Ngành Giáo dục thành phố Đà Nẵng triển khai nhiều giải pháp nhằm trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh để bảo vệ bản thân, tránh những nguy cơ bị xâm hại.

Trong các buổi chào cờ đầu tuần và sinh hoạt lớp, các trường đã lồng ghép tuyên truyền, giáo dục tâm sinh lý cho học sinh. Giáo viên chủ nhiệm các lớp thường xuyên lồng ghép kiến thức về sinh học trong những môn học liên quan như khoa học, đạo đức, thực hành rèn luyện kỹ năng sống.

Một số trường đã tăng tiết dạy ngoại khóa và tổ chức giáo dục kỹ năng mềm cho học sinh, dạy các em kỹ năng tự ứng phó trước những tình huống nguy hiểm. Bên cạnh đó, các trường kết hợp cho học sinh tham gia phong trào “Đôi bạn cùng tiến” và thực hiện ghi sổ nhật ký để qua đó nắm bắt tâm sinh lý cũng như cập nhật, giám sát hoạt động hằng ngày của các em. Việc xây dựng hình ảnh mẫu, cư xử đúng mực và giữ khoảng cách với học sinh của giáo viên nam được nhiều trường triển khai thực hiện.

Đối với phụ huynh học sinh, các trường đã quy định khung giờ để phụ huynh đưa đón con em đúng giờ; đồng thời yêu cầu phụ huynh phải thông báo cho giáo viên chủ nhiệm khi có người lạ đến đón thay. Sau giờ học, một số trường còn tăng cường giáo viên trực để kịp nắm bắt, hỗ trợ học sinh và phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh bận đột xuất không đến đón con đúng giờ.

Ngoài việc giáo dục tâm sinh lý, kiến thức, kỹ năng phòng tránh bị xâm hại cho học sinh, nhiều giáo viên trong trường khuyết tật đã động viên nhau đi sớm, về trễ hơn để quan sát, đảm bảo an toàn cho học sinh trước khi ra về.

Trong các giờ ngủ trưa, giáo viên nhà trường chủ động tách riêng khu và giường cho học sinh nam, khu và giường cho học sinh nữ; đồng thời luôn có sự giám sát của cô giáo cũng như cán bộ trường.

Năm học 2016 - 2017, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng xác định cùng phấn đấu đạt được hai mục tiêu lớn trong việc tuyên truyền, nâng cao kiến thức kỹ năng của trẻ về phòng, chống bị xâm hại.


Đà Nẵng phấn đấu có 90% gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội được nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; 70% trẻ em từ 9 tuổi trở lên có kiến thức cơ bản về tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị xâm hại, bạo lực và biết địa chỉ liên hệ khi bị hoặc phát hiện trẻ em khác có nguy cơ hoặc đang bị tổn hại. Bên cạnh đó, Sở đã triển khai các mô hình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết, trong năm nay, Sở sẽ triển khai tổ chức nhiều hoạt động như Lễ phát động “Tháng hành động Vì trẻ em”, gặp mặt biểu dương trẻ em vượt khó vươn lên, tham dự diễn đàn trẻ em quốc gia, thành lập câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em, triển khai các chương trình, hoạt động do trẻ em khởi xướng... Qua đó, nâng cao ý thức, kỹ năng phòng vệ cho trẻ và kêu gọi xã hội chung tay bảo vệ trẻ em.

Cao Phương (TTXVN/Tin Tức)
Bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại tình dục - Bài 1
Bảo vệ trẻ em trước hành vi xâm hại tình dục - Bài 1

Hiện nay, các vụ xâm hại tình dục thường được giải quyết rất chậm. Sự chậm trễ này gây nên những hậu quả to lớn về tâm lý, sức khỏe, quan hệ gia đình và xã hội của nạn nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN